Chuyển mùa là giai đoạn thời tiết tạo nhiều điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tăng cao. Cúm gia cầm cũng không phải là ngoại lệ. Virus cúm gia cầm có thể gia tăng và gây ảnh hưởng nặng nề ở những đối tượng như người mang thai, người có hệ miễn dịch kém, người già, người có bệnh lý nền.
Menu xem nhanh:
1. Thời tiết chuyển mùa, virus cúm gia cầm dễ phát triển
Tại Việt Nam, theo thông tin của Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm ở gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, với thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, tạo nhiều thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
Bộ Y tế cho biết, bên cạnh điều kiện thời tiết chuyển mùa, kết hợp với điều kiện giao lưu thương mại đang ngày càng mở rộng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ bệnh cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất cao, đặc biệt ở các tỉnh có đường biên giới sát với các quốc gia đang có dịch bệnh.
Đồng thời, người dân có xu hướng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ các dịp lễ tết, do đó các hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Theo đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm virus cúm sang người.
2. Cúm gia cầm là bệnh gì? Con đường lây truyền?
2.1 Cúm gia cầm là bệnh gì?
Cúm gia cầm là bệnh gây ra bởi chủng virus cúm A, thường chỉ lây nhiễm cho các loài chim hoang dã và gia cầm, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người. Hầu hết các trường hợp cúm gia cầm ở người là do các chủng virus A/ H5N1 và H7N9 gây ra.
Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu ở những loài chim hoang dã nhưng có thể gây chết hàng loạt ở gia cầm nuôi. Đồng thời tỷ lệ tử vong ở người nhiễm cúm gia cầm cũng cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B khác.
2.2 Virus gây cúm gia cầm tồn tại thế nào trong tự nhiên
Virus cúm gia cầm A có thể lây truyền cho các loài chim thủy sinh khác nhau trên thế giới như vịt, ngỗng, thiên nga, mòng biển, cò, nhạn biển. Các loài này có thể bị nhiễm virus qua nước bọt, dịch tiết mũi và phân. Các loài gia cầm nuôi có thể bị lây nhiễm virus cúm thông qua các nguồn bệnh tự nhiên này.
Loại virus này có thể lây truyền từ trang trại chăn nuôi này sang trang trai chăn nuôi khác thông qua quá trình virus từ phân, dịch mũi họng bám trên quần áo, giày dép, phương tiện vận chuyển.
Virus gây cúm gia cầm được phân loại thành hai dạng là virus gia cầm có độc lực thấp (LPAI) và virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI). Với gia cầm nhiễm virus cúm có độc lực thấp, bệnh không có biểu hiện hoặc chỉ biểu hiện nhẹ như xù lông và giảm sản lượng trứng. Đối với gia cầm nhiễm virus có độc lực cao thường sẽ gây bệnh nặng , tỷ lệ gia cầm mắc bệnh chết cao.
2.3 Virus cúm gia cầm lây sang người bằng cách nào?
Hầu hết người mắc bệnh là do lây truyền từ gia cầm do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch chứa virus (nước bọt, chất nhầy, hoặc phân) của động vật bị nhiễm bệnh. Bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào vật gì đó bị nhiễm bệnh và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
Tỷ lệ lây nhiễm bệnh từ người sang người là hạn chế, tuy nhiên virus cúm có khả năng đột biến gen nhanh chóng, do đó có thể dẫn đến có nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh sang người thường, tạo ra đại dịch.
3. Triệu chứng của bạn khi nhiễm virus gây cúm gia cầm là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm gia cầm ở người có thể khác nhau, chúng có thể bao gồm các triệu chứng điển hình như:
– Sốt từ 37 độ C trở lên
– Ho, đau họng
– Đau nhức cơ thể, đau bắp
– Buồn nôn, nôn, ói
– Tiêu chảy
– Nghẹt mũi, chảy nước mũi
Cúm gia cầm cũng có thể gây ra các triệu chứng và tình trạng hô hấp nghiêm trọng như:
– Khó thở
– Viêm phổi
– Suy hô hấp cấp tính…
Những người bị nhiễm bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn. Ở những trường hợp mắc cúm gia cầm nghiêm trọng, người nhiễm bệnh có thể gặp các triệu chứng thần kinh như co giật hoặc thay đổi tâm thần. Cúm gia cầm cũng có thể gây suy đa cơ quan hoặc sốc nhiễm trùng.
4. Sự nguy hiểm của chủng virus cúm gia cầm A
Virus cúm gia cầm A là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng vì nhiều lý do, bao gồm:
– Một số loại virus này đã truyền bệnh lẻ tẻ từ gia cầm sang người và gây bệnh nặng và tử vong, do người nhận biết và phát hiện muộn gây khó khăn trong quá trình điều trị.
– Virus có thể biến đổi thành dạng có khả năng lây nhiễm cao ở người và dễ dàng lây lan từ người này sang người khác.
– Vì những loại virus này đe dọa gia cầm nuôi trên khắp thế giới nên chúng cũng là mối nguy hiểm đối với những người lao động tiếp xúc với gia cầm trên toàn thế giới.
5. Phòng tránh mắc bệnh cúm gia cầm bằng cách nào?
Nguy cơ mắc bệnh cao nhất là đối với những người tiếp xúc với gia cầm. Nếu bạn làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như luôn đeo đầy đủ thiết bị bảo hộ. Đối với các loài gia cầm có biểu hiện ốm yếu hoặc chết, bạn không nên chạm trực tiếp tay vào các bề mặt có thể bị nhiễm chất nhầy, nước bọt, phân của chúng. Nên sử dụng trang phục bảo hộ và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
Nếu bạn không làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm, hãy cẩn thận nếu bạn tiếp xúc với các loài chim hoang dã từ các nước khác. Luôn thực hiện đúng kỹ thuật rửa tay sau khi tiếp xúc với chúng và tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng bằng tay không sạch.
Nếu bạn đến khu vực có báo cáo về cúm gia cầm, hãy chủ động theo dõi sức khỏe và ngay lập tức đến bệnh viện thăm khám nếu có bất kỳ triệu chứng cúm nào.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng khuyến cáo mọi người nên tiêm vắc-xin cúm theo mùa hàng năm. Tiêm phòng cúm theo mùa sẽ không ngăn ngừa được việc nhiễm virus cúm gia cầm nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cùng lúc với virus cúm A ở người và cúm gia cầm.