Cinnarizin là một loại thuốc kháng histamin H1 có nhiều tác dụng đặc biệt trong điều trị các rối loạn tiền đình, chóng mặt và các vấn đề liên quan đến tuần hoàn não. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy chóng mặt, ù tai, đặc biệt khi đi tàu xe? Cinnarizine có thể là giải pháp bạn đang tìm kiếm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được xem xét trên nhiều vấn đề khác. Bài viết dưới đây của TCI sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc này,
Menu xem nhanh:
1. Giới thiệu về Cinnarizin
1.1. Cinnarizin là gì?
Cinnarizin là một thuốc kháng histamin H1 thuộc nhóm dẫn xuất piperazin và chẹn kênh canxi, được phát minh vào năm 1955 bởi Janssen Pharmaceutica. Kể từ khi ra đời, cinnarizin đã được sử dụng rộng rãi trong y học để điều trị nhiều rối loạn liên quan đến hệ thống tiền đình và tuần hoàn não.
– Tên quốc tế: Cinnarizine.
– Mã ATC: N07CA02.
– Loại: Kháng histamin H1
– Dạng thuốc và hàm lượng
+ Viên nén: 15 mg, 25 mg.
+ Viên nang: 75 mg.
Thuốc có công thức hóa học là C26H28N2 và có cấu trúc phân tử tương tự với các thuốc kháng histamin khác. Tuy nhiên, điều làm cinnarizin trở nên đặc biệt là khả năng kết hợp tác dụng kháng histamin với tác dụng chẹn kênh canxi, tạo nên một cơ chế điều trị độc đáo và hiệu quả.
1.2. Cơ chế tác dụng của Cinnarizin
Cinnarizin có cơ chế tác dụng đa dạng:
– Tác dụng kháng histamin H1: với việc chống tiết acetylcholin và an thần, giảm các triệu chứng dị ứng và chóng mặt.
– Tác dụng đối kháng calci: Ức chế co thắt cơ trơn mạch máu, cải thiện tuần hoàn.
– Ức chế các thụ thể ở cơ quan tận cùng của tiền đình: Giảm chóng mặt và rối loạn thăng bằng.
Nghiên cứu cũng cho thấy Cinnarizin có khả năng cải thiện vi tuần hoàn não, từ đó thuốc tăng cường lưu lượng máu đến các vùng thiếu máu cục bộ trong não.
1.3. Bảo quản và độ ổn định
Bảo quản viên nén cinnarizin ở nhiệt độ phòng (15-30°C), tránh ánh sáng và ẩm ướt.
2. Chỉ định và cách dùng của Cinnarizin
2.1. Chỉ định
Cinnarizin được chỉ định trong điều trị nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau sau việc thăm khám và kiểm tra sức khỏe, điều tra tiểu sử bệnh lý của bác sĩ đối với người bệnh:
Các chứng rối loạn tiền đình:
– Chóng mặt hình thành từ các vấn đề về tiền đình
– Bệnh Meniere và các triệu chứng liên quan như ù tai, giảm thính lực
– Chứng say tàu xe
Rối loạn tuần hoàn não:
– Đau đầu mạch máu
– Suy giảm trí nhớ (nhiều hơn với người cao tuổi)
– Chứng thiếu máu não
Rối loạn tuần hoàn ngoại vi:
– Bệnh Raynaud
– Đau cách hồi
Các rối loạn thăng bằng khác:
– Chóng mặt tư thế lành tính
– Rối loạn tiền đình từ vấn đề chấn thương đầu
2.2. Liều dùng và cách sử dụng
Liều dùng cinnarizin thay đổi tùy theo chỉ định:
– Phòng say tàu xe: Người trưởng thành uống 25 mg, 2 giờ trước khi đi tàu xe; sau đó 15 mg, cách 8 giờ một lần nếu cần. Trẻ 5-12 tuổi: liều bằng 1/2 liều người lớn.
