Thời tiết thay đổi thất thường cùng với độ ẩm tăng cao đang là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut phát triển và gây bệnh. Trẻ em luôn là đối tượng dễ nhiễm virut đường hô hấp do sức đề kháng của cơ thể trẻ còn non yếu. Vậy chăm sóc trẻ khi bị nhiễm virut đường hô hấp như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Vì sao trẻ bị nhiễm virut đường hô hấp?
Theo các chuyên gia Hô hấp, tác nhân làm cho trẻ bị viêm đường hô hấp thường là do các virut, đứng hàng đầu là virut hợp bào hô hấp (VRS), chiếm 30 – 50% trường hợp mắc bệnh.
Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm, sởi thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ.
Những trẻ từng bị ốm trước đó như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA… đều có nguy cơ dễ bị viêm phế quản. Các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản.
Các bậc cha mẹ không được chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao, tím tái, thậm chí ngừng thở. Lúc này, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng phương pháp, hiệu quả cao.
2. Chăm sóc trẻ khi bị nhiễm virut đường hô hấp
Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh cho trẻ, các bậc cha mẹ nên có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý khi bị nhiễm virut đường hô hấp.
Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng (biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa), không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà.
Lúc này cần tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn.
Các mẹ có thể nhỏ mũi với 2 – 3 giọt nước muối sinh lý, sau đó làm sạch mũi cho trẻ.
Ngoài ra, cần cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn.
Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng, cần cho trẻ nhập viện để điều trị. Cha mẹ không nên tự ý cho bé dùng thuốc kháng sinh vì có thể khiến tình trạng bệnh của bé nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Đối với những trường hợp trẻ chưa bị nhiễm virut đường hô hấp, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành. Nên tăng cường dinh dưỡng cho trẻ qua chế độ ăn uống hàng ngày và vệ sinh răng miệng cho bé đúng cách. Đồng thời khuyến khích trẻ vận động thể dục thể thao nhằm tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa các tác nhân xấu ngoài môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe.