Đau dây thần kinh tọa là tình trạng ngày càng phổ biến, gây ra những cơn đau ở lưng, hông, mông, chân… Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lao động, làm việc, di chuyển của người bệnh. Cùng tìm hiểu về tình trạng đau nhức dây thần kinh này để nhận diện và điều trị sớm.
Menu xem nhanh:
1. Đau dây thần kinh tọa là gì?
1.1 Dây thần kinh tọa có đặc điểm gì?
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất và dày nhất trong cơ thể, được tạo thành từ 5 rễ thần kinh, bao gồm: 2 rễ từ vùng lưng dưới và 3 rễ từ phần cuối cùng của cột sống.
Các rễ thần kinh này kết hợp với nhau tạo thành dây thần kinh hông phải và trái. Ở mỗi bên cơ thể, dây thần kinh tọa sẽ chạy qua hông, mông và sau đó kéo dài xuống chân và kết thúc ngay dưới đầu gối. Sau đó, bó sợi này tiếp tục phân nhánh và chạy xuống chân, đến tận bàn chân, các ngón chân.
1.2 Đau dây thần kinh tọa là tình trạng gì?
Đau dây thần kinh tọa (tên khoa học: Sciatica pain) là thuật ngữ dùng để cơn đau toả ra dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa với các biểu hiện:
– Đau nhói vùng lưng dưới
– Đau xuất hiện ở chân, thường trầm trọng hơn khi ngồi
– Đau phần hông
– Nóng hoặc ngứa ran ở chân
– Yếu, tê bàn chân, dẫn tới khó di chuyển
– Khó đứng dậy do đau 1 hoặc cả 2 chân
Cơn đau do thần kinh tọa thường trở nên tồi tệ hơn khi ngồi, đứng lâu, vặn phần thân trên hoặc ho, hắt hơi đột ngột.
3. Nguyên nhân đau thần kinh tọa
Chứng đau thần kinh tọa có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
3.1 Thoát vị đĩa đệm cột sống
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đau nhức dây thần kinh tọa. Các đốt sống tạo nên cột sống luôn được đệm bởi các đĩa tròn và các mô liên kết. Khi đĩa này bị mòn do thoái hóa theo thời gian hoặc do chấn thương thì nó có thể bị đẩy ra khỏi vòng ngoài của đĩa đệm. Lúc đó, các xương cột sống có thể chèn ép một phần của dây thần kinh, đặc biệt là các rễ, gây ra viêm, đau và thường bị tê ở chân.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mỗi người hầu như đều từng bị trượt đĩa đệm vào một thời điểm nào đó trong đời. Đau thần kinh tọa thường xảy ra khi có thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng (dưới).
3.2 Thoái hóa các đĩa đệm
Đây là tình trạng đĩa đệm giữa các đốt sống trên cột sống bị hao mòn một cách tự nhiên, dần giảm về độ dày, làm hẹp các đường dẫn truyền thần kinh (còn gọi là hẹp ống sống). Điều này thường khiến các rễ thần kinh tọa bị chèn ép và gây đau nhức.
3.3 Trượt đốt sống
Tình trạng đốt sống bị trượt ra khỏi trục, không thẳng hàng với cấu trúc phía trên cũng gây thu hẹp lỗ thông, chèn ép dây thần kinh tọa đi ra từ đây.
3.4 Thoái hóa khớp
Tình trạng sụn khớp bị bào mòn, gai xương hình thành ở các đốt sống có thể gây chèn ép dây thần kinh ở vùng lưng dưới và gây đau.
3.5 Hội chứng cơ hình lê
Cơ hình lê là một loại cơ nhỏ nằm sâu trong mông. Khi cơ này bị căng hoặc co thắt sẽ gây kích thích dây thần kinh hông, gây tình trạng đau thần kinh tọa.
3.6 Hội chứng chùm đuôi ngựa
Chùm đuôi ngựa là thuật ngữ dùng để chỉ bó dây thần kinh ở phần cuối tủy sống. Hội chứng chùm đuôi ngựa hiếm gặp nhưng có thể gây ra những cơn đau lan dần xuống chân, dẫn đến tê xung quanh hậu môn, thậm chí làm mất kiểm soát ruột và bàng quang, vì vậy tương đối nguy hiểm.
4. Các yếu tố thường gặp làm tăng nguy cơ đau thần kinh tọa
4.1 Tuổi tác làm gia tăng nguy cơ đau dây thần kinh tọa
Những thay đổi, đặc biệt là thoái hóa ở cột sống, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm và gai cột sống thường liên quan đến tuổi tác. Các nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết những người đau thần kinh tọa ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi.
4.2 Cân nặng vượt mức
Tình trạng cân nặng vượt mức bình thường có thể làm tăng áp lực lên cột sống. Những người thừa cân béo phì hoặc phụ nữ mang thai là đối tượng có nhiều khả năng bị thoát vị đĩa đệm, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mắc chứng đau thần kinh tọa.
4.3 Bệnh tiểu đường
Ở những người mắc bệnh này, lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh.
4.4 Đặc thù của công việc
Những công việc đòi hỏi phải xoay lưng nhiều, mang vác nặng hoặc lái xe cơ giới trong một thời gian dài, liên tục có thể làm khởi phát hoặc trầm trọng thêm bệnh đau thần kinh tọa. Những người thường xuyên ngồi lâu, lối sống ít vận động cũng có nhiều khả năng mắc bệnh đau thần kinh tọa cao hơn so với những người thường xuyên hoạt động.
5. Biến chứng của bệnh đau thần kinh tọa
Hầu hết người mắc bệnh đau thần kinh toạ có thể phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu không được điều trị dứt điểm thì bệnh có thể gây gây biến chứng và tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Một số biến chứng của đau thần kinh tọa cần được khám và điều trị sớm có thể kể đến là:
– Mất cảm giác ở một phần hay toàn bộ chân
– Yếu cơ chân
– Mất/giảm chức năng ruột hoặc bàng quang
6. Chẩn đoán đau thần kinh tọa
Để chẩn đoán chứng đau thần kinh tọa, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, khai thác triệu chứng, cho bệnh nhân thực hiện một số bài tập kiểm tra như: đi bằng mũi chân và gót chân, nâng cao chân, kéo giãn cơ bắp…
Ngoài ra, một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng cũng có thể được chỉ định gồm:
– Chụp X-quang cột sống: Có khả năng phát hiện tình trạng gãy xương cột sống, gai xương, các vấn đề liên quan đến đĩa đệm, nhiễm trùng, khối u…
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Tái hiện hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm ở lưng. Trong đó, chụp MRI có thể cho thấy các tổn thương dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm, xác định tình trạng viêm khớp.
– Đo điện cơ: Phương pháp giúp kiểm tra tốc độ xung điện di chuyển qua dây thần kinh tọa và phản ứng của cơ bắp.
7. Điều trị đau dây thần kinh tọa
Chứng đau thần kinh tọa thường tự biến mất theo thời gian hoặc chỉ cần tự chăm sóc tại nhà. Khoảng 80 – 90% trường hợp khỏi bệnh mà không cần can thiệp. Khoảng 50% trong số này có thể hồi phục trong vòng 6 tuần. Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa thường được chỉ định gồm:
– Điều trị nội khoa bằng các loại thuốc có kê đơn
– Điều trị bằng các bài tập vật lý trị liệu
– Tiêm cột sống
– Liệu pháp thay thế
– Thực hiện các bài tập hỗ trợ giảm đau
Nếu việc áp dụng các phương pháp này không mang lại hiệu quả, tình trạng bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, các bác sĩ có thể xem xét việc can thiệp phẫu thuật cho người bệnh để kiểm soát tình trạng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm. Người bệnh thăm khám sớm và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để đạt hiệu quả tối ưu.