Chụp cộng hưởng từ là một kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến hiện nay. Nguyên lý của chụp cộng hưởng từ là sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra những hình ảnh cơ quan và mô trong cơ thể. Vậy thực hiện chụp MRI có nguy hiểm không? Chúng ta cần lưu ý điều gì khi chụp cộng hưởng từ? Cùng TCI tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về chụp cộng hưởng từ
1.1. Bản chất của chụp cộng hưởng từ là gì?
Chụp cộng hưởng từ là kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn được sử dụng phổ biến để phát hiện, chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị bệnh. Chụp cộng hưởng từ rất khác so với chụp cắt lớp vi tính và x-quang ở chỗ MRI không sử dụng tia X mà thay vào đó bằng sóng vô tuyến và từ trường.
1.2. Chụp cộng hưởng từ để làm gì?
Chụp cộng hưởng từ đặc biệt hiệu quả trong kiểm tra các mô mềm và bộ phận không có xương. Phương pháp này có thể được ứng dụng trong chụp sọ não, cột sống các đoạn từ cổ – ngực – thắt lưng hoặc toàn bộ cột sống, vùng ổ bụng, vùng chậu, các mạch máu, vú, khớp, xương khớp và mô mềm các chi.
Trong chấn thương đầu gối và vai, chụp cộng hưởng từ sẽ cung cấp những hình ảnh về các bó cơ, dây chằng và gân rõ ràng hơn so với chụp x-quang và cắt lớp vi tính thông thường. Đặc biệt đối với não, hình ảnh cộng hưởng từ có thể giúp bác sĩ phân biệt giữa chất xám và trắng. Điều này khiến phương pháp này vượt trội hơn hẳn so với chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán các tổn thương có kích thước nhỏ như tổn thương xơ hóa rải rác trong não, tình trạng phình động mạch não hay các khối u.
2. Chụp MRI có nguy hiểm không? Cần lưu ý những điểm gì khi thực hiện thăm khám?
2.1. Trước khi trả lời câu hỏi chụp MRI có nguy hiểm không, cùng tìm hiểu ưu điểm của kỹ thuật này
Trước tiên, ta cần nhấn mạnh những ưu điểm vượt trội của chụp cộng hưởng từ bao gồm:
– Kĩ thuật chụp cộng hưởng từ cho ra những hình ảnh có độ phân giải cao, rõ ràng. Đặc biệt, phương pháp này sử dụng hơn 250 sắc thái xám để phân biệt các phần khác nhau của mô, từ đó giúp bác sĩ dễ dàng đọc kết quả, hỗ trợ chẩn đoán chính xác các trình trạng đang diễn ra trong cơ thể.
– Chụp cộng hưởng từ có thể được sử dụng như biện pháp thay thế khi bệnh nhân chống chỉ định với kĩ thuật chụp cắt lớp vi tính có cản quang.
– Chụp cộng hưởng từ có thể dựng hình mạch máu mà không cần đến sự hỗ trợ của thuốc tương phản.
– Phương pháp này không sử dụng tia bức xạ, do đó rủi ro khi bệnh nhân chụp cộng hưởng từ là cực kì thấp. Kĩ thuật này có thể được lựa chọn khi cần thường xuyên thực hiện để chẩn đoán hoặc điều trị các bệnh lý, đặc biệt là não.
– Chụp cộng hưởng từ an toàn cho phụ nữ mang thai từ tuần 13 trở đi.
– MRI trả kết quả với nhiều góc chụp khác nhau như chụp cắt ngang, chụp đứng dọc và ngang.
2.2. Vậy chụp MRI có nguy hiểm không?
Kĩ thuật chụp cộng hưởng từ đã được chứng minh an toàn cho sức khỏe và không gây ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tuy nhiên cũng như những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, MRI vẫn tồn tại một vài nhược điểm như sau:
– Thời gian thực hiện chụp cộng hưởng từ khá lâu so với cắt lớp vi tính. Do đó, phương pháp này không thích hợp trong các trường hợp khẩn cấp.
– Trong quá trình chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân cần phải bất động tuyệt đối. Hiện nay, thời gian chụp cộng hưởng từ có thể kéo dài từ 20 – 90 phút tùy bộ phận hoặc công nghệ MRI và đòi hỏi bệnh nhân nằm yên trong suốt quá trình quét bởi chỉ một cử động nhỏ cũng có thể khiến toàn bộ ảnh biến dạng. Một khi điều này xảy ra, quá trình quét chụp phải thực hiện lại từ đầu.
– Quá trình chụp cộng hưởng từ sẽ gây ra những phản ứng với kim loại. Chính vì vậy những bệnh nhân có cấy ghép kim loại trong cơ thể không thể thực hiện kĩ thuật này.
– Khi hoạt động, máy MRI sẽ phát ra tiếng động lớn và liên tục.
– Do đây là một phương pháp tiên tiến, chi phí cho một lần chụp cộng hưởng từ khá cao.
2.3. Lưu ý khi thực hiện chụp MRI
Bản chất của cộng hưởng từ là một khối nam châm lớn, sử dụng từ trường rất mạnh nên cần nhấn mạnh rằng MRI sẽ tác động lên các vật thể bằng sắt, thép và các vật nhiễm từ khác. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn trong quá trình thăm khám, những người cấy ghép kim loại trong cơ thể cần báo cho bác sĩ trước khi thực hiện chụp cộng hưởng từ. Một số vật dụng kim loại cấy ghép thường gặp bao gồm:
– Máu tạo nhịp tim
– Máy bơm thuốc tự động
– Ốc tai điện tử
– Nẹp kim loại
– Khớp giả
– Đinh nội tủy
Ngoài ra, trong quá trình chụp chiếu, máy cộng hưởng từ sẽ liên tục phát ra tiếng ồn với cường độ khác nhau. Bên cạnh đó, máy cộng hưởng từ có thể gây ra tình trạng kích thích thần kinh, tạo cảm giác rung hay co giật nhẹ. Những điều này là hoàn toàn bình thường và bệnh nhân không cần quá lo sợ. Trong trường hợp tiếng ồn quá khó chịu, người bệnh có thể yêu cầu thiết bị bảo vệ tai đặc biệt.
Thuốc tương phản từ hiếm khi gây ra tình trạng dị ứng, tuy nhiên nếu bệnh nhân mắc bệnh thận nặng, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần báo cho bác sĩ để cân nhắc tính cần thiết của việc dùng thuốc. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cũng không nên thực hiện chụp cộng hưởng từ để đề phòng những rủi ro không đáng có.
Một điểm cuối cần lưu ý là những bệnh nhân mắc hội chứng sợ không gian kín có thể cảm thấy vô cùng lo lắng nếu phải nằm yên lâu trong quá trình chụp cộng hưởng từ. Do đó trước khi thực hiện, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra biện pháp hỗ trợ giảm căng thẳng.
Hiện nay, hầu hết các địa chỉ y tế lớn đều cung cấp dịch vụ chụp cộng hưởng từ để hỗ trợ bác sĩ trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị đa bệnh lý cho người dân. Trong đó, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những địa chỉ vàng được nhiều người dân lựa chọn khi có nhu cầu chụp cộng hưởng từ. Tại đây sở hữu hệ thống máy cộng hưởng từ hiện đại, thế hệ mới, ứng dụng chụp siêu tốc, thu hình ảnh chất lượng cao trong thời gian ngắn, phát hiện các bất thường dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, kĩ thuật này là cánh tay đắc lực trong phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và rất sớm.
Hi vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc của bạn về những ưu nhược điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ cũng như bỏ túi được một địa chỉ thăm khám uy tín, chất lượng.