Cẩn trọng những sai lầm thường gặp khi bị hóc xương

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, bác sĩ

Đỗ Thị Nghiệp

Bác sĩ Tai mũi họng

Khi bị hóc xương, chúng ta thường thực hiện nhiều cách nhằm xương được nuốt trôi hoặc ra theo đường miệng. Đôi khi chúng có vẻ hiệu quả, đôi khi thì không. Và trong những phương pháp đó, có nhiều hành động sai lầm mà chúng ta không biết.

1. Những sai lầm dễ mắc phải khi bị hóc xương

Có rất nhiều sai lầm mà chúng ta không hề hay biết trong việc xử lý hóc xương. Đó cũng là lý do dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng với sức khỏe mà nhiều người gặp phải.

tình huống khi bị hóc xương

Nhiều cách thực hiện sai lầm dẫn đến hệ quả nghiêm trọng khi bị hóc xương

1.1. Dùng tay móc họng

Nhiều người dựa vào vị trí đau tức trong cổ họng để “ước chừng” vị trí xương hóc và quyết định tự móc xương ra. Không chỉ thế, trong phản xạ chữa hóc với người khác, nhất là với trẻ em, nhiều người vẫn sử dụng thói quen này. Bởi, họ cho rằng, xương vừa nuốt và gây hóc chưa trôi xuống sâu khu vực hầu họng, nên có thể móc xương ra nếu phản ứng nhanh.

Tuy nhiên, đây là cách mà các bác sĩ tai mũi họng luôn cảnh báo và khuyến cáo không sử dụng. Theo các bác sĩ, việc móc xương như vậy không những có thể vô ích, không đạt hiệu quả lấy xương ra, mà ngón tay của người móc còn có thể vô tình đụng trúng, đẩy xương vào sâu hơn hoặc gây những tổn thương nặng hơn cho người bệnh.

Có nhiều trường hợp dùng tay móc xương ra, xương không những không ra mà trong quá trình lấy xương, xương hóc cắm vào mạch máu (do thực quản nằm sát mạch máu lớn từ tim ra). Mạch máu thủng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tử vong. Trong trường hợp ít nguy hiểm hơn, những vấn đề viêm nhiễm do vết thương mà cương để lại cũng là nguy cơ lớn dẫn đến bệnh hô hấp mà chúng ta cần chú ý.

khám khi bị hóc xương

Việc chữa hóc sai lầm có thể để lại nhiều hậu quả

1.2. Dùng các mẹo để xương trôi vào

Thói quen chung của nhiều người khi chữa hóc là sẽ tìm các cách, mẹo để nuốt xương vào. Thế nhưng, dị vật họng được các bác sĩ cảnh báo là có thể trở thành dị vật đường thở hoặc dị vật đường tiêu hóa.

Rất nhiều trường hợp dị vật họng miệng rơi vào khu vực đường thở (thanh quản – phế quản), che mất khu vực lỗ thở hoặc gây áp xe tại các vị trí làm chèn ép lỗ thở, dẫn đến tình trạng khó thở, ngạt thở, thậm chí là tắc thở nguy hiểm đến tính mạng. Một số trường hợp nhẹ hơn, dị vật gây vấn đề nhiễm trùng, hoại tử mô, viêm nhiễm hệ hô hấp như: viêm dây thanh, áp xe thanh phế quản, viêm phổi, xẹp phổi,… cũng rất nguy hiểm.

Một số bệnh nhân cố ăn những thứ như cùi bưởi, cơm nóng,… và cố đau nuốt chửng để xương hóc bị cuốn theo xuống dạ dày. Thế nhưng, biến chứng có thể đến ngay sau đó với tình trạng khối xơ tắc tại ruột non, xương đâm vào các cơ quan tiêu hóa, gây hoại tử, viêm phúc mạc, chảy máu thành ruột,… và nếu không phẫu thuật cấp cứu gấp sẽ dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia cảnh báo: Những dị vật sắc, nhọn, dài thường kèm theo nguy cơ lớn gây thủng ruột, dạ dày và nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, khi bị hóc xương, bệnh nhân không nên cố gắng để xương trôi vào. Đây cũng là nguyên nhân khiến những mẹo giúp trôi dị vật khi bị hóc hiện nay trên mạng không nên được học và làm theo.

