Chăm sóc bé mọc răng hàm là quy trình không kém phần quan trọng giúp trẻ có một hàm răng khỏe mạnh. Trong thời gian này, bé sẽ có những biểu hiện như sốt, quấy khóc khiến cha mẹ lo lắng. Đừng hoảng loạn và hãy làm theo những lưu ý dưới đây. Các phương pháp này sẽ hướng dẫn các bậc phụ huynh chăm sóc con trong giai đoạn mọc răng một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Menu xem nhanh:
1. Thời điểm mọc răng hàm của bé
Vào giai đoạn 6 tháng tuổi, thông thường chúng ta sẽ đón chào sự “nảy mầm” của những chiếc răng sữa. Cho tới khi 2-3 tuổi, hàm răng với 20 chiếc nhỏ xinh sẽ được hoàn thiện. Trong đó, sự góp mặt đầu tiên sẽ là 4 chiếc răng cửa. Tiếp đến là lần lượt những chiếc tiếp theo trong thời gian bé từ 7-10 tháng tuổi. Và chào đón 4 chiếc răng hàm đầu tiên là thời điểm từ 12-16 tháng tuổi. Cuối cùng, vào khoảng 30 tháng tuổi, 4 chiếc răng hàm còn lại cũng sẽ bắt đầu hành trình của mình.
Trên đây là trình tự mọc răng cơ bản của các bé chứ không phải hoàn toàn. Trên thực tế, vẫn có những trường hợp sai lệch thời gian từ 3-4 tháng hoặc thậm chí là lâu hơn. Điều này là phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng như kích thước răng.
Trong đó, thời điểm mọc răng hàm được coi là khá quan trọng. Nhiệm vụ của những chiếc răng này chính là hỗ trợ khả năng ăn, nhai của trẻ. Từ đó, việc tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn cho trẻ cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, răng hàm còn có vai trò tạo định hướng vị trí cho những chiếc răng mọc vĩnh viễn khác.
2. Những biểu hiện bé mọc răng hàm
2.1 Trẻ bị sốt
Sốt nhẹ là hiện tượng thường thấy ở trẻ khi vào giai đoạn mọc răng hàm.Điều này có thể lý giải là do khi răng mọc đã kích thích mô nướu. Trùng hợp, đây cũng thường là thời điểm kháng thể mẹ truyền cho con khi mới sinh đã hết. Điều này khiến hệ miễn dịch của trẻ bắt đầu phản ứng với các thay đổi. Tuy nhiên, biểu hiện này không cần quá lo lắng. Trẻ mọc răng hàm sẽ thường sốt trong khoảng 37.5-38 độ C và kéo dài từ 1-2 ngày.
2.2 Trẻ bị sưng lợi
Khi những chiếc răng hàm mọc lên đã khiến phần nô nướu chịu kích thích. Điều này gây ra hiện tượng bị sưng và tấy đỏ khiến trẻ bị đau và khó chịu. Vì vậy trong thời gian này, cha mẹ sẽ nhận thấy trẻ quấy khóc hơn bình thường. Kéo theo đó là một vài ảnh hưởng như khiến trẻ thấy mệt mỏi, ngủ không ngon, biếng ăn.
2.3 Trẻ chảy nhiều nước dãi
Chảy nhiều nước dãi cũng là biểu hiện thông thường ở trẻ nhỏ khi mọc răng. Tình trạng nước dãi tiết ra nhiều, liên tục tạo môi trường quanh miệng ẩm ướt. Đây chính là cơ hội tốt để vi khuẩn xấu xâm nhập gây mẩn đỏ và ngứa rát. Tuy nhiên, bố mẹ đừng quá lo lắng về tình trạng này. Tần suất diễn ra của nó sẽ giảm dần và kết thúc hẳn khi bé bắt đầu giai đoạn thay răng vĩnh viễn.
2.4 Trẻ thích cắn đồ
Hiện tượng bé thích cắn đồ, cắn núm vú giả là không thể tránh trong giai đoạn này. Điều đó bắt nguồn từ việc những chiếc răng nhú lên khỏi nướu gây cảm giác bứt rứt, ngứa lợi. Để giảm cảm giác ấy, trẻ sẽ lấy các đồ vật xung quanh đưa vào miệng cắn. Vì vậy, cha mẹ hãy lưu ý không để các đồ vật nguy hiểm, sắc nhọn trong tầm tay của trẻ để tránh gây tổn thương.
3. Những lưu ý khi chăm sóc bé mọc răng hàm
3.1 Giúp bé giảm sốt
Như đã nói, trong thời gian mọc răng hàm, trẻ sẽ có hiện tượng sốt từ 37.5-38 độ C. Không cần phải đưa tới bệnh viện, cha mẹ hoàn toàn có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tại nhà.
Đầu tiên, hãy hạ sốt cho trẻ bằng khăn ướt sạch, ấm, vắt khô đặt lên trán trẻ. Sau khoảng 5-10 phút, cha mẹ hãy thay khăn một lần. Thực hiện liên tục, hành động này sẽ giúp trẻ giảm sốt sau vài giờ. Đồng thời, hãy sử dụng khăn ấm, lau người cho trẻ ở vùng cổ và dưới cánh tay. Lưu ý, tránh đắp chăn cho trẻ quá kín trong thời điểm này vì dễ gây ủ nhiệt.
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao trên 38 độ C, cha mẹ đã áp dụng các phương pháp trên nhưng đều không có hiệu quả. Như vậy, rất có khả năng trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh. Cha mẹ hãy đưa bé đến các cơ sở y tế để được kiểm tra.
3.2 Phương pháp vệ sinh răng miệng phù hợp
Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ chính là tiền đề giúp con có một hàm răng khỏe mạnh trong tương lai. Một vài phương pháp cơ bản cha mẹ có thể áp dụng như: đeo yếm cho bé, thường xuyên dùng khăn sạch lau nước dãi cho bé, cho bé sử dụng ti giả,…
Đặc biệt, trong giai đoạn mọc răng hàm, cha mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng. Sử dụng bàn chải và kem đánh răng trong thời điểm này chưa thật sự cần thiết bởi nếu không cẩn thận dễ gây ra những tổn thương. Thay vào đó, hãy cho bé sử dụng nước muối loãng ấm súc miệng.
3.3 Chăm sóc bé mọc răng hàm với những bữa ăn khoa học
Một bữa ăn khoa học cho bé đang mọc răng hàm hàm cần đảm bảo 2 tiêu chí. Đó là nhóm thức ăn cùng khẩu phần phù hợp.
Về nhóm thức ăn, hãy ưu tiên những món ăn có độ mềm và dễ nuốt. Điều này giúp thức ăn trong miệng tránh tác động nhiều tới vùng nướu gây cảm giác khó chịu.
Khi bé mọc răng hàm, các cha mẹ thường có xu hướng ép bé ăn. Đây là phương pháp hoàn toàn không nên. Thay vào đó, việc chia nhỏ các bữa ăn sẽ có ích hơn nhiều. Điều này giúp trẻ không phải ăn quá nhiều một lúc, tránh gây ra tình trạng khó nuốt hay quá no.
3.4 Phương pháp massage cho bé
Để giảm cảm giác khó chịu cho bé, massage cũng là một cách được khuyên dùng. Cách thực hiện khá đơn giản với động tác xoa nhẹ quanh vùng má. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này, các cha mẹ hãy nhớ làm sạch tay của mình trước tiên để tránh tình trạng vi khuẩn xâm nhập.
Trên đây là một vài phương pháp giúp cha mẹ trong thời kỳ bé mọc răng hàm. Bên cạnh việc theo dõi và chăm sóc tại nhà, các bậc phụ huynh cũng cần nhớ đưa trẻ đi khám răng định kỳ để được kiểm tra và tư vấn kỹ lưỡng.