Táo bón là một vấn đề thường gặp ở đối tượng trẻ em, khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu và giảm khả năng ăn uống, vui chơi. Cha mẹ không nên chủ quan với vấn đề này, một số trường hợp còn được bác sĩ chỉ định dùng thuốc. Vậy đâu là loại thuốc trị táo bón cho trẻ hiệu quả được sử dụng hiện nay?
Menu xem nhanh:
1. Táo bón – Tình trạng hay gặp ở trẻ em
1.1. Biểu hiện nhận biết táo bón ở trẻ
Trẻ em bị coi là táo bón cần dựa vào nhiều yếu tố: số lần đi ngoài, đặc tính của phẩn, các dấu hiệu khác liên quan đến tiêu hóa.
Với số lần đi ngoài chia thành 3 nhóm sau, cha mẹ hãy xem con thuộc nhóm nào để nhận biết xem có bị táo bón không nhé.
– Đi ngoài dưới 2 lần/ngày đối với trẻ sơ sinh.
– Đi ngoài trên 2 ngày/lần đối với trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ.
– Đi ngoài trên 3 ngày/lần đối với trẻ lớn hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần để ý đến đặc tính của phân. Nếu thấy phân cứng hoặc khô, trẻ có biểu hiện đau trong quá trình đại tiện thì có thể nghi ngờ bị táo bón.
1.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ:
– Ăn ít rau, trái cây.
– Uống rất ít nước hoặc không có thói quen uống nước.
– Nhịn đại tiện do mải chơi, sợ nhà vệ sinh dơ,…
– Mắc một số bệnh lý: phình to đại tràng, giả tắc ruột mạn tính, hẹp trực tràng hậu môn bẩm sinh,…
1.3. Đối tượng trẻ em dễ bị táo bón
Thực tế, trẻ nào cũng có khả năng bị táo bón. Tuy nhiên, nguy cơ bị táo bón tăng gấp 3 lần ở 2 nhóm trẻ sau:
– Thời kỳ sau khi bắt đầu ăn dặm: Ở thời kỳ này, trẻ dần đi vào nếp sống theo quy định nên thời gian đại tiện cũng vậy. Tuy nhiên, đang từ bú mẹ hoàn toàn chuyển sang ăn dặm nên trẻ có thể chưa quen với thức ăn, dẫn tới nguy cơ táo bón. Mặt khác, cũng có thể từ chế độ ăn ít chất xơ khiến trẻ dễ bị táo bón hơn.
– Thời kỳ đi học: Thời kỳ này trẻ dễ hình thành thói quen nhịn đại tiện do ngại xin phép cô giáo, sợ nhà vệ sinh ở trường bẩn,… Sau vài lần như vậy sẽ làm cho đại tràng dãn to, phân phải tích nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng để gây phản xạ đi ngoài.
Ngoài ra, thời kỳ trẻ tập ngồi bồn cầu cũng không tránh khả năng bị táo bón. Vì nếu chưa sẵn sàng đi đại tiện, trẻ có thể nhịn và gây ra táo bón. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ ngồi trên bồn cầu và có chỗ để chân, đặc biệt khi trẻ sử dụng bồn cầu của người lớn.
2. Dùng thuốc trị táo bón cho trẻ loại nào?
2.1. Thuốc nhuận tràng – Loại thuốc trị táo bón cho trẻ phổ biến
Thuốc nhuận tràng là thuốc giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn, giảm cảm giác sợ đi cầu, giảm sự khó khăn trong quá trình đi vệ sinh. Thuốc gồm 2 dạng:
– Bơm trực tràng/hậu môn (Thuốc thụt).
– Đường uống (dạng bột pha nước, viên nén).
Bên cạnh thay đổi chế độ ăn và thói quen đi vệ sinh thì cha mẹ có thể dùng loại thuốc trị táo bón cho trẻ này để cải thiện triệu chứng. Hiện nay, có 5 thuốc nhuận tràng được điều chế cho trẻ:
– Thuốc làm mềm phân.
– Thuốc nhuận tràng kích thích.
– Thuốc nhuận tràng thẩm thấu.
– Thuốc nhuận tràng tạo khối.
– Thuốc nhuận tràng bôi trơn.
2.2. Lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ
Mỗi loại thuốc nhuận tràng có thành phần hoạt chất khác nhau và được bào chế ở dạng khác nhau. Do đó, cách sử dụng từng loại thuốc sẽ không giống nhau. Tuy nhiên vẫn có một vài lưu ý chung khi cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng:
– Căn cứ vào nguyên nhân và độ tuổi của trẻ để chọn loại thuốc nhuận tràng phù hợp. Không tự ý chọn và dùng thuốc bừa. Tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng phù hợp cho trẻ.
– Không nên sử dụng dạng bơm trực tràng/hậu môn thường xuyên ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Vì có thể gây kích ứng niêm mạc trực tràng và kích ứng hậu môn, đồng thời hạn chế khả năng dung nạp thuốc.
– Trẻ bị táo bón nặng mới nên sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích. Tuy nhiên cần để ý đến khoảng thời gian sử dụng thuốc, tránh sử dụng lâu dài vì có thể gây mất nước, mất cân bằng chất lỏng và điện giải, chuột rút,… ở trẻ.
– Tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng dùng thuốc. Không tự ý tăng hay giảm liều trong quá trình dùng thuốc
– Không dùng nhiều hơn một loại thuốc nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
– Không dừng thuốc đột ngột mà cần giảm liều lượng dần dần theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Các cách cải thiện chứng táo bón không dùng thuốc
Ngoài việc sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ, cha mẹ cũng cần chú ý và áp dụng một số các phương pháp sau để cải thiện tình trạng:
– Tăng cường trái cây, rau xanh, ngũ cốc và các thức ăn có nhiều chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Không nên cho trẻ ăn sữa chua, phô mai, kem,…
– Hướng dẫn, dặn dò trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Có thể chia thành nhiều lần uống nước trong ngày thay vì uống 1 lần với một lượng lớn.
– Thi thoảng bổ sung nước ép trái cây cho trẻ để hỗ trợ đường tiêu hóa.
– Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh, tập thói quen đi vệ sinh sau bữa ăn 5-10 phút. Khuyến khích trẻ ngồi trên bồn cầu trong thời gian ngắn, tránh để trẻ ngồi lâu hoặc để trẻ vừa đi vệ sinh vừa nghịch điện thoại/đọc sách,… Khen ngợi và thưởng cho trẻ kể cả khi trẻ chưa đi tiêu.
Có thể thấy, táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa thường thấy ở trẻ em. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của trẻ không khỏe và cần có sự chăm sóc, cải thiện tình trạng sớm. Để giảm chứng táo bón, một trong các phương pháp được áp dụng chính là dùng thuốc. Thuốc trị táo bón cho trẻ em hiện nay có rất nhiều loại, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp và an toàn. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc cần tuân thủ theo hướng dẫn của đơn thuốc để đạt hiệu quả nhất.