Tăng nhãn áp là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Bệnh thường gặp ở người bước vào độ tuổi trung niên nhưng vẫn có thể gặp ở những người trẻ tuổi. Tăng nhãn áp đem đến các biến chứng nguy hiểm trong đó có mù lòa. Vì vậy, hãy trang bị kiến thức về bệnh, triệu chứng của tăng nhãn áp để có thể nhận biết và có cách xử trí kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về khái niệm bệnh tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp glocom là tình trạng áp suất trong nhãn cầu tăng cao khiến tế bào thần kinh thị giác bị tổn thương, bệnh có thể tiến triển mạn tính, gây tổn hại thị trường. Dây thần kinh thị giác có vai trò truyền tín hiệu hình ảnh từ võng mạc về não để nhận biết hình ảnh. Khi tăng nhãn áp, các dây thần kinh này bị tổn thương ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực. Người mắc tăng nhãn áp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ mất thị lực hoàn toàn.
Bệnh tăng nhãn áp được chia thành 2 nhóm chính:
– Glocom nguyên phát: glocom góc đóng nguyên phát và glocome góc mở nguyên phát
– Glocom thứ phát: xuất hiện do chấn thương, viêm màng bồ đào,…
Trong đó, glocom góc đóng nguyên phát rất phổ biến ở Việt Nam và nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi biến chứng cũng như ảnh hưởng nặng nề của nó với bệnh nhân. Bệnh glocom ở một số trường hợp được coi là cấp cứu nhãn khoa bởi nếu không được điều trị kịp thời, sẽ không có phương pháp nào giúp bảo tồn hay lấy lại thị lực cho người bệnh. Vì vậy, hãy để ý tới các bất thường ở mắt và tìm hiểu những triệu chứng của tăng nhãn áp để luôn chủ động trong mọi trường hợp.
2. Triệu chứng của tăng nhãn áp thường gặp
Glocom được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm, thể bệnh sẽ có biểu hiện bệnh khác nhau:
2.1. Triệu chứng glocom góc đóng
– Glocom góc đóng cơn gấp: đây là thể bệnh đem đến nhiều triệu chứng khó chịu nhất. Bệnh nhân có các biểu hiện như: đau nhức mắt dữ dội lan lên vùng đỉnh đầu; nhãn cầu bệnh nhân bị căng cứng và ngày càng khó chịu theo thời gian; mắt đỏ, mi mắt phù nề, người bệnh sợ ánh sáng; thị lực giảm sút nghiêm trọng, nhìn mờ như màn sương thậm chí người bệnh bị mất thị lực hoàn toàn. Người bệnh có thể có các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, tiêu chảy,…
– Glocom góc đóng bán cấp: ở thể bệnh này, bệnh nhân cũng gặp các triệu chứng tương tự như glocom góc đóng cơn cấp. Tuy nhiên, các dấu hiệu không quá dữ dội, ở mức nhẹ hơn, tần suất ít hơn nhưng tăng dần theo thời gian.
– Glocom góc đóng mạn tính: thể bệnh này khá hiếm gặp
Nhiều bệnh nhân có gặp các triệu chứng nhưng lại không đi khám ngay nếu triệu chứng không dữ dội. Nhiều bệnh nhân chủ quan khi gặp các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, tiêu chảy,… Việc đi khám muộn có thể gia tăng nguy cơ gặp biến chứng cũng như giảm tỷ lệ điều trị bệnh thành công.
2.2. Triệu chứng glocom góc mở
Mặc dù không có triệu chứng dữ dội nhưng glocom góc mở lại nguy hiểm bởi âm thầm tiến triển nặng mà người bệnh không biết. Khi người bệnh phát hiện ra thì bệnh đã tiến đến giai đoạn nặng, thị lực đã suy giảm nghiêm trọng. Khác với glocom góc đóng, glocom góc mở không đem đến các dấu hiệu đau nhức. Bệnh nhân có thể cảm thấy căng nhức mắt nhưng chỉ thoáng qua. Về thị lực, bệnh nhân nhìn mờ thoáng qua, có các quầng sáng màu xanh, vàng, đỏ. Các dấu hiệu chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nên hầu hết các bệnh nhân chủ quan và không đi khám ngay.
3. Điều trị bệnh kịp thời
3.1. Chẩn đoán bệnh
Bệnh glocom có thể được chẩn đoán bằng các phương pháp:
– Đánh giá thị lực bệnh nhân: các bác sĩ tiến hành kiểm tra thị lực bệnh nhân, đánh giá mức độ mất thị lực
– Soi góc tiền phòng
– Đo nhãn áp: đây là kỹ thuật đo áp lực nội nhãn, đây là một phần việc khi thực hiện khám mắt giúp phát hiện nhanh dấu hiệu tăng nhãn áp
– Đo thị trường: bệnh tăng nhãn áp gây tổn hại thị trường, do đó, đo thị trường là điều cần làm khi chẩn đoán bệnh. Đo thị trường giúp phát hiện thị lực ngoại vi đang dần mất do tăng nhãn áp. Thị lực ngoại vi là khả năng nhìn không gian xung quanh mà không cần đảo mắt.
– Soi đáy mắt
3.2. Điều trị bệnh tăng nhãn áp kịp thời bảo tồn thị lực
3.2.1. Đối với glocom góc đóng cơn gấp:
Đây là một cấp cứu nhãn khoa, cần được điều trị kịp thời giúp hạ nhãn áp, giảm đau cho bệnh nhân. Từ đó hướng đến mục tiêu bảo tồn thị lực.
– Tra thuốc tại mắt
– Uống thuốc Acetazolamid 0,25 g. Nếu bệnh nhân không uống được thì có thể tiến hành tiêm thuốc
Các phương pháp điều trị cần được thực hiện và theo dõi bởi các bác sĩ nhãn khoa. Việc dùng thuốc điều trị chỉ giúp giảm trạng thái đau, hạ nhãn áp tạm thời, bệnh nhân vẫn cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Bệnh nhân có thể được phẫu thuật bằng một trong 3 phương pháp:
– Cắt bè củng giác mạc: thực hiện phương pháp này với mục đích tạo một đường từ tiền phòng vào khoang dưới kết mạc. Hậu phẫu bệnh nhân cần tuân thủ thực hiện các hướng dẫn dùng thuốc, tra thuốc mắt của bác sĩ. Bên cạnh đó cần tái khám để kiểm tra mắt định kỳ.
– Cấy ghép ống thoát thủy dịch: bác sĩ dùng một chiếc ống với vai trò ống thoát thủy dịch và cấy vào mắt bệnh nhân. Hậu phẫu có thể gây nên một số khó chịu nhất định cho bệnh nhân.
– Laser: bác sĩ dùng tia laser chiếu vào khu vực thoát thủy dịch, tạo các lỗ nhỏ để thủy dịch thoát ra ngoài. Phương pháp này được thực hiện trong thời gian ngắn, được ghi nhận đem lại hiệu quả cao, ít biến chứng. Việc sử dụng laser điều trị bệnh glocom được coi là tiến bộ lớn
3.2.2. Đối với glocom góc mở
Bác sĩ kê một số loại thuốc nhằm mục đích hạ nhãn áp, bảo tồn nhãn cầu, giảm mức độ nguy hại xuống thấp nhất có thể.
Sau khi điều trị tăng nhãn áp, bệnh vẫn có thể tiến triển âm ỉ và bệnh nhân vẫn có nguy cơ mù lòa. Do vậy, bệnh nhân cần tái khám và khám mắt định kỳ để bảo tồn thị lực, kiểm soát bệnh biến chứng ngay khi gặp các triệu chứng. Thu Cúc TCI đồng hành cùng bạn, chăm sóc sức khỏe trọn đời, giữ gìn đôi mắt sáng khỏe.