Cắt bỏ tử cung là phẫu thuật khá phổ biến ở phụ nữ mãn kinh và đôi khi cũng gặp ở người trẻ tuổi. Dưới đây là một vài điều bạn nên biết về việc cắt bỏ tử cung.
Menu xem nhanh:
Cắt bỏ tử cung, vì sao?
Có rất nhiều lý do để bác sĩ chỉ định cần phải cắt bỏ tử cung. Và điều này cần phải được chẩn đoán chính xác từ bác sĩ. Đa phần những người phụ nữ được chỉ định cắt bỏ tử cung là do:
– Xuất huyết âm đạo quá mức dẫn tới thiếu máu và không thể khắc phục được.
– Vỡ tử cung trong khi sinh hoặc do gặp chấn thương đủ nặng để gây trở ngại cho chức năng ruột và bàng quang.
– U xơ tử cung.
– Sa tử cung.
– Lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng.
– Nhiễm trùng tử cung.
– Viêm vùng chậu hoặc sự phát triển của khối u ung ở các cơ quan trong khung chậu.
Phụ nữ muốn vĩnh viễn không thể có con cũng có thể lựa chọn cắt bỏ tử cung ngay khi còn trẻ.
Các phương pháp cắt bỏ tử cung
Cắt bỏ tử cung thường được các bác sĩ chỉ định khi tổn thương ở phần tử cung gây nguy hiểm đến tính mạng cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp cắt tử cung tùy theo điều kiện sức khỏe cũng như vùng tổn thương của bạn. Cắt bỏ tử cung là cuộc đại phẫu thuật bao gồm cắt bỏ hoàn toàn tử cung hoặc cắt bỏ một phần tử cung.
– Cắt bỏ tử cung hoàn toàn bao gồm việc loại bỏ các ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung cùng với buồng trứng.
– Cắt bỏ một phần tử tức là chỉ cắt bỏ tử cung, để lại cổ tử cung. Đôi khi việc cắt bỏ không hoàn toàn cũng cần cắt bỏ phần phụ (một hay cả hai buồng trứng).
Cắt bỏ tử cung có thể ảnh hưởng đến buồng trứng
Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng ở cơ thể người phụ nữ. Vì thế, cắt bỏ tử cung sẽ tác động trực tiếp đến buồng trứng của chị em. Khi một người phụ nữ dưới độ tuổi mãn kinh, trong quá trình cắt tử cung thì buồng trứng thường có khả năng không bị loại bỏ, trừ khi bị chẩn đoán có tế bào ung thư đang phát triển hoặc một người phụ nữ đó có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Các biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật
Khi cắt bỏ tử cung, chị em có thể sẽ phải đối diện với một số rủi ro như:
– Nhiễm trùng vết thương
– Chảy máu quá nhiều
– Bàng quang bị tổn thương.
– Tụ máu ở chân
– Chấn thương ruột hoặc vỡ mạch máu…
Chăm sóc hậu phẫu
Sau khi cắt bỏ tử cung, chị em nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời thực hiện đầy đủ những thao tác chăm sóc hậu phẫu. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước để tránh táo bón và tạo cho mình thói quen tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ để phục hồi nhanh chóng.