Nếu bạn thấy có biểu hiện đau ê ẩm vùng cột sống lưng, đau lan dọc xuống chân thì rất có thể đó là biểu hiện của chứng đau dây thần kinh tọa. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết các dấu hiệu nhận biết, cách chẩn đoán và chữa đau dây thần kinh tọa.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa được đặc trưng bởi cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa: đau tại cột sống lưng (vùng thắt lưng) sau đó lan dọc xuống chân, đôi khi chỉ đau xuống tới mông, đùi, nhưng cũng có khi lan tận xuống dưới bàn chân.
Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà các biểu hiện trên lâm sàng của người bị đau dây thần kinh tọa có thể khác nhau như:
– Đau rễ thần kinh L5: đau vùng hông lan đến phần giữa của mông, phía sau và bên của đùi, mặt ngoài của cẳng chân, mặt mu của bàn chân, tận cùng là ngón chân cái và 3 ngón giữa.
– Đau rễ thần kinh S1: đau vùng hông lưng lan đến phần giữa của mông, mặt sau của đùi, mặt sau cẳng chân (bắp chân), gót chân, gan bàn chân và tận cùng là ngón chân út (ngón 5 của bàn chân).
Cơn đau có thể liên tục hoặc từng cơn. Đau giảm khi nghỉ ngơi và đau tăng lên khi đi lại nhiều, ho, hắt hơi, đại tiểu tiện. Nói về mức độ đau thì còn tùy thuộc vào cảm nhận của từng người, đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội không chịu được.
Đau có thể kèm theo một số cảm giác như dị cảm, tê bì, kiến bò, kim châm. Nếu nặng người bệnh có thể không đi được bằng gót, teo nhóm cơ cẳng chân trước và các cơ mu chân, phản xạ gót chân giảm hoặc mất, teo cơ bắp chân và gan bàn chân.
2. Chẩn đoán đau dây thần kinh tọa
Dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng thăm khám trên lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng để cho kết quả chính xác. Đánh giá mức độ bệnh, cũng như loại trừ một số bệnh lý khác có liên quan hoặc cũng có triệu chứng tương tự.
Cụ thể như:
– Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa: thông thường chỉ thay đổi trong bệnh lý toàn thân hoặc viêm nhiễm, ác tính. Không có thay đổi các bệnh lý thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắc lưng, hẹp ống sống thắt lưng… chủ yếu loại trừ nguyên nhân xương. Bệnh lý đĩa đệm: gợi ý khi hẹp đĩa đệm ở phim thẳng thì đĩa đệm hẹp ở bên lành còn phim nghiêng thì đĩa đệm hở về phía sau.
– Chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng: có giá trị nhất trong chẩn đoán xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, dạng tổn thương, vị trí kích thước khối thoát vị…. đặc biệt phát hiện các nguyên nhân hiếm gặp khác như u, viêm nhiễm….
– Điện cơ: Phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng để đưa ra chỉ định xét nghiệm cần thiết.
Chẩn đoán nguyên nhân: Chia thành 3 nhóm
– Đau thần kinh tọa do các bệnh lý cột sống ảnh hưởng đến rễ thần kinh: Thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, chấn thương.
– Nguyên nhân do u.
– Nguyên nhân viêm nhiễm.
3. Chữa đau dây thần kinh tọa
3.1 Chữa đau dây thần kinh tọa bằng phương pháp nội khoa
Sử dụng thuốc là chỉ định đầu tiên của các bác sĩ trong hầu hết các trường hợp đau dây thần kinh tọa đến khám, nhằm mục tiêu bảo tồn, tránh xâm lấn.
Các loại thuốc được sử dụng như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, các vitamin nhóm B, tiêm Glucocorticoid cạnh sống.
Bên cạnh đó, một số người có thể không lựa chọn điều trị theo tây y mà dùng thuốc đông y. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc đông y bạn cần phải tham khảo thật kỹ, rõ ràng về nguồn gốc, hiệu quả, các biến chứng có thể xảy ra rồi mới nên sử dụng.
Nghỉ ngơi, thư giãn: nên nằm giường cứng, tránh các cử động mạnh, không mang xách nặng, hạn chế đứng lâu hoặc ngồi lâu.
Vật lý trị liệu: bên cạnh việc sử dụng thuốc và chế độ tập luyện nghỉ ngơi thư giãn thì các phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp hỗ trợ điều trị chứng đau dây thần kinh tọa. Các phương pháp có thể kể đến như massage, kéo dãn cột sống, ấn cột sống, … sẽ hỗ trợ làm giảm tình trạng đau cho bệnh nhân.
3.2 Chữa đau dây thần kinh tọa bằng các thủ thuật xâm lấn và dùng thuốc
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa và tình hình sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ đề xuất áp dụng một số thủ thuật xâm lấn tối thiểu như sau:
– Chọc kim qua da: đưa kim chọc tới trung tâm đĩa đệm để làm tiêu nhân nhầy đĩa đệm, qua đó làm giảm áp lực chèn ép của khối thoát vị lên rễ thần kinh. Trường hợp này thường áp dụng với người bị đau dây thần kinh tọa do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm và khối thoát vị ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, chưa rách vòng xơ và khối thoát vị chưa lọt qua dây chằng dọc sau.
– Hủy nhân nhầy đĩa đệm bằng tiêm chất chymopapain, sử dụng sóng cao tần, kĩ thuật giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da.
Kết hợp với dùng thuốc để điều trị.
3.3 Chữa đau dây thần kinh tọa bằng phẫu thuật (ngoại khoa)
Chỉ định phẫu thuật thường được áp dụng khi áp dụng phương pháp điều trị nội khoa để bảo tồn nhưng thất bại (các trường hợp điều trị nội khoa trên 8 tuần mà không có hiệu quả).
Thường được chỉ định với những trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng như: hội chứng chùm đuôi ngựa, đau – hẹp ống sống nặng, liệt chi dưới, mất cảm giác vùng tầng sinh môn,…
Hiện nay, với kỹ thuật mổ nội soi ít xâm lấn được áp dụng ngày càng nhiều hạn chế được các tổn thương tổ chức, giảm nguy cơ xơ hóa sau phẫu thuật, khả năng hồi phục nhanh,… Điều trị phẫu thuật cho tỷ lệ thành công khá cao.
Triệu chứng đau rễ thần kinh thường biến mất sau khi mổ, tuy nhiên triệu chứng đau thắt lưng có thể tồn tại kéo dài. Đau dây thần kinh tọa do viêm nhiễm thì tùy theo viêm do vi trùng, do lao, do ký sinh trùng mà có chỉ định phù hợp. Các trường hợp đau dây thần kinh tọa do u thần kinh, ung thư,… phải hội chẩn các chuyên khoa liên quan để có biện pháp điều trị phù hợp.