Đẻ mổ có bị sót rau không là vấn đề được rất nhiều mẹ quan tâm. Vậy hiện tượng này có nguyên nhân từ đâu, có ảnh hưởng như nào tới sức khỏe sản phụ, cách phòng tránh và điều trị ra sao, hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về hiện tượng sót rau sau sinh
1.1. Hiện tượng sót rau sau sinh là gì?
Trong quá trình mẹ mang bầu, bé và mẹ có sự kết nối với nhau qua nhau (rau) thai. Nói đúng hơn, bé sẽ nhận được oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết từ mẹ thông qua nhau thai. Do đó, nhau thai là một bộ phận có chức năng vô cùng quan trọng. Nhau thai bám chắc vào thành tử cung của mẹ, giúp mẹ và bé liên kết với nhau. Ngoài ra, nhau thai còn có tác dụng giúp mẹ bảo vệ em bé khỏi các hiện tượng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Em bé sẽ có không gian để phát triển an toàn trong môi trường bụng mẹ.
Sổ nhau là hiện tượng mà sau khi mẹ kết thúc quá trình sinh em bé, lúc này tử cung của mẹ có sự co bóp mãnh liệt để tống đẩy hết nhau thai còn sót lại ra ngoài. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quá trình này không tống đẩy hết toàn bộ nhau mà vẫn còn sót lại một chút bánh nhau trong tử cung. Đây được gọi là tình trạng sót nhau (sót rau) sau sinh.
1.2. Đẻ mổ có bị sót rau không?
Trên thực tế thì hiện tượng sót nhau sau sinh có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ nào, bao gồm cả sinh thường lẫn sinh mổ. Do đó, việc cần làm là phải theo dõi sức khỏe của sản phụ sau sinh, nếu có bất cứ dấu hiệu khác thường nào thì cần đi thăm khám, kiểm tra để bác sĩ có thể biết được liệu mẹ có thực sự bị sót rau hay không.
1.3. Một số nguyên nhân chính sau đây dẫn tới hiện tượng này
– Nhau thai chưa thoát ra được hết: Trong quá trình sổ thai sau sinh, các bánh nhau không được tống đẩy hết ra bên ngoài, hoặc nhau thai lúc này vẫn còn bám ở thành tử cung mà chưa bong ra hết. Do đó cho tới lúc cổ tử cung đóng kín, nhau thai vẫn ở bên trong, gây nên tình trạng sót nhau. Nếu không được phát hiện và xử lý nhanh chóng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ.
– Hiện tượng đờ tử cung ở sản phụ: Hiện tượng này xảy ra do tử cung lúc này co bóp với một lực khá nhẹ, lực này không đủ mạnh hoặc liên tục để có thể tống đẩy hết nhau thai ra bên ngoài. Trường hợp này xảy ra ở khá nhiều phụ nữ sau sinh.
– Mẹ bị hiện tượng rau tiền đạo: Rau tiền đạo ở mẹ bầu là tình trạng nhau thai bám ở phần bên dưới hoặc ở khu vực cổ tử cung thay vì việc bám ở phần đáy tử cung. Rau tiền đạo gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ và hạ sinh em bé. Tình trạng này cũng gây cản trở đến quá trình sổ thai, tống đẩy nhau thai ra ngoài, khiến các bánh nhau còn sót lại sau sinh.
– Mẹ bị hiện tượng rau cài răng lược: Rau cài răng lược cũng là 1 trong những biến chứng sản khoa mà nhiều mẹ gặp phải. Một phần hoặc tất cả bánh nhau gây xâm lấn ở thành tử cung của mẹ và không tách khỏi thành tử cung. Trong quá trình sổ thai, bánh nhau này vẫn kiên trì bám ở tử cung mà không bong hoàn toàn. Từ đó dẫn tới tình trạng mẹ bị sót nhau thai.
Một số nguyên nhân khác dẫn đến việc mẹ bị sót nhau như:
– Bác sĩ không biết mẹ vẫn còn sót nhau trong bụng
– Mẹ có tiền sử nạo phá, hút thai, làm tử cung bị viêm nhiễm và bánh nhau bám chắc vào khu vực này
– Nhau thai bám vào vết sẹo của lần mổ trước đó, gây khó bong tróc
– Quá trình sinh nở kéo dài quá lâu cũng có khả năng dẫn tới bị sót nhau
2. Sót nhau sau sinh có biểu hiện như thế nào?
Sót nhau sau sinh là hiện tượng hay gặp ở sản phụ, do đó rất dễ bị nhầm lẫn với các hiện tượng khác. Do vậy, chúng ta cần lưu ý tới 1 số biểu hiện như sau để có thể kịp thời đi thăm khám bác sĩ sản khoa:
– Sản phụ có hiện tượng ra máu bất thường: có màu đen, hôi khó chịu, có hiện tượng xuất hiện nhiều cục máu đông. Chị em cần lưu ý phân biệt với sản dịch sau sinh.
– Sản phụ có thể bị sốt, ra máu đi kèm với sốt
– Vùng bụng dưới có hiện tượng đau âm ỉ, kéo dài nhiều ngày
– Phần tử cung của mẹ co hồi chậm
– Mẹ có thể bị mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, thậm chí ngất xỉu
3. Hiện tượng sót nhau sau sinh có thể được phát hiện qua siêu âm hay không?
Nếu có hiện tượng của việc bị sót nhau sau sinh, phụ nữ cần phải đi thăm khám bác sĩ sản khoa để được siêu âm kết hợp với thăm khám lâm sàng. Từ đó mới có thể chẩn đoán được có phải mẹ bị sót nhau hay không. Nếu chủ quan để lâu mà không đi thăm khám bác sĩ, sót nhau có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sau sinh của mẹ.
4. Những việc cần làm khi bị sót nhau sau sinh
Khi bị sót nhau sau sinh, mẹ cần đi tới bệnh viện để thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Trong các trường hợp này, thông thường bác sĩ sẽ cho sản phụ điều trị bằng cách sử dụng thuốc theo đơn. Tuy nhiên nếu tình trạng của bệnh cần thiết thì bác sĩ sẽ có thể phải tiến hành nạo hút các nhau thai còn sót lại để xử lý triệt để tình trạng này. Sản phụ cũng cần theo dõi sát sao trong thời gian xử lý bệnh.
Ngoài ra, khi bị sót nhau sau sinh, mẹ cần phải chú ý vệ sinh sạch sẽ khu vực vùng kín để tránh xảy ra hiện tượng nhiễm trùng hoặc hậu sản. Mẹ cũng nên chú ý uống nhiều nước để quá trình đào thải của cơ thể diễn ra tốt hơn. Bên cạnh đó, sản phụ cần tuyệt đối tuân thủ theo đơn thuốc và chỉ định của bác sĩ đưa ra.
Mẹ cũng có thể ăn thêm canh rau ngót hoặc uống nước rau ngót xay để làm tăng khả năng co bóp, tống đẩy sản dịch ra ngoài tử cung.
Để phòng ngừa khả năng bị sót nhau sau sinh, mẹ cần thường xuyên thăm khám bác sĩ trong thời kỳ mang bầu để tầm soát sớm các bệnh lý sản khoa nếu có.
Trên đây là những thông tin quan trọng mẹ cần biết về hiện tượng sót nhau sau sinh. Nếu mẹ có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhé.