Bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa ngày càng tăng cao và để lại di chứng vô cùng nặng nề. Chích ngừa vaccine không những mang lại độ hiệu quả cao mà còn đảm bảo độ an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ em. Có 5 bệnh tiêu hóa mà bạn hoàn toàn chủ động tiêm ngừa từ sớm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Gia tăng các bệnh tiêu hóa hiện nay
Các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa rất đa dạng và phổ biến. Có thể kể đến như: tiêu chảy cấp Rotavirus, tả, thương hàn, viêm ruột,…Các virus, vi khuẩn gây bệnh thường tồn tại trong nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc nơi áp dụng biện pháp khử trùng không đảm bảo. Khi chúng xâm nhập vào cơ thể thì sẽ làm tổn thương các cơ quan bên trong cơ thể hoặc tiết ra các độc tố gây bệnh cho con người.
Các bệnh này có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng và qua các con đường sau:
– Thực phẩm ôi thiu, bị nhiễm mầm bệnh có tác nhân giun, sán,…
– Sử dụng chung bát ăn, thìa, đũa, cốc nước,… với người bị nhiễm bệnh.
– Không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Uống nước lã, chưa đun sôi.
Để phòng ngừa thì tiêm phòng là biện pháp hiệu quả và an toàn để gây miễn dịch đặc hiệu. Bên cạnh đó kết hợp với giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và chủ động thăm khám nếu nghi ngờ có triệu chứng bất thường xuất hiện.
2. 5 bệnh tiêu hóa được ngăn nhờ chích ngừa vaccine
2.1. Tiêu chảy cấp do Rotavirus
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước, trên các bề mặt tiếp xúc như bàn ghế, đồ chơi, trên da,… Khi trẻ vô tình cầm nắm hay chạm vào bề mặt có virus rồi đưa lên miệng thì virus sẽ xâm nhập vào hệ tiêu hóa còn non nớt, gây tiêu chảy và mất nước. Nguy cấp hơn là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc triệu với tiêu chảy cấp do Rotavirus. Vì vậy, chích ngừa vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe khỏi sự tấn công của bệnh tật. Tiêm phòng vaccine từ sớm đem lại hiệu quả phòng bệnh đến 85%, chống lại gần 72% tình trạng viêm dạ dày ruột do Rotavirus.
Vaccine phòng bệnh này chủ yếu là dạng uống, đến từ nhiều nước khác nhau như:
– Vaccine Rotarix của Bỉ.
– Rotavin M1 của Việt Nam.
– Rotateq của Mỹ.
Với vaccine của Bỉ và Việt Nam thì được chỉ định uống từ 6 – 24 tuần tuổi với lịch 2 liều. Còn với vaccine của Mỹ thì được chỉ định ở trẻ từ 7,5 – 32 tuần tuổi với lịch uống 3 liều.
2.2. Thương hàn – Phòng bệnh sớm bằng chích ngừa vaccine
Bệnh thương hàn lây lan khi ăn phải thức ăn hay uống nước bị nhiễm phân người có chứa vi khuẩn. Nếu không phát hiện sớm bệnh ngày càng tiến triển nặng với các triệu chứng như:
– Sốt cao kéo dài.
– Mệt mỏi.
– Kém ăn.
– Đau đầu.
– Nôn khan.
– Táo bón.
– Loét thanh mạc.
– Thủng ruột.
Hậu quả nặng nhất mà bệnh gây ra là tử vong. Do đó, đây là bệnh truyền nhiễm không thể chủ quan mà cần chủ động phòng ngừa càng sớm càng tốt. Cách hiệu quả nhất là chích ngừa vaccine để thiết lập rào chắn ngăn vi khuẩn xâm nhập và tấn công. Hiện có hai loại vaccine thương hàn là Typhim Vi cùa Pháp và Typhoid của Việt Nam, được chỉ định cho trẻ 2 tuổi và người lớn.
2.3. Viêm gan A
Viêm gan A là bệnh gây nên bởi virus viêm gan A. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc với chất thải, tiếp xúc với đồ dùng nhiễm khuẩn từ người bệnh, không ăn chín, uống sôi. Vì thế, nếu sinh sống và làm việc trong môi trường nước bị ô nhiễm, chất thải không được xử lý có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Một số người nhiễm virus viêm gan A không có triệu chứng. Thường virus viêm gan A có trong gan từ 2 đến 3 tuần trước khi bộc lộ triệu chứng. Khi xuất hiện thì dễ nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm cúm đường ruột. Nổi bật là:
– Mệt mỏi.
– Chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng nhẹ, tiêu chảy, táo bón,…
– Sốt nhẹ.
– Ngứa da, mụn nhọt.
– Nước tiểu có màu vàng.
Bệnh viêm gan A gây biến chứng nguy hiểm như suy gan, viêm tụy cấp,… Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh này. Vì thế, bên cạnh giữ vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh môi trường thì tiêm vaccine cũng rất quan trọng. Khi bạn tiêm đủ liều sẽ bảo vệ cơ thể chống lại virus hiệu quả.
2.4. Bại liệt
Bệnh bại liệt là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do virus Polio gây nên. Sau khi vào cơ thể, virus sẽ xâm nhập hệ thống thần kinh trung ương gây nên tổn thương các tế bào sừng trước tủy sống và các tế bào thần kinh vận động. Nặng nhất là di chứng liệt không phục hồi suốt đời hoặc tử vong.
Chích ngừa vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động đạt hiệu quả cao. Hiện nay đang thực hiện rộng rãi cả 2 loại gồm:
– Vaccine bằng đường uống.
– Vaccine bằng đường tiêm.
2.5. Tả có thể dự phòng với chích ngừa vaccine sớm
Bệnh tả cũng được xếp vào danh sách bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh do phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae gây ra và lây qua các đường sau:
– Đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân động vật hoặc người.
– Thực phẩm nhiễm bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản không vệ sinh.
– Từ ruồi, nhặng nhiễm phẩy khuẩn tả.
Nếu nhiễm bệnh, người bệnh sẽ có biểu hiện sau:
– Nôn.
– Tiêu chảy.
– Mệt lả, chuột rút vì cơ thể mất nước và điện giải.
Vaccine tả giảm 90% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy vừa và nặng ở người sau 10 ngày kể từ ngày tiêm và 80% sau 3 tháng sau khi tiêm. Tại Việt Nam, vaccine tả mORCVAX (Việt Nam) được khuyến cáo tiêm cho những vùng có nguy cơ dịch tả và người có nguy cơ cao. Đối tượng tiêm là trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Lịch uống vaccine tả gồm 2 liều cách nhau tối thiểu 2 tuần.
Trên đây là 5 bệnh lây nhiễm đường tiêu hóa hoàn toàn ngăn ngừa bằng cách chích ngừa vaccine từ sớm. Hãy chủ động bảo vệ bản thân cũng như người thân trong gia đình khỏi sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh. Mỗi người chủ động tiêm phòng đã góp phần tạo nên một cộng đồng miễn dịch toàn diện, giúp an tâm làm việc và sinh hoạt mỗi ngày.