2. Ứng cứu đúng cách khi gặp tai nạn bị hóc xương

2.1. Việc cần làm

Khi bị hóc xương, hầu hết người bệnh đều khá hoảng hốt. Đặc biệt, tình trạng nghẹn, đau họng bất ngờ và sự khó chịu có thể khiến trẻ em khóc nhiều. Điều này có thể khiến xương đâm vào hầu họng nhiều hơn. Do đó, việc giữ bình tĩnh là hết sức cần thiết.

khi bị hóc xương thường đau và khó chịu

Giữ bình tĩnh là điều hết sức cần thiết khi bị hóc

Với tình huống hóc xương, mọi người cần chú ý để xử lý đúng cách:

– Nếu người bệnh còn tỉnh táo, hãy ngưng nuốt ngay lập tức. Nếu còn thức ăn trong miệng thì cần nhả ra ngoài. Sau đó, áp dụng nguyên tắc khi chữa hóc là đưa xương ra ngoài chứ không cố nuốt vào trong. Nếu có cảm giác buồn nôn, hãy thử nôn để xem liệu xương có ra ngoài không. Trong trường hợp xương không ra, bệnh nhân cần đến gặp các bác sĩ để được gắp xương ra đúng cách với các dụng cụ y tế phù hợp và phương pháp an toàn cho người bệnh.

– Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc có các triệu chứng nguy kịch như khó thở, mặt mày tím tái, mất ý thức, cần gọi cấp cứu ngay và đồng thời thực hiện sơ cứu cho bệnh nhân. Với trường hợp trẻ từ trên 2 tuổi và người lớn, hãy áp dụng nghiệm pháp Heimlich để chữa hóc theo cơ chế tác dụng lực vào vùng thượng vị để đẩy dị vật theo hướng từ dưới lên. Còn với trẻ dưới 2 tuổi, cần vỗ lưng/ép ngực khi để trẻ ở tư thế đầu thấp hơn chân. Trong trường hợp bệnh nhân bị bất tỉnh, cần kết hợp phương pháp hà hơi thổi ngạt để cấp cứu duy trì mạng sống cho bệnh nhân.

2.2. Việc cần tránh

Khi bị tình trạng hóc xương, cần tránh những xử lý sai cách, dễ để lại hậu họa phức tạp và khó lường:

– Tránh dùng tay móc cổ họng để đưa xương ra ngoài.

– Tránh việc cố ho, khạc quá nhiều vì có thể dẫn đến nguy cơ phù thanh quản.

– Tránh việc dùng mẹo để nuốt trôi vật hóc như việc ăn cơm, chuối, khoai, lá, cam,…

– Tránh để xương hóc mà không xử lý trong ngày. Điều này có thể khiến tình trạng nhiễm trùng lan rộng, nhất là đối với các loại xương sắc nhọn.

– Tránh sơ cứu cho trẻ với tư thế dốc ngược người trẻ

– Tránh việc không đến các cơ sở y khoa để kiểm tra tình trạng hóc (có thể là tình huống sót dị vật, xương để lại biến chứng không được giải quyết)

Nhìn chung, tình huống hóc xương luôn mang lại những khó chịu nhất định cùng nhiều nguy cơ với sức khỏe chúng ta. Nhưng trên hết, việc xử lý sai cách khi bị hóc xương còn mang đến những vấn đề nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, đối diện với tai nạn hóc xương, cần bình tĩnh, tránh việc xử lý hóc theo theo những mẹo dân gian, cố đẩy xương xuống hoặc cố móc xương cá ra sai cách. Hãy đến các cơ sở y khoa tai mũi họng để được xử lý dị vật xương đúng cách. Đây cũng là cách giúp chúng ta được kiểm tra và cảnh báo những nguy cơ viêm nhiễm hay biến chứng có thể để lại từ tai nạn này, từ đó có cách xử lý hợp lý, bảo vệ sức khỏe bản thân tốt hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital