Giá dịch vụ chụp cộng hưởng từ MRI thường có phần cao hơn so với một số kỹ thuật chụp chiếu khác. Vì vậy, nhiều người bệnh quan tâm chụp cộng hưởng từ có được bảo hiểm không? Giá chụp MRI dao động tùy thuộc bộ phận cần chụp, có sử dụng thuốc cản quang hay không. Một số trường hợp chi phí lên xấp xỉ 10 triệu đồng như chụp cộng hưởng từ toàn thân.
Menu xem nhanh:
1. Chụp cộng hưởng từ có được thanh toán bảo hiểm không?
1.1. Chụp cộng hưởng từ có được bảo hiểm không nếu dùng Bảo hiểm y tế
Về vấn đề chụp cộng hưởng từ có được bảo hiểm không, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo Điều 3 Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia Bảo hiểm y tế và Danh mục Dịch vụ kỹ thuật y tế có quy định cụ thể điều kiện thanh toán ban hành kèm theo Thông tư thì kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) được Bảo hiểm y tế thanh toán trong các trường hợp như sau:
– Được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục được thực hiện tại Bệnh viện
– Được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế
– Được thực hiện theo đúng quy trình chuyên môn do cấp có thẩm quyền phê duyệt
– Được Giám đốc Bệnh viện (hoặc người được ủy quyền) phê duyệt hoặc có hội chẩn, đồng thời thuộc các trường hợp được chỉ định chụp MRI do Giám đốc Bệnh viện quy định và gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội
Theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, quy định việc chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân chụp MRI:
– Nếu người bệnh chụp MRI đúng tuyến được thanh toán 80% chi phí
– Nếu người bệnh chụp MRI trái tuyến được thanh toán 32% chi phí
– Nếu người bệnh chụp MRI trái tuyến và không thực hiện tại bệnh viện thì tự chi trả
Như vậy, với câu hỏi chụp cộng hưởng từ có được bảo hiểm chi trả không, nếu dùng Bảo hiểm y tế thì câu trả lời là có, trong trường hợp việc chụp do bác sĩ chỉ định. Mức chi trả tùy thuộc vào các trường hợp nói trên.
1.2. Chụp cộng hưởng từ có được bảo hiểm không nếu dùng Bảo hiểm nhân thọ
Bên cạnh Bảo hiểm y tế, nhiều người bệnh cũng thắc mắc họ có được các dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ chi trả phí chụp MRI không.
Việc có chi trả hay không còn tùy thuộc vào các điều khoản quy định trong hợp đồng về chi trả viện phí nội ngoại trú mà khách hàng đã ký với công ty bảo hiểm. Vì vậy, bệnh nhân nếu sử dụng bảo hiểm nhân thọ nên đọc và tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Qua đó sẽ biết nếu được chi trả thì ở mức nào và áp dụng ở những cơ sở y tế nào.
Hiện nay kỹ thuật chụp cộng hưởng từ vẫn là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tốt nhất, thường xuyên được áp dụng để chẩn đoán các bệnh lý và hỗ trợ điều trị bệnh. Từ đó bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Chụp cộng hưởng từ chỉ được bảo hiểm y tế chi trả khi được bác sĩ chỉ định.
2. Vai trò của phương pháp chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ MRI là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y tế hiện đại nhất hiện nay. Kỹ thuật sử dụng sóng từ trường và sóng radio, không sử dụng tia phóng xạ cho phép tạo ra hình ảnh có độ chính xác cao. Từ đó giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí của các tổn thương.
Chụp cộng hưởng từ MRI được ứng dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực y tế, có thể sử dụng cho rất nhiều bộ phận:
– Chụp sọ não: Nhằm phát hiện bệnh tai biến mạch máu não, u não, dị dạng mạch máu não, động kinh, chấn thương sọ não, viêm màng não,…
– Chụp vùng cổ: Nhằm phát hiện các khối u, hạch bạch huyết, viêm vùng cổ
– Chụp hốc mắt: Nhằm phát hiện bệnh liên quan đến nhãn cầu, các dây thần kinh thị giác,…
– Chụp cột sống: Nhằm phát hiện bệnh liên quan đến cột sống, dây chằng, tủy sống, thoát vị đĩa đệm và phần mềm cạnh sống
– Chụp cơ xương khớp: Nhằm nhìn rõ hình ảnh ổ khớp, sụn khớp, gân cơ xương, dây chằng…Từ đó bác sĩ đưa ra chẩn đoán liên quan đến viêm khớp, thoái hóa, chấn thương…
– Chụp vùng bụng – chậu: Nhằm phát hiện bệnh gan mật, tuyến tụy, tuyến thượng thận, trực tràng, tử cung…
– Chụp tuyến vú: Nhằm phát hiện tổn thương ở tuyến vú như u và các viêm nhiễm tại vú
– Chụp cộng hưởng từ cũng có thể được sử dụng trong việc hỗ trợ chẩn đoán liên quan đến bệnh tim mạch
3. Ưu điểm của kỹ thuật và lưu ý khi chụp cộng hưởng từ
Điểm đặc biệt của kỹ thuật chụp MRI so với nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác là không sử dụng tia X nên an toàn cao. Bên cạnh đó, kỹ thuật này mang lại hình ảnh rõ nét hơn.
3.1. Ưu điểm chụp MRI
MIR là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có nhiều ưu điểm như:
– Hình ảnh rõ nét, đa mặt phẳng, độ phân giải cao giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán bệnh
– Chụp MRI không sử dụng tia bức xạ, không xâm lấn cơ thể nên an toàn hơn
– Kỹ thuật có thể ứng dụng ngay cả khi không dùng thuốc cản quang
– Thời gian tiến hành nhanh, chỉ từ 30-45 phút
3.2. Lưu ý khi chụp MRI
Trước khi thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI, người được chụp sẽ được bác sĩ hoặc kỹ thuật viên lưu ý một vài điều sau. Bởi kỹ thuật chụp MRI sử dụng nam châm mạnh nên sự hiện diện của kim loại trong cơ thể có thể gây nguy hiểm nếu bị nam châm hút. Ngay cả khi không bị nam châm hút, các vật thể kim loại cũng có thể làm biến dạng hình ảnh MRI dẫn đến việc chẩn đoán sai. Vì vậy bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ trước khi chụp MRI trong các trường hợp:
– Trong cơ thể có bộ phận cấy ghép kim loại, đặc biệt là những loại có chứa sắt như: Máy tạo nhịp tim, máy kích thích thần kinh phế vị, máy khử rung tim cấy ghép, cấy ghép ốc tai điện tử, van tim nhân tạo, …
– Người sợ tiếng ồn lớn cũng cần thông báo trước khi chụp
– Người mắc chứng sợ không gian hẹp, chật kín có thể không chụp MRI được
– Mang thai: Phụ nữ có thai được khuyến cáo không nên chụp MRI, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ khi các cơ quan của thai nhi đang được hình thành. Chất cản quang nếu được sử dụng có thể xâm nhập vào máu của thai nhi
– Một số bộ phận cơ thể cho kết quả hình ảnh không tốt bằng kỹ thuật khác