Ciprofloxacin là kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon có phổ tác dụng rộng, được sử dụng để điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn quan trọng khác nhau. Thuốc có cơ chế tác dụng đặc biệt, hiệu quả cao nhưng cũng cần được sử dụng thận trọng để tránh tác dụng phụ và kháng thuốc. Hãy cùng TCI tham khảo bài viết dưới đây để hiểu và dùng đúng cách, hiệu quả với kháng sinh này
Menu xem nhanh:
1. Các thông tin chung về Ciprofloxacin
1.1. Ciprofloxacin là gì?
Ciprofloxacin là một kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm fluoroquinolon, có phổ kháng khuẩn rộng, được phát triển bởi công ty dược phẩm Bayer AG. Thuốc được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1981 và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng vào năm 1987. Kể từ đó, ciprofloxacin đã trở thành một trong những kháng sinh được kê đơn phổ biến nhất trên thế giới.
Ciprofloxacin có tác dụng diệt khuẩn mạnh đối với nhiều vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Thuốc được chỉ định điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn khác nhau như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đường hô hấp, da và mô mềm, xương khớp, đường tiêu hóa…
1.2. Cơ chế tác dụng
Ciprofloxacin có cơ chế tác dụng đặc biệt thông qua ức chế hai enzyme quan trọng của vi khuẩn là DNA gyrase và topoisomerase IV. Đây là những enzyme cần thiết cho quá trình sao chép và nhân đôi DNA của vi khuẩn. Khi bị ức chế, vi khuẩn không thể sinh sản và bị tiêu diệt nhanh chóng.
Cơ chế này khác với các nhóm kháng sinh khác nên ciprofloxacin vẫn có tác dụng với cả những vi khuẩn đã kháng lại các kháng sinh thông thường như beta-lactam, aminoglycosid, tetracyclin…
1.3. Phổ tác dụng
Ciprofloxacin có phổ tác dụng rộng trên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh:
– Vi khuẩn Gram âm: Escherichia coli, Salmonella, Shigella, Klebsiella, Enterobacter, Proteus, Pseudomonas aeruginosa, Neisseria gonorrhoeae, Haemophilus influenzae…
– Vi khuẩn Gram dương: Staphylococcus aureus (kể cả chủng sinh penicillinase), Streptococcus…
– Một số loại vi khuẩn khác nữa như Mycoplasma, Chlamydia…
Tuy nhiên, ciprofloxacin ít có tác dụng với các vi khuẩn kỵ khí và Streptococcus pneumoniae.
1.4. Dược động học
Ciprofloxacin được hấp thu nhanh và tốt qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng đường uống đạt 70-80%. Thuốc phân bố rộng khắp các mô trong cơ thể, đặc biệt đạt nồng độ cao trong phổi, gan, thận, xương. Thời gian cần thiết để cơ thể đào thải một nửa lượng thuốc là khoảng 3-5 giờ..
Ciprofloxacin được đào thải chủ yếu qua thận dưới dạng không đổi. Một phần nhỏ được chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa có hoạt tính.
2. Chỉ định và vấn đề sử dụng
2.1. Chỉ định
Nhằm tránh tình trạng kháng kháng sinh, Ciprofloxacin được chỉ định điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra khi các loại kháng sinh thông thường không thể điều trị hiệu quả. Các nhiễm khuẩn được điều trị bởi Ciprofloxacin đa dạng như:
– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở cả thể cấp và mạn tính
– Viêm tuyến tiền liệt
– Nhiễm khuẩn đường mật
– Lậu cấp không biến chứng
– Viêm xương – tủy
– Nhiễm khuẩn da và mô mềm
– Viêm hô hấp
– Các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột như bệnh lỵ trực khuẩn, thương hàn.
– Nhiễm khuẩn nặng liên quan đến tính mạng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim
– Dự phòng Ngăn ngừa nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch yếu
Ciprofloxacin cũng được sử dụng để điều trị tại chỗ với tình trạng nhiễm khuẩn mắt và tai.
Ở trẻ em, nhìn chung, không khuyến cáo dùng Ciprofloxacin cho trẻ em dưới 18 tuổi. Tuy vậy, trong một số trường hợp nặng trên 1 tuổi bị bệnh viêm nhiễm nặng nề mà lợi ích vượt hại thì thuốc vẫn được cấp phép sử dụng. Một số trường hợp bác sĩ cũng có thể chỉ định Ciprofloxacin với trẻ trên 12 tuổi bị bệnh than, sự phòng viêm màng não do não mô cầu hoặc bệnh lậu.
