Khám sức khỏe định kỳ là một hoạt động được nhiều chuyên gia y tế khuyến khích, nhưng bạn đã biết khám sức khỏe định kỳ nên khám những gì hay chưa? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây, khám phá ngay thôi!
Menu xem nhanh:
1. Đối tượng nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ
Việc khám sức khỏe định kỳ được khuyến khích ở mọi độ tuổi. Bởi mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta đều sẽ đối mặt với những nguy cơ bệnh lý riêng. Việc khám định kỳ sẽ giúp bạn đánh giá được tình trạng sức khỏe, sàng lọc các nguy cơ mắc bệnh. Từ đó, bạn có thể điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh hoặc điều chỉnh chế độ sinh hoạt để cải thiện sức khỏe.
Tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nhiều người cho rằng việc khám định kỳ là không cần thiết, vì cơ thể họ hoàn toàn không có dấu hiệu bất thường nào. Nhưng trên thực tế, những bệnh lý nguy hiểm thường không có biểu hiện khi ở giai đoạn đầu. Lấy ví dụ với bệnh ung thư phổi, người bệnh thậm chí không bị ốm sốt trong vòng 5 năm trước khi phát hiện ung thư.
Như vậy, việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ có vai trò dự phòng các bệnh lý nguy hiểm một cách hiệu quả với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, một số đối tượng có những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh sẽ cần phải quan tâm và thực hiện khám sức khỏe đều đặn hơn. Các đối tượng nên chú trọng thực hiện khám sức khỏe định kỳ bao gồm:
– Người trên 45 tuổi.
– Người có gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý di truyền: ung thư, bệnh tan máu, bệnh tim, đại tràng…
– Người có lối sống không khoa học: ít vận động, thừa cân, ăn nhiều đồ chiên rán…
– Người có tiền sử bệnh, đã điều trị và cần theo dõi tình trạng sức khỏe.
2. Khi đi khám sức khỏe nên khám những gì?
Dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý với bạn đọc những danh mục khám chuyên sâu để đảm bảo sức khỏe theo từng độ tuổi.
2.1. Trẻ em khám sức khỏe định kỳ nên khám những gì?
Trẻ em từ lúc sơ sinh tới khi là thiếu niên có những đặc điểm cần chú ý như khả năng phát triển thể chất, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, tâm lý có nhiều bất ổn. Do đó, các danh mục khám sức khỏe cho trẻ cũng nên tập trung giải quyết những vấn đề này. Cụ thể khi đưa trẻ đi khám định kỳ, ba mẹ nên ưu tiên lựa chọn những danh mục sau:
– Khám dinh dưỡng: Thông qua các chỉ số như cân nặng chiều cao kết hợp với việc so sánh bảng thống kê chỉ số phát triển theo độ tuổi, bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ phát triển thể chất của trẻ. Từ đó, chúng ta sẽ có thể phát hiện được tình trạng thừa – thiếu dinh dưỡng, kiểm tra giai đoạn dậy thì sớm, giai đoạn tiền dậy thì…
– Khám răng hàm mặt: Trong quá trình phát triển, bé sẽ trải qua giai đoạn thay răng nên việc khám răng hàm mặt cần được chú trọng. Điều này không chỉ giúp bé có được một hàm răng đều đẹp về thẩm mỹ mà còn hạn chế các bệnh lý nha chu.
– Khám mắt: Ngày nay, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ sớm. Vì thế, xu hướng trẻ mắc bệnh khúc xạ ngày càng tăng. Do đó, khám mắt là một danh mục khám rất thiết thực với em bé của bạn.
2.2. Tư vấn khám sức khỏe định kỳ cho người trưởng thành
Ở giai đoạn này, cơ thể chúng ta đã có đạt tới sự phát triển toàn diện. Nếu bạn chú ý duy trì một chế độ sinh hoạt khoa học thì ở nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe khá thấp. Tuy vậy, giai đoạn này chúng ta cũng cần có những vấn đề sức khỏe cần được lưu tâm. Dưới đây là một số danh mục bạn nên cân nhắc khi khám sức khỏe định kỳ:
– Khám sức khỏe sinh sản: Đây hình thức sàng lọc rất quan trọng, giúp nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc gia đình. Khám sức khỏe sinh sản bảo gồm nhiều xét nghiệm test các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dự phòng nguy cơ di truyền các bệnh lý cho thế hệ sau, khám kiểm tra cơ quan sinh dục, tư vấn đời sống sinh hoạt tình dục lành mạnh…
– Tầm soát ung thư: Với nhịp sống bận rộn và áp lực nhưng hiện nay, ung thư đang có xu hướng trẻ hóa và đó chính là lý do ngay từ độ tuổi 20 trở đi bạn nên cân nhắc khám tầm soát ung thư.
– Kiểm tra đánh giá 1 số bệnh lý thường gặp như mỡ máu, viêm gan B, viêm gan C…
2.3. Người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ nên khám những gì?
Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nên việc thực hiện sàng lọc sức khỏe định kỳ là việc tối cần thiết. Từ độ tuổi 45 trở lên, cơ thể con người sẽ đối diện với nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau. Tương ứng với những nguy cơ này, người cao tuổi nên khám định kỳ với những danh mục như sau:
– Tầm soát ung thư: Nguy cơ mắc ung thư ở người lớn tuổi là cao nhất trong các độ tuổi. Việc sàng lọc ung thư kịp thời sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
– Đo mật độ xương: Nguy cơ loãng xương xuất hiện với cả nam và nữ giới. Trong đó, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn. Việc khám và đo mật độ xương sẽ giúp chúng ta phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
– Khám tim mạch: Cùng với quá trình lão hóa, người cao tuổi sẽ phải đối mặt với chứng xơ cứng mạch máu. Điều này kéo theo nhiều hệ quả như: bệnh cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Do đó, người cao tuổi phải kiểm tra và theo dõi sức khỏe tim mạch thường xuyên.
Hiện nay, rất nhiều người vẫn còn phân vân về vai trò thật sự của việc khám định kỳ với sức khỏe con người. Hy vọng qua bài viết này bạn đã có thể hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động khám sức khỏe và có thể lựa chọn những những danh mục khám phù hợp, tối ưu nhất cho bản thân.