Bên cạnh run tay chân thì người bệnh parkinson còn gặp các triệu chứng về vận động và ngoài vận động. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin để hiểu hơn về căn bệnh này như: nguyên nhân, dấu hiệu bệnh parkinson qua từng giai đoạn và cách điều trị căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh parkinson và nỗi ám ảnh của người già
Hình ảnh người lớn tuổi nhớ nhớ, quên quên (alzheimer) hay tay chân run rẩy, rung lắc liên tục (parkinson) là hình ảnh không hiếm gặp, gây “ám ảnh” với nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Parkinson hay còn được gọi là “run vô căn”. Đây là một loại bệnh lý thoái hóa thần kinh, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng tiến triển ngày một nặng dần, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là bệnh có tỷ lệ cao thứ hai chỉ sau bệnh Alzheimer và thường “tấn công” người cao tuổi, độ tuổi từ 60 tuổi trở lên.
Chỉ có khoảng 1/10 (10%) số bệnh nhân khởi phát bệnh trước 40-50 tuổi và rất hiếm khi có người bệnh khởi phát trước 30 tuổi.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh parkinson. Tại Việt Nam, có khoảng 85.000 người mắc bệnh này.
Bệnh sẽ tiến triển không ngừng nếu như người bệnh không được chẩn đoán và sử dụng thuốc. Nhưng nếu được chẩn đoán sớm và dùng thuốc, người bệnh vẫn có thể duy trì được cuộc sống và công việc trong rất nhiều năm.
2. Nguyên nhân gây bệnh parkinson còn “bỏ ngỏ”
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân chính xác gây bệnh parkinson là gì.
Chỉ biết rằng, bệnh parkinson gây ra do thiếu hụt Dopamin ở trong não – đây là chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác ở trong não, giúp não bộ chỉ huy và kiểm soát các cử động của bắp thịt ở chân, tay và mặt. Khi thiếu hụt Dopamin, não không chỉ huy và kiểm soát sự vận động của cơ bắp được, gây ra các triệu chứng parkinson.
Nhưng lý do nào khiến Dopamin bị thiếu hụt thì hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra. Một số giả thuyết cho rằng các yếu tố như: thoái hóa do tuổi tác, di truyền, các yếu tố môi trường, virus,… có thể là tác nhân tác động gây thiếu hụt Dopamine, nhưng vẫn chưa được khẳng định.
3. Dấu hiệu bệnh parkinson theo từng giai đoạn
Bệnh parkinson gây các triệu chứng về vận động và ngoài vận động. Với triệu chứng đặc trưng nhất là run, cứng đờ, cử động chậm chạp, rối loạn thăng bằng. Các triệu chứng này tiến triển nặng hơn ở giai đoạn sau và có thể đi kèm thêm một số triệu chứng khác ngoài vận động.
Các triệu chứng cụ thể theo từng giai đoạn của bệnh như sau:
3.1 Giai đoạn 1: dấu hiệu bệnh parkinson chỉ biểu hiện ở một bên cơ thể
Đây là giai đoạn sớm nhất khi mà các triệu chứng về vận động bắt đầu xuất hiện nhưng khá nhẹ, thậm chí một số người còn không phát hiện ra như: run, lắc tay chân, tư thế yếu, giảm biểu cảm trên mặt (mặt bị đơ nhẹ).
3.2 Giai đoạn 2: các triệu chứng parkinson thể hiện ở cả hai bên
Ở giai đoạn này người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đi lại và duy trì trạng thái cân bằng khi đứng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này đa số người bệnh vẫn có cuộc sống như bình thường, các dấu hiệu của bệnh ít ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Vì vậy, nhiều người chủ quan bỏ qua không điều trị khiến bệnh tiến triển nặng hơn, sang giai đoạn tiếp theo.
3.3 Giai đoạn 3: dấu hiệu bệnh parkinson biểu hiện rõ ràng hơn
Ở giai đoạn này, người bệnh gặp khó khăn rõ ràng trong việc đứng, đi lại và hoạt động thể chất như dễ bị té ngã hơn, các hoạt động thể chất hàng ngày khó khăn hơn. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, người bệnh vẫn có thể tự lập và ít phải nhờ đến sự hỗ trợ từ người khác.
3.4 Giai đoạn 4: triệu chứng trầm trọng hơn, cần sự trợ giúp của người khác
Đây được gọi là giai đoạn tiến triển của bệnh parkinson. Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu cảm thấy vận động cứng, chậm vận động, đa số phải nhờ đến sự giúp đỡ của người chăm sóc hoặc người thân kể cả khi phải thực hiện những công việc hết sức bình thường.
3.5 Giai đoạn 5: đông cứng dáng đi, liệt
Đây là giai đoạn cuối khi các triệu chứng bệnh parkinson trở nên nặng nề nhất. Người bệnh gần như không thể tự mình thực hiện được bất kỳ hoạt động nào, nếu như không có sự giúp đỡ của người khác.
Biểu hiện đông cứng dáng đi ở bệnh nhân parkinson giai đoạn muộn được thể hiện đó người bệnh muốn đi nhưng bàn chân họ như dính vào sàn nhà, không thể nhấc lên được. Thời gian đông cứng dáng đi có thể kéo dài vài giây, nhưng cũng có thể kéo dài hơn 30 giây hoặc thậm chí vài phút. Tình trạng này làm tăng nguy cơ té ngã, giảm triệu chứng vận động và gây tàn phế.
Ngoài đông cứng dáng đi, thì các biến chứng nghiêm trọng của bệnh parkinson giai đoạn muộn mà người bệnh dễ phải đối mặt đó là sa sút trí tuệ, rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng, té ngã, viêm phổi, hóc nghẹn,… khiến người bệnh phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường, không tự chủ được.
4. Cách điều trị bệnh parkinson
Hiện nay điều trị parkinson chủ yếu là điều trị nội khoa, việc điều trị nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Thường thì ở giai đoạn 2, khi mà các triệu chứng parkinson thể hiện ở cả hai bên, thì các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh đã bắt đầu cân nhắc việc cho người bệnh sử dụng thuốc.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng của bệnh parkinson, bởi hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn, mà chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh và làm chậm quá trình tiến triển bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần kết hợp tập luyện để phục hồi chức năng.
Khi mà việc sử dụng thuốc kết hợp với tập luyện không cải thiện, các bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu. Nhưng điều trị nội khoa để bảo tồn vẫn được ưu tiên.
Nếu có biểu hiện của bệnh parkinson, bạn nên đưa người bệnh đến chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám. Việc thăm khám với bác sĩ đúng chuyên môn và có phương án điều trị sớm, hiệu quả sẽ giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm bớt gánh nặng cho gia đình bệnh nhân.