2.2. Liều dùng và cách dùng
Việc sử dụng Ciprofloxacin với liều lượng như thế nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn, loại nhiễm khuẩn, mức độ nặng nhẹ, và nhiều chỉ số khác của người bệnh. Đa số, Ciprofloxacin sẽ được sử dụng thêm khoảng 2 ngày sau khi người bệnh không còn triệu chứng và thời gian điều trị thường khá lâu, có thể 1-2 tuần, có thể 4-6 tuần tùy bệnh lý.
Liều thông thường dùng Ciprofloxacin với người lớn có thể là:
– Đường uống: 250-750 mg, 2 lần/ngày
– Đường tiêm tĩnh mạch: 200-400 mg, 2-3 lần/ngày
Nhìn chung, liều dùng và thời gian điều trị cụ thể tùy thuộc vào loại và mức độ nhiễm khuẩn, chức năng thận của bệnh nhân. Với trẻ nhỏ tuổi, cần cân nhắc và hạ liều phù hợp theo độ tuổi. Thuốc cũng có nhiều dạng bào chế phù hợp với mỗi loại bệnh lý và hình thức điều trị.
Ciprofloxacin có thể uống lúc đói hoặc no không liên quan đến bữa. Người sử dụng nên uống với nhiều nước và tránh uống cùng các chế phẩm có chứa ion kim loại như calci, magnesi, sắt…
2.3. Chống chỉ định
Thuốc Ciprofloxacin chống chỉ định nếu người bệnh có tiền sử quá mẫn ciprofloxacin hoặc các quinolon khác hoặc các trường hợp đang điều trị với tizanidin. Người đang mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú cũng không được dùng thuốc, ngoại trừ khi bác sĩ kê đơn.
3.Thận trọng khi dùng và điều trị với thuốc Ciprofloxacin
3.1. Thận trọng
Trong thăm khám, bác sĩ cần xem xét thận trọng sử dụng Ciprofloxacin với nhiều trường hợp đặc biệt như:
– Người cao tuổi
– Trẻ em
– Mẹ bầu
– Mẹ đang cho con bú
– Suy giảm chức năng gan, thận
– Tiền sử bệnh động kinh
– Rối loạn thần kinh TW
– Bệnh nhân thiếu hụt G6PD
– Bệnh nhân nhược cơ
– Người có nguy cơ kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ
3.2. Tác dụng không mong muốn
Ciprofloxacin thường dung nạp tốt nhưng có thể gây một số tác dụng phụ như:
– Thường gặp: Các biểu hiện dị ứng như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu
– Ít gặp: Phát ban, ngứa, đau cơ xương khớp, rối loạn giấc ngủ
– Hiếm gặp: Viêm gân, đứt gân, phản ứng phản vệ, rối loạn tâm thần, co giật…
3.3. Tương tác thuốc
Ciprofloxacin có nhiều tương tác thuốc quan trọng cần lưu ý:
– Tăng nồng độ/tác dụng của: theophyllin, caffein, warfarin, thuốc chống đái tháo đường đường uống…
– Giảm hấp thu khi uống đồng thời với các chế phẩm chứa ion kim loại như sắt, kẽm, calci, magnesi…
– Tăng độc tính khi phối hợp với các thuốc có nguy cơ kéo dài khoảng QT.
– Giảm tác dụng của vaccin thương hàn uống.
4. Lưu ý khi sử dụng
– Uống đủ nước khi dùng thuốc để tránh kết tinh trong nước tiểu.
– Tránh phơi nắng khi đang dùng thuốc do tăng nhạy cảm với ánh sáng.
– Ngừng thuốc ngay nếu có dấu hiệu viêm gân hoặc đứt gân.
– Tránh gắng sức khi trong thời kỳ uống thuốc Ciprofloxacin
– Thông báo cho bác sĩ các bệnh lý đi kèm và các thuốc đang sử dụng để tránh tương tác.
– Không tự ý kéo dài thời gian điều trị để tránh kháng thuốc.
Có thể thấy, Ciprofloxacin là kháng sinh quan trọng trong điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn ở giai đoạn nặng. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và an toàn, tránh tình trạng kháng thuốc ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, cần theo dõi đúng cách trong quá trình điều trị để an tâm điều trị đúng phác đồ và tiên liệu hiệu quả.