Gan nhiễm mỡ nhẹ là giai đoạn đầu tiên trong tổng 3 giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu không điều trị tích cực, bệnh nhanh chóng tiến triển sang giai đoạn nặng và gây ra nhiều biến chứng với sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Gan nhiễm mỡ nhẹ là bệnh gì, có triệu chứng như thế nào?
1.1. Tìm hiểu về gan nhiễm mỡ nhẹ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan vượt quá mức cho phép, chiếm hơn 5% tổng trọng lượng lá gan. Dựa vào hàm lượng mỡ có trong gan, bệnh được chia thành 3 loại chính như sau:
– Gan nhiễm mỡ độ 1 hay được hiểu là gan nhiễm mỡ nhẹ: khi đó mỡ chiếm khoảng từ 5% đến 10% khối lượng gan.
– Gan nhiễm mỡ độ 2 – gan nhiễm mỡ trung bình: lúc này mỡ chiếm 10% đến 25% khối lượng gan.
– Gan nhiễm mỡ độ 3: lúc này gan đã nhiễm mỡ nặng, lượng mỡ chiếm từ 30% khối lượng gan trở lên.
Bên cạnh cách phân loại gan nhiễm mỡ thông qua hàm lượng mỡ tích trong gan, bệnh còn được chia dựa trên nguyên nhân. Cụ thể được chia thành 2 loại là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Những người béo phì, ít vận động thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
1.2. Triệu chứng cảnh báo gan nhiễm mỡ nhẹ
Ở giai đoạn đầu tiên, do lượng mỡ tích tụ trong gan còn ít nên chưa ảnh hưởng đến chức năng gan. Do đó mà các triệu chứng không nổi bật và rất khó nhận biết. Thường người bệnh chỉ phát hiện thông qua việc đi khám định kỳ.
Tuy nhiên một số dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị gan nhiễm mỡ độ 1 là:
– Mệt mỏi, chán ăn, thường xuyên uể oải.
– Đau vùng hạ sườn phải.
– Có thể cảm nhận, sờ thấy kích thước gan đang tăng.
Ở một số trường hợp bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng nặng hơn như:
– Sút cân dù vẫn ăn uống bình thường, không kiêng khem
– Vàng da hoặc có thể vàng mắt
– Chán ăn, ăn không ngon miệng, không thèm ăn
– Bụng to bất thường
2. Nguyên nhân và phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ độ 1
2.1. Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ giai đoạn 1
Gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu tiên do nhiều nguyên nhân xảy ra, có thể do lối sống cũng như thói quen sinh hoạt hay chế độ ăn uống. Các nguyên nhân phổ biến của gan nhiễm mỡ nói chung là:
– Chế độ dinh dưỡng không khoa học, không đủ chất, quá nhiều chất béo và dầu mỡ.
– Thói quen sinh hoạt ít vận động, phân chia thời gian làm việc – nghỉ ngơi thiếu hợp lý, thường xuyên thức khuya.
– Sử dụng chất kích thích, uống nhiều rượu bia, nước ngọt…
– Gặp các vấn đề về cân nặng như thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
– Do virus viêm gan.
– Biến chứng của các bệnh khác như rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường…
– Yếu tố di truyền hoặc nguyên nhân do rối loạn nội tiết.
2.2. Các phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ
Ở giai đoạn đầu tiên này, bệnh không gây ra các triệu chứng lâm sàng rõ rệt nên thường không được để ý hoặc bỏ qua. Việc bỏ qua các dấu hiệu ban đầu này khiến bệnh nhanh chuyển sang độ 2, độ 3 và phát triển theo chiều hướng xấu như xơ gan, ung thư gan hay thậm chí tử vong. Do đó, người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe và có phương pháp điều trị ngay từ sớm.
– Hạn chế tuyệt đối rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
Rượu bia, thuốc lá, chất kích thích là yếu tố tăng lượng mỡ tích tụ trong gan và hạn chế tổng hợp chất lipoprotein để di chuyển mỡ ra khỏi gan. Cả 2 yếu tố này cộng hưởng lại sẽ làm tăng nguy cơ gan bị nhiễm mỡ và khiến chức năng gan suy giảm. Do đó hạn chế bia rượu, đồ uống chứa cồn và thuốc lá là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị bệnh.
– Xây dựng lối sống khoa học, sinh hoạt giờ giấc hợp lý
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 1 nên tăng cường tập thể dục, vận động để đốt cháy và tiêu hao năng lượng dư thừa. Việc tập luyện cũng cải thiện được tâm trạng, giảm căng thẳng và có năng lượng tốt hơn.
Tập luyện đều đặn cũng giúp kiểm soát lượng mỡ dư thừa trong cơ thể và ổn định chứng rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Khi tổng lượng mỡ cơ thể giảm thì tỉ lệ chất béo trong gan cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, cần cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi phù hợp. Nên đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc để gan có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc.
– Thực hiện chế độ ăn riêng biệt cho người bị gan nhiễm mỡ
Khi gan nhiễm mỡ mới chớm, việc thay đổi thực đơn ăn uống được xem là cách điều trị dễ thực hiện và hiệu quả.
Nên hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ nhất là mỡ động vật, nội tạng động vật. Khi cơ thể hấp thụ mỡ động vật sẽ chuyển sang gan để chuyển hóa và bài tiết ra ngoài. Nếu sử dụng với lượng quá nhiều sẽ tăng áp lực cho gan, khiến cơ quan này không thể đào thải hết lượng mỡ dư thừa và tích tụ trong gan từ đó gây bệnh. Nếu không cải thiện chế độ ăn uống, mỡ tích tụ càng nhiều khiến bệnh gan càng nặng. Bệnh nhân nên thay bằng các loại dầu thực vật để chế biến trong bữa ăn hàng ngày.
Hạn chế ăn các loại thịt đỏ vì thịt đỏ chứa nhiều đạm, khi ăn nhiều sẽ tăng gánh nặng cho gan và ảnh hưởng đến khả năng đào thải mỡ ra khỏi gan. Nên thay thế bằng các loại thịt trắng như thịt gà, thịt vịt hoặc sử dụng đạm thực vật.
Ăn nhiều rau củ quả tươi, nấm vì chứa nhiều lượng vitamin và dưỡng chất thiết yếu giúp làm chậm quá trình oxy hóa và tăng quá trình chuyển hóa mỡ ở gan.
Tránh ăn các loại thực phẩm giàu cholesterol có trong lòng đỏ trứng, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, phô mai … Nếu ăn quá thường xuyên, chúng sẽ khiến lượng mỡ tích trong gan tăng nhanh.
– Thăm khám sức khỏe gan đều đặn
Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh lý về gan trong đó có gan nhiễm mỡ. Chuyên gia gan mật khuyến cáo nên đi khám gan định kỳ 6 tháng 1 lần để bảo vệ sức khỏe lá gan hiệu quả.
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 1 nên đi khám đúng lịch để ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển nặng và phòng ngừa biến chứng nguy hại. Bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp và kê đơn thuốc nếu cần.
Gan nhiễm mỡ nhẹ không phải là bệnh nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe và không đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơ là và không điều trị đúng phác đồ. Bệnh nhân nên tuân thủ các nguyên tắc trên để hồi phục tích cực.