Để hoạt động khám sức khỏe định kỳ đem lại kết quả chính xác thì việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước khi thực hiện là vô cùng cần thiết. Nếu bạn còn băn khoăn đi khám sức khỏe có được ăn sáng không thì hãy đừng bỏ qua bài viết dưới đây để tìm được câu trả lời chính xác.
Menu xem nhanh:
1. Trước khi khám sức khoẻ có được ăn sáng không?
“Khám sức khỏe có nên ăn sáng không?” là thắc mắc thường gặp ở rất nhiều người đang chuẩn bị thực hiện khám sức khỏe. Do sự khác nhau về cơ địa và thể chất nên không phải ai cũng dễ dàng để bụng rỗng trong buổi sáng. Với nhiều người, bỏ bữa có thể dẫn tới tình trạng tụt huyết áp, và gây nên cảm giác khó chịu trong mỗi kỳ khám sức khỏe tổng quát.
Thông thường, khám sức khỏe bao gồm quy trình lấy mẫu xét nghiệm, khám cận lâm sàng và khám lâm sàng tổng quát. Mỗi hoạt động kiểm tra, kỹ thuật thực hiện lại có những lưu ý riêng biệt mà bạn cần tuân thủ. Trong đó, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng tổng quát và nội soi tiêu hóa là những danh mục đòi hỏi người bệnh phải nhịn ăn trước đó nhiều giờ.
Để biết chính xác việc đi khám sức khoẻ có được ăn sáng không thì bạn nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt kết quả thăm khám chính xác.
2. Ăn sáng ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thăm khám?
Đối với một số hoạt động kiểm tra, việc ăn sáng sẽ gây sai lệch, làm ảnh hưởng tới tổng quan kết quả thăm khám. Cụ thể như sau:
2.1. Xét nghiệm Glucose (đường máu)
Đây là chỉ định nhằm kiểm tra lượng đường trong máu ở mức trung bình, cao hay thấp. Trường hợp ăn sáng trước khi lấy mẫu xét nghiệm sẽ cho kết quả lượng đường trong máu vượt quá mức tiêu chuẩn, dẫn đến kết quả chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thần kinh…. Để kết quả xét nghiệm được chính xác, tốt nhất bạn nên nhịn ăn uống trong khoảng thời gian 8 – 12 giờ.
2.2. Xét nghiệm Cholesterol (mỡ máu)
Lượng mỡ trong máu quá cao tạo thành các mảng bám ở thành động mạch và là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh lý về tim mạch hay tai biến mạch máu não…. Bên cạnh các kỹ thuật chuyên sâu khác thì xét nghiệm mỡ máu là tiêu chuẩn giúp đánh giá nồng độ mỡ trong máu cao hay thấp.
Cũng tương tự như xét nghiệm đường máu, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên nhịn ăn uống trong khoảng thời gian từ 8 – 12 giờ trước khi tiến hành lấy mẫu máu. Và lưu ý thêm rằng, người bệnh chỉ nên uống nước lọc trước khi xét nghiệm.
2.3. Siêu âm ổ bụng tổng quát
Siêu âm ổ bụng là một trong những danh mục không thể thiếu, được xây dựng trong hầu hết các gói khám tổng quát của Thu Cúc TCI. Dựa vào hình ảnh thu được rõ nét trên màn hình, bác sĩ có thể nắm được tình trạng của các tạng nằm trong ổ bụng như: Gan, mật, thận, lách, tụy, bàng quang, phần phụ (tử cung, buồng trứng, túi tinh, tuyến tiền liệt),…
Bên cạnh lưu ý nhịn căng tiểu trước khi siêu âm để giúp bác sĩ dễ dàng quan sát ổ bụng thì người bệnh cần nhịn ăn sáng. Nếu ăn no, túi mật sẽ co nhỏ lại, khiến bác sĩ khó quan sát các tổn thương nằm bên trong bộ phận này.
2.4. Nội soi tiêu hóa
Đối với danh mục này, bạn tuyệt đối không được ăn sáng để quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng, dễ dàng, giúp bác sĩ thu được được kết quả chính xác.
Ngoài ra, việc ăn uống trước khi bắt đầu quy trình thăm khám có thể ảnh hưởng tới kết quả của một số xét nghiệm: Ure, Creatinin, Axit uric máu, chức năng gan, định lượng Vitamin,… Chính bởi tác động tiêu cực, bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh để bụng rỗng để tránh ảnh hưởng tới buổi thăm khám. Như vậy, khám sức khỏe có được ăn sáng không còn tùy thuộc vào danh mục khám mà bạn thực hiện, cũng như chỉ định cụ thể từ phía bác sĩ.
3. Khám sức khỏe cần nhịn ăn sáng trong bao lâu?
Ở mỗi kỳ khám sức khỏe, để không gặp phải cảm giác khó chịu và thiếu chính xác trong kết quả xét nghiệm thì bạn nên đăng ký thăm khám vào sáng sớm. Tốt nhất là ngay sau khi thức dậy để cơ thể không bị mệt mỏi, đồng thời nạp ngay năng lượng sau khi kết thúc buổi thăm khám, tránh nhịn đói quá lâu dẫn khiến cơ thể uể oải, mất sức. Ngay khi kết thúc quá trình lấy mẫu xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và nội soi tiêu hóa thì bạn hoàn toàn có thể ăn uống bình thường.
Trường hợp đã ăn sáng, bạn nên ngừng việc nạp thức ăn vào cơ thể, để bụng rỗng và rời lịch thăm khám đến buổi chiều để tránh ảnh hưởng tới kết quả thăm khám.
4. Tổng hợp những lưu ý cần nhớ trước khi khám sức khỏe
Mỗi loại xét nghiệm, kiểm tra lại có đặc thù nhất định, để biết khám sức khỏe có được ăn sáng không hay tránh ăn thực phẩm gì không thì bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện. Đừng quên thông báo với bác sĩ đơn thuốc mà bạn đang sử dụng để xác định các loại thuốc đặc trị này có gây ảnh hưởng tới kết quả hay không.
Trước khi đi khám sức khỏe tổng quát, các chuyên gia khuyên người bệnh nên uống đủ nước. Không chỉ tốt cho cơ thể, nước còn đồng thời hỗ trợ tối đa cho quy trình thăm khám, đặc biệt với các danh mục: Đo huyết áp, tần suất mạch, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng,…
Ngoài ra, có loại thức ăn, đồ uống không tốt cho sức khỏe nên hạn chế ăn trước khi thực hiện xét nghiệm như: Các loại đồ uống chứa cồn/ caffeine (Rượu, bia, cà phê), chất kích thích, thức ăn quá giàu chất béo, các loại bánh kẹo hoặc thực phẩm quá ngọt,…
Trao đổi trước với bác sĩ về những lưu ý trước khi đi khám sức khỏe vì chỉ các chuyên gia y tế mới có thể cho bạn câu trả lời chính xác “Khám sức khoẻ có được ăn sáng không?”. Do vậy, hãy tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời chuẩn bị sẵn các câu hỏi thắc mắc về quy trình chuẩn bị trước khi thăm khám để được giải đáp chi tiết.