Hội chứng Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng sa sút trí tuệ, giảm khả năng tư duy. Bệnh chưa có phương pháp điều trị triệt để, song nếu phát hiện sớm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu hội chứng Alzheimer là gì?
Hội chứng Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh thường gây ra tình trạng sa sút trí tuệ, mất chức năng nhận thức. Khi bệnh mới chớm, triệu chứng phổ biến là khó ghi nhớ các sự kiện gần đây. Theo thời gian bệnh chuyển nặng, các triệu chứng sẽ là mất khả năng ngôn ngữ, mất phương hướng, thay đổi tâm trạng, … Dần dần các chức năng của cơ thể mất đi và dẫn đến tử vong.
Nhiều người thường cho rằng bệnh Alzheimer với hiện tượng suy giảm trí nhớ thông thường. Sự nhầm lẫn này vô cùng tai hại vì sẽ chậm trễ điều trị, đẩy nhanh diễn tiến của bệnh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
2. Lưu ý các triệu chứng thường gặp của bệnh Alzheimer
Triệu chứng của bệnh nhân Alzheimer khác nhau, chúng phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng và tác động của các căn bệnh khác. Một số triệu chứng điển hình cảnh báo bệnh là:
2.1. Sa sút trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức
Khi về già, khả năng ghi nhớ và nhận thức của con người thường kém đi. Lúc này cơ thể không thể nhớ nhanh, chính xác cũng như không thể phản ứng linh hoạt với tất cả tình huống. Đây được xem là sự tự nhiên của con người, là ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, nếu là sa sút trí nhớ do lão hóa thông thường, họ vẫn có thể tiếp cận những kiến thức mới dù mất nhiều thời gian hơn. Họ luôn có định hướng, suy nghĩ và quyết định độc lập.
Khác với bệnh nhân Alzheimer, họ không thể ghi nhớ những sự kiện, thông tin mới xảy ra gần đây, trí nhớ ngắn hạn bị ảnh hưởng nhiều. Theo thời gian, trí nhớ dài hạn cũng bị ảnh hưởng và mất dần. Khả năng tập trung cũng dần kém đi, khiến việc định hướng thời gian và không gian gặp khó khăn.
Lâu dần, khả năng áp dụng những kinh nghiệm, những điều đã học trong quá khứ với các tình huống mới ở hiện tại không còn. Nghĩa là người bệnh không còn hiểu bối cảnh, đánh giá thông tin và quyết định nên làm gì.
2.2. Khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ, giao tiếp
Người bệnh có thể gặp khó khăn khi theo dõi và tham gia một cuộc trò chuyện. Họ không biết nên nói gì để tiếp nối câu chuyện hoặc lặp lại những điều đã nói.
Khi bệnh chuyển nặng, bệnh nhân sẽ dùng các từ sai ngữ cảnh, sai mục đích. Một số trường hợp bị quên nghĩa của các từ khiến vốn từ bị hạn chế. Từ đó họ tự ti trong giao tiếp và gặp nhiều hạn chế khi trò chuyện.
2.3. Hội chứng Alzheimer gây ra sự thay đổi về hành vi, tâm trạng, tính cách
Nhiều bệnh nhân trải qua sự thay đổi trong hành vi, tâm trạng và tính cách. Họ thường xuyên cảm thấy nghi ngờ, chán nản, lo âu, bế tắc. Họ dễ dàng nổi nóng, cáu gắt ở nhà, ở nơi làm việc hoặc nơi công cộng.
Ngoài ra, một số người cảm thấy mệt mỏi với gia đình, không hào hứng với các sở thích hay hoạt động xã hội trước đó. Cũng có thể vì hay nổi nóng nên bệnh nhân ngại giao tiếp, ít ra ngoài hơn.