– Rối loạn tiền đình: Người trưởng thành uống 30 mg, mỗi ngày 3 lần. Trẻ từ 5-12 tuổi dùng liều bằng 1/2 liều người lớn.
– Rối loạn mạch não: Sử dụng liều 75 mg, ngày dùng 1 lần.
– Rối loạn mạch ngoại vi: Liều dùng 75 mg/lần,sử dụng 2-3 lần/ngày.
Lưu ý: Cinnarizin nên được uống sau bữa ăn để giảm thiểu tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Điều quan trọng là tuân thủ đúng liều lượng và thời gian điều trị do bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả tối ưu và tránh các tác dụng không mong muốn.
3. Lưu ý cần thiết
3.1. Tác dụng phụ của Cinnarizin
Mặc dù cinnarizin thường được dung nạp tốt và ứng dụng hỗ trợ với nhiều người, nhiều trường hợp và bệnh lý nhưng việc sử dụng thuốc vẫn cần cân nhắc do một số tác dụng phụ có thể xảy ra:
Các vấn đề thường gặp (tỷ lệ hơn 1%):
– Ngủ gà
Ít gặp (khoảng 0,1% đến 1%):
– Nhức đầu
– Khô miệng
– Tăng cân
– Ra mồ hôi
– Phản ứng dị ứng
Hiếm gặp (<0,1%):
– Triệu chứng ngoại tháp ở người già hoặc khi điều trị thuốc kéo dài nhiều ngày
– Giảm huyết áp (với trường hợp sử dụng liều cao)
Tác dụng phụ khi dùng Cinnarizin thường nhẹ và mang tính tạm thời. Tuy vậy, cần theo dõi chặt chẽ, việc phản ứng và tương tác thuốc, đặc biệt ở những đối tượng là người cao tuổi.
3.2. Thận trọng và chống chỉ định
Thận trọng:
– Người cao tuổi: Có thể gây tăng hoặc xuất hiện triệu chứng ngoại tháp khi điều trị kéo dài
– Người điều khiển xe hoặc máy móc: Do thuốc dễ gây buồn ngủ
– Người bị giảm huyết áp: Khi dùng liều cao
Chống chỉ định:
– Mẫn cảm với cinnarizin hoặc mẫn cảm bất cứ thành phần nào của thuốc
– Người mang tình trạng chứng rối loạn chuyển hóa porphyrin
3.3. Tương tác thuốc
Cinnarizin có thể tương tác với một số loại thuốc và các chất khác:
– Thuốc kháng cholinergic: Sự kết hợp có thể làm tăng tác dụng kháng cholinergic như khô miệng, táo bón, và khó tiểu tiện.
– Rượu và các chất ức chế hệ thần kinh trung ương khác như thuốc ngủ, thuốc an thần
– Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Việc sử dụng đồng thời cinnarizin với các chất ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng an thần, cần hết sức thận trọng, các chuyên gia về dược cảnh báo
3.4. Sử dụng Cinnarizin trong thai kỳ và cho con bú
Với mẹ đang cho con bú hoặc phụ nữ sắp làm mẹ thì việc sử dụng thuốc cần được cân nhắc kỹ lưỡng:
– Thai kỳ: Nên tránh sử dụng cinnarizin trong thời kỳ mang thai.
– Cho con bú: Chỉ sử dụng khi lợi ích điều trị cho mẹ trội hơn nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ.
Nhìn chung, Cinnarizin là một loại thuốc đa năng với tác dụng kháng histamin H1 và đối kháng calci, được sử dụng rộng rãi trong điều trị các rối loạn tiền đình, chóng mặt và các vấn đề liên quan đến tuần hoàn não. Mặc dù thuốc thường được dung nạp tốt, nhưng vẫn cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt là ở người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Việc chúng ta tuân thủ đúng liều lượng và thực hiện theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ là điều cần luôn ghi nhớ để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu các vấn đề về tương tác thuốc cũng như tác dụng phụ không mong muốn.