Dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng có thể dễ dàng nhận biết nếu người bệnh chú ý đến các biểu hiện đặc trưng. Nắm rõ triệu chứng để sớm phát hiện bệnh lý sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về bệnh lý
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng lớp cơ niêm mạc dạ dày – tá tràng (phần đầu của ruột non) bị ăn mòn, làm lộ ra các mô bên dưới.
Loét dạ dày tá tràng là một trong những bệnh tiêu hóa phổ biến ở nước ta. Độ tuổi mắc bệnh thường dao động từ 20 – 40 tuổi, song vẫn có trường hợp người bệnh trên 70 tuổi và bệnh nhi dưới 1 tuổi.
Tỷ lệ mắc viêm loét dạ dày tá tràng ở nam nhiều hơn nữ (chiếm khoảng 4/5 tổng số bệnh nhân). Các vết loét ở tá tràng cũng gặp nhiều hơn các vết loét dạ dày (tỷ lệ 3/1 hoặc 4/1).
Theo nghiên cứu, nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng được cho là do nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori). Có khoảng 50-80% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn này. Các nguyên nhân khác được chỉ ra bao gồm: Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm trong thời gian dài; uống rượu bia, hút thuốc lá; căng thẳng thần kinh, thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học…
2. Dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng
Dù là bệnh lý thường gặp, nhưng theo thống kê của Bộ Y Tế, phần lớn những người nhập viện do viêm loét dạ dày ở nước ta đều trong tình trạng nghiêm trọng. Bệnh khi đó đã xuất hiện những biến chứng gây khó khăn trong chữa trị như: hẹp môn vị, xuất huyết, thủng dạ dày – tá tràng, thậm chí ung thư hóa.
Vì vậy để điều trị bệnh kịp thời, bạn cần nắm rõ các triệu chứng của viêm loét dạ dày sớm nhất.
2.1 Đau bụng vùng thượng vị
Đây là một trong những một trong những dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng dễ nhận biết nhất. Tùy vào tình trạng các vết viêm loét, cơn đau có thể xuất hiện âm ỉ, đau tức bụng trên hoặc đau quặn từng cơn. Người bệnh có thể cảm thấy đau tăng khi đói hoặc sau ăn 2 tiếng. Có thể đau lúc về đêm, đau lan ra sau lưng, khiến giấc ngủ gián đoạn.
2.2 Buồn nôn và nôn ra máu là dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng điển hình
Quá trình tiêu hóa thức ăn của người bệnh thường xuyên xảy ra tình trạng ứ đọng, thậm chí tắc nghẽn. Lúc này, cơ vòng thực quản giãn nở, đẩy một phần thức ăn chưa thể tiêu hóa trào ngược lên thực quản gây buồn nôn. Điều này cho thấy chức năng co bóp và chuyển hóa thức ăn đã bị suy yếu.
Sau nôn, bệnh nhân thường thấy đắng miệng do dịch axit dạ dày trào ngược và dịch mật. Tình trạng này nếu tiếp diễn trong thời gian dài sẽ dẫn đến viêm loét thực quản.
Trong một số trường hợp, dịch nôn của người bệnh có dính máu. Dấu hiệu này thường do các vết loét đã ăn mòn sâu và phá vỡ niêm mạc. Nếu gặp hiện tượng này, tình trạng bệnh có thể đang ở mức nghiêm trọng.
2.3 Rối loạn tiêu hóa
Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là người bệnh bị tiêu chảy hoặc táo bón. Do quá trình tiêu hóa không ổn định, người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường bị sút cân. Hoặc cũng có thể tăng cân nhanh do khi đau bụng vì đói, bệnh nhân có xu hướng ăn nhiều hơn.
