Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý mà nhiều người mắc phải trong xã hội hiện nay. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp. Người bệnh nên áp dụng các biện pháp theo gợi ý từ chuyên gia để hỗ trợ cải thiện thoát vị đĩa đệm tốt nhất.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân, triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý về xương khớp rất phổ biến và thường gặp ở người trưởng thành. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm trong xương sống bị thoát ra khỏi vị trí bình thường và tác động lên dây thần kinh gần đó. Bệnh lý này gây sự mất cân bằng trong cơ bắp và xương khớp. Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm chủ yếu gồm lão hóa và chấn thương. Quá trình lão hóa tự nhiên là một trong những nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm. Đĩa đệm mất đi tính linh hoạt và giảm khả năng chịu các tác động lớn. Ngoài ra, tác động mạnh, chấn thương trực tiếp lên vùng lưng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người bị thoát vị đĩa đệm có thể nhận biết bệnh qua những dấu hiệu như đau lưng, mất cảm giác. Các cơn đau thường xuất hiện ở vùng lưng dưới, lan ra các chi. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị mất cảm giác, tê liệt hoặc giảm cảm giác ở vùng mắt cá chân, bàn chân và ngón chân.
Tuy nhiên, mức độ của các triệu chứng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người. Vì vậy, để có thể giảm đau, tê một cách hiệu quả, bệnh nhân nên thăm khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
2. Cải thiện thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc
Trừ các trường hợp nặng cần sử dụng biện pháp ngoại khoa thì bệnh nhân có thể thực hiện các phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả như sử dụng thuốc và tập luyện để cải thiện tình trạng thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
2.1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bằng cách sử dụng các kỹ thuật vật lý như tác động kéo giãn cột sống nhằm chuyển đĩa đệm trở lại vị trí ban đầu, tập căng cơ, các bài tập aerobic. Bên cạnh đó bệnh nhân có thể dùng áo nẹp cột sống, chiếu đèn hồng ngoại, liệu pháp sóng siêu âm để giảm đau và cải thiện chức năng của đĩa đệm. Lưu ý, phương pháp này thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu.
2.2. Thay đổi lối sống để cải thiện thoát vị đĩa đệm
Thực hiện lối sống lành mạnh, điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ hỗ trợ giảm đau, yếu và tê ở các bộ phận như lưng, cổ, cánh tay và chân. Chuyên gia gợi ý người bệnh nên thực hiện những điều sau:
– Thực hiện bài tập thể dục nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể giúp tăng cường cơ bắp xung quanh vùng lưng và giảm tải lực lên đĩa đệm.
– Đảm bảo ngồi và đứng đúng tư thế để giảm áp lực lên đĩa đệm. Sử dụng ghế có độ cao phù hợp và dùng các thiết bị hỗ trợ lưng phù hợp khi ngồi góp phần quan trọng giúp giảm đau.
– Tránh nâng vật nặng hoặc thực hiện các hoạt động tạo ra áp lực lên vùng lưng. Nếu làm việc trong môi trường cần phải dùng sức mạnh, hãy sử dụng đồ bảo hộ, các thiết bị hỗ trợ hoặc giảm lượng công việc.
– Với những bệnh nhân bị đau nặng, bác sĩ có thể đề nghị nghỉ ngơi trong khoảng thời gian ngắn.
– Bên cạnh đó, những người béo phì, thừa cân cần giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng để giảm áp lực lên đĩa đệm.
2.3. Điều chỉnh chế độ ăn uống để kiểm soát triệu chứng bệnh
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện thoát vị đĩa đệm. Người bệnh nên tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu canxi. Canxi là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển và duy trì sức khỏe xương khớp. Trong chế độ ăn hàng ngày, người bị thoát vị đĩa đệm nên tăng cường bổ sung canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết từ sữa và sản phẩm từ sữa, cá hồi, hạt chia, rau xanh lá,… Hạn chế tiêu thụ chất béo không lành mạnh có trong thịt đỏ, mỡ động vật, đồ ngọt. Ngoài ra, bệnh nhân cần đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để duy trì sự mềm dẻo và đàn hồi của đĩa đệm.
3. Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc
3.1. Sử dụng thuốc điều trị bệnh
Thuốc thường được sử dụng để cải thiện tình trạng sưng, đau ở bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định các nhóm thuốc như Naproxen (Aleve, Naprosyn) hoặc Ibuprofen (Motrin, Advil). Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý không nên sử dụng thuốc liên tục trong thời gian dài (quá 10 ngày) nếu không có sự đồng ý của bác sĩ bởi việc này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, dạ dày và ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.
3.2. Tiêm ngoài màng cứng cải thiện thoát vị đĩa đệm
Tiêm ngoài màng cứng là một phương pháp điều trị mà thuốc được tiêm trực tiếp vào khoảng trống quanh dây thần kinh cột sống. Biện pháp này có thể giúp giảm đau và viêm cho những người bị thoát vị đĩa đệm.
Quá trình tiêm cần được thực hiện bởi một chuyên gia y tế. Bằng cách sử dụng hình ảnh hướng dẫn như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính, người tiêm sẽ xác định chính xác vị trí cần tiêm thuốc.
Việc tiêm ngoài màng cứng có thể cải thiện triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, hiệu quả của phương pháp này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp và không phải là phương pháp điều trị dài hạn.
4. Điều trị ngoại khoa
Trong một số trường hợp thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng và không phản ứng tốt với các phương pháp trên thì bác sĩ có thể gợi ý điều trị ngoại khoa. Các phương pháp điều trị ngoại khoa bao gồm cắt bỏ đĩa đệm bị tổn thương, giải phẫu cung sau của đốt sống thắt lưng hoặc thay thế đĩa đệm nhân tạo.
Các phương pháp này thường tốn kém và không phải ai cũng đủ điều kiện thể chất để thực hiện. Vì vậy, người bệnh nên tăng cường rèn luyện, bảo vệ sức khỏe xương khớp, ăn uống và sinh hoạt hợp lý để giữ cột sống vững chắc. Lưu ý rằng, ngay khi phát hiện các triệu chứng, người bị thoát vị đĩa đệm nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Với từng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất.