Viêm tai xương chũm là một bệnh lý của tai giữa, hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nếu không được chữa trị kịp thời bệnh có thể tiến triển gây biến chứng nghiêm trọng. Vậy chữa bệnh viêm tai xương chũm bằng cách nào?
Menu xem nhanh:
Viêm tai xương chũm là gì?
Viêm xương chũm là bệnh nhiễm trùng một phần của xương thái dương, xương lớn phía sau tai. Nó xảy ra khi nhiễm trùng tai giữa lây lan đến khu vực đó. Các triệu chứng bao gồm đau tai, chảy tai, nghe kém. Bệnh từng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ nhỏ. Nhưng giờ đây, nhờ có tiêm chủng và kháng sinh, thì tình trạng viêm xương chũm này trở nên hiếm gặp.

Bệnh viêm tai xương chũm cần được điều trị kịp thời hiệu quả
Tuy nhiên bạn vẫn có thể bị viêm xương chũm nếu bạn bị viêm tai giữa không được điều trị. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị viêm xương chũm nhưng ở trẻ em từ 2 tuổi trở xuống đặc biệt dễ bị bệnh hơn. Bệnh tích tổn thương tìm thấy ở xương chủ yếu là viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương làm các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá vỡ dần, các ổ mủ tập trung lại thành túi mủ, đôi khi có những khối xương mục. Lớp vỏ ngoài của xương có thể bị thủng và mủ chảy ra ngoài ngay dưới da hoặc có thể đổ vào nội sọ gây những biến chứng nguy hiểm.
Viêm tai xương chũm có nguy hiểm không?
Một trong các mối nguy hiểm của viêm tai xương chũm mạn tính là viêm tai xương chũm hồi viêm. Đây là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính, tuy nhiên, loại này ẩn chứa những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh (viêm màng não, áp-xe não, viêm tĩnh mạch bên…) nên được xếp vào loại viêm tai nguy hiểm, đây là một trong những cấp cứu của chuyên khoa tai mũi họng. Vi khuẩn gây bệnh viêm xương chũm hay gặp là tụ cầu. Viêm xương chũm thường gặp ở những trẻ bị thể trạng suy yếu như sau các nhiễm khuẩn lây truyền như sởi, sốt xuất huyết, quai bị, bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS.
Biểu hiện của viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm: bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở trẻ em. Tiền sử chảy mủ tai thối, nghe kém tăng rõ rệt. Sốt cao kéo dài, dùng thuốc hạ nhiệt không hiệu quả, thể trạng nhiễm khuẩn nặng. Chóng mặt, ù tai rõ rệt.
Soi tai: ống tai ngoài nhiều mủ thối, có vảy óng ánh khi có cholesteatoma, màng tai thủng rộng, không đều, sát thành xương, da thành sau ống tai ngoài bong ra làm cho thành sau ống tai như sập xuống, che lấp một phần màng tai (nhĩ). Viêm tai xương chũm xuất ngoại: sau tai (rãnh sau tai mất, vành tai bị đẩy ra trước). Sưng vùng thái dương, vùng trán kèm theo phù nề mi mắt. Phần trên cơ ức đòn chũm đầy, phồng.

Chữa bệnh viêm tai xương chũm như thế nào cần được thăm khám chính xác và chẩn đoán cụ thể
Chữa viêm tai xương chũm như thế nào?
Viêm tai xương chũm nếu không được điều trị hiệu quả có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc cơ bản là phát hiện sớm và điều trị đúng: trên bệnh nhân chảy mủ tai xuất hiện sốt, đau tai, nhức đầu, cần khám và xác định xem có viêm xương chũm hay không?
Điều trị nội khoa: dùng kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, giảm đau.
Trường hợp viêm tai xương chũm có màng nhĩ đóng kín, có thể cân nhắc thủ thuật chích màng nhĩ hoặc chích màng nhĩ đặt ống thông khí để dẫn lưu mủ. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn xương chũm có thể được tiến hành nếu điều trị bằng thuốc kháng sinh không hiệu quả.
Các phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm thường được áp dụng bao gồm:
– Phẫu thuật khoét rỗng xương chũm (Mastoidectomy): Đây là phương pháp phổ biến nhất, nhằm loại bỏ mô bệnh lý và tạo dẫn lưu để ngăn ngừa tái phát. Có nhiều dạng khác nhau như khoét rỗng đơn thuần, khoét rỗng tiệt căn, hoặc khoét rỗng bảo tồn thành sau ống tai.
– Phẫu thuật tạo hình tai giữa (Tympanoplasty): Thường được kết hợp với khoét rỗng xương chũm, nhằm tái tạo lại hệ thống truyền âm bị tổn thương, cải thiện thính lực cho người bệnh.
– Phẫu thuật tiệt căn xương chũm: Áp dụng trong những trường hợp nặng, khi bệnh đã lan rộng và có nguy cơ gây biến chứng nội sọ.
Chăm sóc hậu phẫu
Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi và chăm sóc cẩn thận để đảm bảo quá trình hồi phục tốt :
– Giữ vết mổ khô ráo và sạch sẽ
– Uống đầy đủ thuốc kháng sinh theo chỉ định
– Tránh để nước vào tai trong 2-3 tuần sau mổ
– Tái khám đúng lịch để bác sĩ theo dõi và lấy bấc/mèche nếu có
Điều trị hỗ trợ
Bên cạnh các phương pháp điều trị chính, một số biện pháp hỗ trợ có thể giúp cải thiện tình trạng và tăng tốc quá trình hồi phục:
– Vật lý trị liệu tai: Giúp cải thiện chức năng của ống Eustachi và thoát dịch tai giữa
– Bổ sung dinh dưỡng: Chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch
– Xông hơi: Có thể giúp giảm nghẹt mũi, cải thiện thoát dịch qua ống Eustachi
Giải pháp phòng ngừa viêm tai xương chũm là gì?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm tai xương chũm:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
- Điều trị triệt để viêm tai giữa cấp tính để ngăn ngừa biến chứng viêm xương chũm;
- Điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi xoang;
- Tiêm vắc-xin phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi phế cầu khuẩn, cúm theo lịch tiêm chủng;
- Tránh đưa các vật lạ vào tai, không tự ngoáy tai bằng tăm bông quá sâu;
- Giữ tai khô ráo, đặc biệt sau khi tắm hoặc bơi lội;
- Tránh hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc;
- Tăng cường hệ miễn dịch thông qua chế độ ăn uống cân bằng và luyện tập thể dục đều đặn;
- Đặc biệt chú ý đến trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi – nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Cần đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Đau tai dữ dội, đặc biệt là khi kèm theo sốt cao;
- Chảy dịch mủ từ tai có mùi hôi;
- Sưng đỏ vùng sau tai hoặc vành tai bị đẩy ra phía trước;
- Giảm thính lực đột ngột;
- Chóng mặt, mất thăng bằng;
- Đau đầu dữ dội kèm theo các triệu chứng tai;
- Cứng cổ, buồn nôn và nôn (có thể là dấu hiệu của biến chứng nội sọ).
Viêm tai xương chũm là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm, đặc biệt ở trẻ em. Với sự phát triển của y học hiện đại, việc điều trị bệnh đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh. Việc quan tâm đến sức khỏe tai mũi họng, đặc biệt là điều trị triệt để các đợt viêm tai giữa cấp tính là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa viêm tai xương chũm và các biến chứng nguy hiểm của nó.