Chụp cộng hưởng từ là một phương pháp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nền y khoa hiện đại. Vậy kỹ thuật chụp cộng hưởng từ phát hiện được những bệnh gì? Phương pháp này có ưu điểm và hạn chế gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện được những bệnh lý nào?
Có thể nói rằng chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất cho đến thời điểm này với khả năng khảo sát hầu hết các các cơ quan trong cơ thể với độ chính xác vượt trội, kể cả những phần mô mềm mà các phương pháp khác tiếp cận còn hạn chế.
Phương pháp này có giá trị đặc biệt trong việc phát hiện các bệnh về não, cơ xương khớp, tim mạch, ung thư. Cụ thể như sau:
1.1 Chẩn đoán các bệnh về não
Phương pháp chụp cộng hưởng từ cung cấp hình ảnh rõ nét của các nhu mô não, phần mà không thể nhìn thấy rõ trên phim chụp nếu sử dụng phương pháp chụp X-quang, CT-scan hay siêu âm. Bởi vậy, đây được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán và phát hiện các bệnh lý thần kinh. Bên cạnh đó, chụp cộng hưởng từ cũng giúp chẩn đoán chính xác, ít sai sót đối với các bệnh lý tuyến yên và thân não.
Một số tình trạng bệnh lý của não có thể phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán chụp cộng hưởng từ gồm:
– U nang
– Khối u não
– Xuất huyết
– Phù nề hay các cấu trúc bất thường khác ở não,…
Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ còn có ý nghĩa trong việc hướng dẫn thực hiện thông động tĩnh mạch và xử lý các tổn thương ở não do chấn thương hoặc đột quỵ gây ra.
Hiện nay, các kỹ thuật mới như cộng hưởng từ tưới máu, cộng hưởng từ phổ, cộng hưởng từ sợi trục thần kinh giúp chẩn đoán chuyên sâu và chính xác hơn các bệnh lý thần kinh.
1.2 Các bệnh cơ xương khớp
Với khả năng tái tạo hình ảnh 3D sắc nét, chụp cộng hưởng từ là phương pháp tối ưu nhất giúp đánh giá toàn bộ cấu trúc của hệ cơ xương khớp. Từ đó, những tổn thương liên quan tới xương, cơ gân, sụn, dây chằng,… đều được phát hiện một cách nhanh chóng, chuẩn xác.
Các bệnh lý cơ xương khớp có thể được chẩn đoán hiệu quả bằng chụp MRI bao gồm:
– Viêm xương khớp, cơ, gân, dây chằng,…
– Thoái hoá khớp, đứt dây chằng chéo, rách sụn chêm, gãy xương,…
– Nhiễm trùng
– Viêm tủy xương
– Các khối u nguyên phát và di căn xương khớp
– Đau, yếu, sưng vùng khớp tứ chi
– Gãy xương đòn vai
1.3 Phát hiện các bệnh ung thư
Chụp cộng hưởng từ có độ phân giải cao với khả năng chụp được nhiều bình diện, thăm dò sâu với nhiều chuỗi xung. Bởi vậy, phương pháp này có thể dễ dàng phát hiện các tổn thương ở mức tế bào, đánh giá sự thay đổi chức năng của tổ chức.
Đây được xem là một trong những công cụ vô giá để phát hiện sớm các bệnh lý ung thư, phân biệt tổn thương ác tính hay lành tính, những di căn nghiêm trọng hay thông thường. Nhờ đó, phương pháp này hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trong việc xây dựng phác đồ điều trị, giúp hạn chế tối đa những nguy hiểm do các bệnh lý gây ra.
Chụp cộng hưởng từ vùng bụng – chậu giúp phát hiện nhiều bệnh lý phức tạp của hệ thống tạng trong cơ thể như:
– Các bệnh gan mật như: u gan, u mật, sỏi mật,…
– Bệnh thận, lá lách,…
– Các bệnh lý tuyến tụy, tuyến thượng thận,…
– Các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, các khối u buồng trứng, sa âm đạo,…ở vùng tiểu khung. Đặc biệt phương pháp này giúp đánh giá chính xác giai đoạn của nhiều loại ung thư.
– Các bệnh lý tuyến vú, chẩn đoán sớm và chính xác các u lành tính, ác tính và các viêm nhiễm tại vú,…
1.4 Chẩn đoán các bệnh lý tim mạch
Chụp cộng hưởng từ không chỉ giúp đánh giá về mặt hình ảnh giải phẫu mà còn giúp kiểm tra chức năng của các buồng tim, van tim, cơ tim, tình trạng tưới máu cơ tim…
Trong các bệnh lý về mạch máu, chụp cộng hưởng từ giúp tạo hình các hệ thống động mạch như mạch não, mạch cảnh, mạch chi, mạch thận…Nhờ đó, giúp chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị các bệnh tim mạch, định hướng phẫu thuật và theo dõi điều trị hiệu quả.
2. Ưu và nhược điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ
2.1 Ưu điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ
– Hình ảnh được ghi lại và tái hiện bởi sóng radio và từ trường nên sắc nét, đa chiều, giúp quan sát được cả cấu trúc các mô mềm trong cơ thể như tim, phổi, gan và nhiều cơ quan một cách chi tiết hơn so với các phương pháp khác.
– An toàn, không gây tác dụng phụ như các phương pháp sử dụng tia X như chụp X-quang và CT.
– Cho phép quan sát các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể làm được.
2.2 Nhược điểm của phương pháp chụp cộng hưởng từ
– Không sử dụng được với các bệnh nhân cấy các vật bằng kim loại trong cơ thể như máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo, máy trợ thính, các mảnh đạn trong người, đinh – kẽm kim loại, dụng cụ tránh thai trong cổ tử cung, răng giả…
– Tất cả các vật dụng có kim loại như đồ trang sức, đồng hồ, kẹp tóc, chìa khóa, máy tính, máy điện thoại di động, thẻ tín dụng… phải được tháo ra trước khi vào phòng chụp MRI.
– Không sử dụng với các bệnh nhân mang thai trong 3 tháng đầu, trừ khi thật cần thiết.
– Trẻ em có thể phải dùng thuốc an thần khi chụp.
– Bệnh nhân không cử động trong lúc chụp MRI để có chất lượng hình ảnh tốt nhất.
– Trong trường hợp cần gây mê khi chụp thì bệnh nhân phải nhịn đói 4 – 6 giờ trước khi chụp.
Trên đây là những ý nghĩa của chụp cộng hưởng từ trong chẩn đoán và điều trị bệnh cũng như những ưu nhược điểm của phương pháp này. Bên cạnh việc quan tâm chụp cộng hưởng từ phát hiện được những bệnh gì, bạn cũng nên tìm hiểu để lựa chọn được địa chỉ chụp cộng hưởng từ tốt để có thể trải nghiệm trọn vẹn công dụng của phương pháp này.