2.4 Ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị
Thức ăn không được tiêu hóa bị lên men, gây đầy hơi, chướng bụng. Thay vì được bài tiết khỏi cơ thể theo đường hậu môn thì khí bị tích lại trong dạ dày. Do áp lực từ cơ bụng, hơi được đẩy lên ống thực quản. Bên cạnh ợ hơi thì dịch axit tiết nhiều sẽ gây ra ợ chua.
2.5 Xuất hiện khối u dạ dày là dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng có tính chất nghiêm trọng
Dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng này thường chỉ có thể nhận biết khi bệnh đã nghiêm trọng. Người bệnh có thể cảm nhận bằng cách dùng ngón tay sờ lên bụng để kiểm tra. Khi chạm đến khối u bạn sẽ có cảm giác căng cứng do bề mặt khối u không trơn nhẵn. Ấn vào có thể cảm thấy đau.
Khối u khiến bụng trở nên to bất thường. Khi phát hiện ra dấu hiệu này, người bệnh cần ngay lập tức đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị vì đây có thể là giai đoạn bệnh chuyến sang ung thư dạ dày.
2.6 Người bệnh chán ăn, giảm cân đột ngột
Đa số các bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày đều ít nhiều trải qua cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng. Tất cả các triệu chứng như đau bụng, ợ hơi, ợ chua hay buồn nôn đều có thể là yếu tố dẫn đến tình trạng chán ăn. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đắng miệng, mất vị giác.
Mặt khác, nếu bạn không ăn kiêng mà cân nặng bỗng giảm đột ngột thì có thể bạn đang gặp vấn đề về viêm loét dạ dày. Dạ dày tá tràng bị viêm loét khiến các hoạt động trở nên đình trệ. Chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể cũng vì thế mà hấp thu kém hơn. Về lâu dài, cơ thể bị thiếu hụt dưỡng khiến người bệnh sút cân, suy nhược cơ thể.
Khi có nghi ngờ bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, điều trị.
3. Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng như thế nào?
Sớm nhận biết được các dấu hiệu bệnh sẽ giúp cho việc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng dễ dàng có được kết quả khả quan. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không được tự chữa trị theo bất kỳ phương pháp nào nếu chưa được chỉ định, hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng dựa trên nguyên tắc kết hợp giữa việc điều trị bằng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt.
3.1 Sử dụng thuốc để điều trị loét dạ dày tá tràng
Các thuốc có thể được chỉ định dùng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm:
– Thuốc kháng axit: các loại thuốc thuộc nhóm này có tác dụng trung hòa axit trong dịch vị dạ dày, giảm các triệu chứng bệnh và làm lành vết loét trong đường tiêu hóa.
– Thuốc kháng thụ thể H2: làm giảm tiết axit dịch vị, giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nóng rát, khó tiêu, ợ chua) do thừa dịch vị axit.
– Thuốc ức chế bơm Proton: loại thuốc có tác dụng ức chế axit mạnh nhất, giúp giảm nồng độ axit dạ dày.
– Thuốc tăng cường bảo vệ niêm mạc: Có tác dụng giảm bài tiết dịch vị, tăng bài tiết chất nhầy và thúc đẩy máu tới niêm mạc dạ dày.
3.2 Xây dựng lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh
Người bệnh cần lưu ý một số thói quen dưới đây:
– Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức uống có gas, cafe, đồ uống có nhiều axit…
– Bỏ hẳn hoặc chế tối đa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,.. Điều này không chỉ giúp cải thiện bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mà còn tránh các nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
– Không bỏ bữa, không ăn quá nhanh hay quá no
– Không nên nằm hay vận động quá mạnh sau khi ăn
– Thường xuyên tập thể dục, đặc biệt là các bài tập hít thở giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, khiến cơ thể khỏe mạnh, săn chắc.
Tóm lại, nằm lòng các dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng sẽ giúp người bệnh chủ động trong việc thăm khám, điều trị để tránh những biến chứng xấu của bệnh. Ngay khi nghi ngờ các dấu hiệu bệnh, bệnh nhân hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.