Một số người cảm nhận sự thay đổi về khả năng thực hiện kế hoạch hay làm việc với các con số. Những việc tưởng như thân thuộc trước đây giờ không thể thực hiện. Ví dụ như lái xe đến chợ, tính tiền mua thực phẩm, không biết sử dụng đồ trong nhà…
2.4. Nhầm lẫn thời gian, địa điểm là dấu hiệu của hội chứng Alzheimer
Người bệnh Alzheimer có thể quên mất ngày tháng, sự chuyển biến của thời gian. Ví dụ đang ra ngoài nhưng họ không nhớ đây là đâu, đến đây với mục đích gì, đến đây bằng cách nào. Bên cạnh đó người bệnh cũng không thể ghi nhớ và hiểu về sự kiện diễn ra tức thời.
2.5. Đặt đồ vật sai vị trí, không nhớ mình từng làm gì
Bệnh nhân thường đặt đồ vật ở những nơi khác lạ hoặc không nhớ mình để đồ ở đâu. Khi bước sang những giai đoạn gần cuối, dù chỉ vừa cất đặt đồ nhưng ngay sau đó bệnh nhân đã không thể nhớ được vị trí.
3. Cảnh báo các biến chứng nguy hiểm của bệnh Alzheimer
Suy giảm thậm chí mất trí nhớ, ngôn ngữ, giảm khả năng phán đoán và thay đổi nhận thức do hội chứng Alzheimer gây ra có thể gây khó khăn trong việc điều trị các bệnh khác, ví dụ như:
– Không thể diễn đạt đang bị đau ở đâu, đau thế nào.
– Không tuân thủ liệu trình điều trị do một số yếu tố khách quan.
– Không thông báo hoặc mô tả chính xác các triệu chứng đang gặp phải.
Khi bệnh Alzheimer tiến triển sang giai đoạn cuối, những thay đổi của não bắt đầu tác động đến chức năng thể chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Hầu hết bệnh nhân tử vong thường do các bệnh kèm theo như:
– Viêm phổi: đây là tình trạng phổi phù nề, nhiễm trùng do việc hít phải chất nhầy từ dịch dạ dày, thức ăn vào phổi hoặc đường hô hấp.
– Nhiễm trùng: bệnh nhân đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, gây nhiễm trùng đường niệu. Nếu không được điều trị sẽ vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
– Bị ngã, gặp chấn thương: bệnh nhân gặp khó khăn trong việc định hướng nên nguy cơ cao bị ngã khi di chuyển. Trường hợp nặng có thể bị gãy xương, gặp chấn thương vùng đầu, cổ và gây ra nhiều hệ lụy như xuất huyết, tụ máu …
– Suy dinh dưỡng, suy kiệt do chán ăn, không có cảm giác thèm ăn.
– Loét do nằm một chỗ nhiều, co rút gây biến dạng khớp.
4. Khi bị bệnh Alzheimer, người bệnh sống được bao lâu?
Đây là câu hỏi rất phổ biến, tuy nhiên câu trả lời còn tùy thuộc vào tình trạng từng người. Phải dựa vào tình trạng sức khỏe, mức độ, thời gian phát hiện và điều trị cũng như sức đề kháng của mỗi người. Theo một số nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người mắc hội chứng Alzheimer tính từ thời điểm chẩn đoán là khoảng từ 8 đến 10 năm. Tuy nhiên, đây không phải là con số dành cho tất cả bệnh nhân. Cũng có trường hợp tuổi thọ của bệnh nhân dài hơn hoặc ngắn hơn con số trên.
Hội chứng Alzheimer âm thầm tấn công khiến bệnh nhân không thể nhận thức được sự thay đổi trong hành vi, suy nghĩ của mình. Người bệnh tự ti, lo lắng rất nhiều trong lúc bị bệnh vì vậy sự thông cảm, thấu hiểu và chăm sóc của người thân rất quan trọng. Sự quan tâm của những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân có thêm động lực để điều trị.
Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể kéo dài tuổi thọ và hạn chế nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngay khi xuất hiện triệu chứng, cần báo với người thân để đi khám kịp thời.