Trào ngược dạ dày và rối loạn nhịp tim là 2 bệnh lý khác nhau nhưng lại có mối liên hệ, tác động lẫn nhau, gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung. Vậy trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim theo cơ chế nào và cách điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu thông tin về 2 căn bệnh này để hiểu rõ.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về trào ngược dạ dày và rối loạn nhịp tim
Trào ngược dạ dày là một bất thường của hệ tiêu hóa, khi dịch dạ dày (gồm men tiêu hóa, thức ăn, acid HCl, Pepsin,…) tràn ngược lên trên vùng thực quản, họng. Triệu chứng trào ngược gây ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, nóng rát lan theo hướng từ ngực dưới lên đến cổ, đau tức vùng thượng vị, buồn nôn, khó nuốt,… gây cảm giác khó chịu cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trong khi đó rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều so với nhịp tim bình thường (dao động từ 60 – 100 nhịp/phút). Tim đập bất thường có thể cảnh báo nhiều vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, hẹp van tim, suy tim… Tình trạng nhịp tim rối loạn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có các các cơn trào ngược dạ dày thực quản.
2. Trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim theo cơ chế nào?
2.1 Cơ chế chính gây rối loạn nhịp tim ở người bị trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nhiều tác động đến cơ thể. Tình trạng tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tuy không phải là triệu chứng phổ biến ở những người bị trào ngược nhưng cũng có thể xảy ra và khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu.
Cơ chế trào ngược dạ dày gây bất thường về nhịp tim thường thông qua những tác động đến dây thần kinh phế vị – một dây thần kinh thuộc nhóm dây thần kinh giao cảm, có chức năng điều hòa nhịp tim, huyết áp. Dây thần kinh phế vị được phân bổ và đi qua rất nhiều bộ phận khác nhau, trong đó có phần ống tiêu hóa phía trên. Trong cơn trào ngược, dịch axit và enzyme tiêu hóa trong dịch dạ dày bị đẩy ngược lên ống tiêu hóa ở phía trên gây kích thích, tổn thương và làm rối loạn xung động của hệ thống dây thần kinh này. Hệ quả là nhịp tim bị rối loạn, tim đập nhanh, khó thở và hồi hộp do nhu động tiêu hóa cũng bị kích thích.
2.2 Một số yếu tố làm tăng nguy cơ trào ngược và ảnh hưởng đến nhịp tim
Một số nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày và khiến tim đập nhanh có thể kể đến như:
– Sốt cao
– Cường giáp
– Thiếu máu
– Căng thẳng, mệt mỏi quá độ
– Thay đổi về nội tiết tố
– Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
– Tác dụng phụ của các loại thuốc cảm lạnh, thuốc cảm cúm, thuốc ho, thuốc điều trị hen suyễn,…
Một vài nguyên nhân khác gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân bị trào ngược như: hở van tim, huyết áp cao, suy tim, bệnh động mạch vành, mang thai, tiểu đường…
3. Các phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim
Có nhiều biện pháp giúp xác định mức độ và nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp, bao gồm:
– Sử dụng ống nghe nhịp tim: Phương pháp này được dùng khi khám lâm sàng tim mạch. Cụ thể bác sĩ sẽ nghe nhịp tim của bệnh nhân bằng ống nghe để kiểm tra các dấu hiệu bất thường, chẩn đoán ban đầu nguyên nhân gây ra tình trạng tim đập nhanh. Qua ống nghe cũng có thể kiểm tra thêm tuyến giáp của người bệnh. Nếu tuyến giáp sưng thì có nghĩa là bộ phận này đang hoạt động quá mức gây viêm sưng.
– Siêu âm tim: Là phương pháp không xâm lấn, giúp bác sĩ kiểm tra được những bất thường xảy ra ở tim. Kết quả siêu âm tim giúp xác định cấu trúc và chức năng, hoạt động của tim, từ đó góp phần chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
– Điện tâm đồ: Phương pháp thường quy giúp xác định tần số tim đập và xung động điện của tim. Đối với người trưởng thành, nhịp tim trung bình khi nghỉ ngơi dao động trong khoảng từ 60 – 100 nhịp/ phút. Tim đập bất thường là khi nhịp tim nằm ngoài khoảng bình thường này.
– Holter điện tim: Holter điện tim là một thiết bị được gắn trên cơ thể trong vòng 24 – 72 giờ để theo dõi nhịp tim của người bệnh. Nhờ đó giúp chính xác tình trạng rối loạn nhịp tim qua từng ngày.
4. Cách điều trị hiệu quả rối loạn nhịp tim do trào ngược
Khi đã xác định được nguyên nhân gây rối loạn nhịp là do trào ngược dạ dày thì mục đích của việc điều trị chính là kiểm soát tình trạng trào ngược.
Để làm được điều này, bệnh nhân nên chú ý xây dựng một lối sống khoa học, bao gồm:
4.1 Lối sinh hoạt lành mạnh giúp ngăn trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim
– Không hút thuốc lá
– Giữ tinh thần thư giãn, thoải mái, hạn chế căng thẳng
– Ăn đúng giờ, ăn trước giờ đi ngủ ít nhất 3h đồng hồ, tránh ăn tối sau 21h
– Chia nhỏ các bữa ăn, nhai kĩ mỗi khi ăn, không ăn quá no hoặc để bụng quá đói
– Không vận động mạnh sau khi ăn, thay vào đó tập yoga hoặc các bài tập nhẹ nhàng phù hợp
– Không thức quá khuya
– Nằm nghiêng bên trái khi ngủ, tránh ngủ ở tư thế nằm úp
– Uống nhiều nước ấm mỗi ngày
4.2 Xây dựng chế độ ăn uống khoa học – Bí quyết ngăn trào ngược dạ dày gây rối loạn nhịp tim
– Lựa chọn những loại thực phẩm tốt cho dạ dày như: sữa chua, nha đam, mật ong, đu đủ, bột nghệ, thức ăn mềm, đạm dễ tiêu, rau xanh, trái cây tươi… sẽ giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
– Hạn chế sử dụng nhiều và thường xuyên các gia vị, thức ăn gây viêm loét dạ dày như đồ ăn cay nóng, đồ muối chua (dưa, cà, kim chi,…), thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm ngọt nhiều đường, cà chua.
4.3 Điều trị bằng thuốc
Nếu bệnh nhân được kê thuốc điều trị thì cần tuân thủ đơn thuốc để cải thiện tình trạng trào ngược, điều hòa nhịp tim. Nếu người bệnh cảm thấy thuốc không có tác dụng điều chỉnh nhịp tim hoặc gặp các phản ứng phụ khi dùng thuốc thì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được điều chỉnh loại thuốc hoặc liều lượng phù hợp.
Trên đây là những thông tin về tình trạng rối loạn nhịp tim do trào ngược dạ dày, hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về cơ chế tác động cũng như cách chẩn đoán, điều trị khi gặp tình trạng này. Khi thấy tim đập bất thường, hãy thăm khám sớm chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Nếu có thắc mắc về bệnh lý này hay có nhu cầu thăm khám tim mạch, bệnh nhân vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch khám.