Chụp cắt lớp là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được ứng dụng rộng rãi và có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực y tế. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn chụp cắt lớp là gì và quy trình thực hiện chụp cắt lớp cụ thể ra sao, hãy cùng theo dõi nhé!
Menu xem nhanh:
1. Chụp cắt lớp là gì?
Chụp cắt lớp hay còn gọi là chụp CT, là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng hàng loạt tia X quang để quét lên các vị trí cần kiểm tra từ nhiều góc khác nhau theo các lát cắt ngang. Sau đó, kết quả chụp sẽ được thu lại trên máy vi tính dưới dạng hình ảnh 2D hoặc 3D.
Kỹ thuật này có thể hình ảnh hoá hầu hết các bộ phận trên cơ thể như đầu, vai, xương sống, tim, bụng, đầu gối, ngực,… và kết quả thường rõ nét hơn so với phương pháp chụp x quang.
2. Các trường hợp nên thực hiện chụp cắt lớp
Sau khi tìm hiểu xong chụp cắt lớp là gì thì chúng ta có thể nhận thấy kỹ thuật này rất thích hợp để đưa ra các chẩn đoán ban đầu và đánh giá mức độ tổn thương của bộ phận được kiểm tra.
Cụ thể, chụp cắt lớp thường được bác sĩ chỉ định thực hiện trong các trường hợp sau đây:
– Chẩn đoán các rối loạn ở cơ và xương như u xương hoặc gãy xương
– Xác định vị trí nhiễm trùng, khối u hoặc cục máu đông
– Phát hiện và theo dõi tình trạng của một số bệnh lý nặng như bệnh tim, bệnh ung thư, khí phế thũng hoặc u gan
– Giám sát hiệu quả điều trị bệnh tim, bệnh ung thư,…
– Hỗ trợ quá trình phẫu thuật, xạ trị và sinh thiết
– Phát hiện chấn thương bên trong và tình trạng chảy máu trong
3. Quy trình thực hiện chụp cắt lớp
Chụp cắt lớp là phương pháp chẩn đoán không gây đau và diễn ra khá nhanh, trong khoảng 30 phút. Quy trình thực hiện chụp cắt lớp thường có 4 bước chính:
3.1. Thăm khám lâm sàng
Trước khi bắt đầu thực hiện chụp cắt lớp, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng thông qua việc quan sát và hỏi đáp về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh của bệnh nhân. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm nếu cần thiết.
3.2. Chuẩn bị trước khi chụp
Sau khi khám lâm sàng, người bệnh sẽ được dẫn đến phòng chụp cắt lớp và nghe hướng dẫn về quá trình chụp. Tùy thuộc vào vị trí cần kiểm tra, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu cởi bỏ quần áo, mặc áo choàng của bệnh viện và tháo bỏ các trang sức, vật dụng bằng kim loại có trên cơ thể.
Với một vài trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cản quang để hình ảnh thu được trên phim chụp chi tiết hơn thông qua cách uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
3.3. Thực hiện chụp cắt lớp
Để thực hiện chụp cắt lớp, người bệnh sẽ nằm trên một chiếc bàn có thể di chuyển được. Sau khi bệnh nhân nằm ổn định ngay ngắn, chiếc bàn này sẽ trượt qua khe hở để đi vào lồng chụp của máy chụp cắt lớp.
Khi người bệnh được đưa vào đúng vị trí, máy chụp sẽ phát ra các chùm tia X và chiếu lên vị trí cần kiểm tra, các đầu dò kích thước nhỏ bên trong máy có tác dụng đo đạc số lượng tia X xuyên qua đó. Cụ thể, máy dò và ống tia X sẽ lần lượt quay, mỗi vòng quay sẽ cho một hình ảnh lát cắt ngang của cơ thể.
Trong suốt quá trình chụp cắt lớp, người bệnh cần duy trì tư thế cố định theo chỉ dẫn, hạn chế tối đa việc xê dịch cơ thể. Kỹ thuật viên sẽ quan sát từ một phòng điều khiển riêng biệt và có thể yêu cầu bạn nín thở trong một vài thời điểm để tránh làm mờ hình ảnh chụp lại.
3.4. Trả kết quả và giải thích ý nghĩa phim chụp
Sau khi hoàn thành toàn bộ quá trình chụp cắt lớp, bác sĩ sẽ trả kết quả và giải thích ý nghĩa của phim chụp cho người bệnh, đồng thời tư vấn về hướng điều trị cho bệnh nhân.
Trong trường hợp người bệnh có sử dụng thuốc phản quang khi chụp cắt lớp thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh uống nhiều nước để loại bỏ hoàn toàn các chất cản quang ra khỏi cơ thể.
4. Một số lưu ý khi chụp cắt lớp
Để kỹ thuật chụp cắt lớp mang lại hiệu quả cao nhất, người bệnh nên ghi nhớ một số lưu ý dưới đây:
– Thông báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai để xem xét các phương pháp thay thế khác
– Trao đổi trước với bác sĩ nếu có tiền sử mắc các bệnh như dị ứng, tiểu đường, bệnh về thận,…
– Nếu chụp cho trẻ em thì cần có bố mẹ, người thân hoặc người giám hộ đi cùng để hỗ trợ khi cần thiết
– Tùy thuộc từng vị trí cần kiểm tra, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nhịn ăn uống trước khi tiến hành chụp khoảng vài tiếng
– Thay quần áo do cơ sở y tế cung cấp nếu được yêu cầu, tháo bỏ đồ dùng và trang sức bằng kim loại
5. Rủi ro có thể xảy ra khi chụp cắt lớp
Như đã đề cập ở trên, chụp cắt lớp là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, không gây đau đớn và dễ thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng gặp phải một số rủi ro và tác dụng phụ như sau:
5.1. Nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ
Khi chụp cắt lớp, người bệnh sẽ phải tiếp xúc với một lượng tia bức xạ nhất định. Tuy nhiên, người bệnh có thể yên tâm bởi lượng bức xạ đo lường được khi thực hiện chụp cắt lớp vẫn nằm trong ngưỡng an toàn và lợi ích mà kỹ thuật chẩn đoán này mang lại vượt xa so với rủi ro.
5.2. Ảnh hưởng đến thai nhi
Nếu người bệnh đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai thì không nên thực hiện chụp cắt lớp vì các tia bức xạ có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Trong trường hợp này, bạn cần thông báo với bác sĩ để có thể được chỉ định làm các phương pháp thay thế khác an toàn cho thai nhi như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
5.3. Phản ứng với thuốc cản quang
Nếu người bệnh cần sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp cắt lớp thì cơ thể có thể sinh ra một vài phản ứng. Tùy mức độ nặng nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn; nặng hơn thì có thể bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, mề đay và nghiêm trọng thì sẽ xảy ra tình trạng hạ huyết áp, hen suyễn, sốc phản vệ,… Vì vậy, nếu có tiền sử dị ứng, người bệnh cần trao đổi trước với bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn này.
Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn đã có thể hiểu rõ hơn về kỹ thuật chụp cắt lớp là gì cũng như nắm được cách thức thực hiện và những điều cần lưu ý trong quá trình chụp cắt lớp. Khi có nhu cầu chụp cắt lớp, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thu được kết quả chính xác và an toàn nhất cho mình.