Cách trị bệnh mất ngủ về đêm thường gặp ở nhiều người như thế nào. Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ nhé.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ về đêm là gì?
Mất ngủ về đêm là bệnh rối loạn giấc ngủ, trong đó gồm mất ngủ cấp tính và mất ngủ mạn tính. Mất ngủ cấp tính là chứng mất ngủ ngắn hạn, người bệnh trong tình trạng mất ngủ không quá 1 tháng. Còn mất ngủ mạn tính: Là chứng mất ngủ kinh niên hoặc mất ngủ lâu năm. Tình trạng mất ngủ này kéo dài hơn 1 tháng và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng, đi ngủ rất sớm nhưng nằm trằn trọc mãi không vào giấc ngủ, giấc ngủ chập chờn, vài tiếng lại tỉnh, khó ngủ tiếp, thậm chí thức trắng đêm… là biểu hiện của bệnh mất ngủ về đêm.
Theo thống kê, cứ 3 người lại có 1 người mắc bệnh mất ngủ về đêm, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Đối với với người mắc các bệnh nền như tim mạch, huyết áp, thận… mất ngủ về đêm có thể làm tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
2. Cách trị bệnh mất ngủ đêm: Đối tượng thường mắc bệnh là ai?
Đối tượng dễ bị mất ngủ về đêm là người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, sau khi sinh, hoặc phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
2.1. Người cao tuổi dễ mắc bệnh mất ngủ đêm
Khi tuổi tác càng tăng cao làm cho khả năng tiết ra hormone tăng trưởng HGH bị hạn chế. Các hormone này tiết ra vào khoảng 10 giờ tối trong giai đoạn ngủ sâu, giúp giấc ngủ tự nhiên hơn. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, người cao tuổi bị mất ngủ đêm làm hạn chế sản sinh ra các hormone này, do đó khó đi vào giấc ngủ hơn.
Ngoài ra, tuổi tác cao kéo theo đó là tình trạng lão hóa về các chức năng của cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và não bộ. Điều này làm người cao tuổi khó ngủ, dễ thức giấc giữa chừng và khó ngủ lại.
2.2. Phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh
Phụ nữ đang mang thai bị mất ngủ đêm là do ốm nghén, đau lưng, đau hông, đi tiểu nhiều lần, do sự phát triển của thai nhi, khiến thai phụ khó tìm được tư thế ngủ phù hợp…
Đối với phụ nữ sau sinh, mất ngủ chủ yếu do thay đổi nội tiết tố, thay đổi tâm trạng, bồn chồn lo lắng, thức cho con bú… Phụ nữ sau sinh bị mất ngủ, có thể kèm theo biểu hiện của chứng trầm cảm sau sinh như: tâm trạng thay đổi thất thường, hay bồn chồn lo lắng, dễ cảm thấy buồn bã, dễ bị kích động…
2.3. Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh dễ bị mất ngủ về đêm
Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh thường bị suy giảm hormone, đặc biệt là hormon estrogen và progesterone, là lý do gây nên tình trạng mất ngủ về đêm.
2.4. Người mắc một số bệnh lý
Bệnh mất ngủ về đêm có thể do một số bệnh lý này gây ra: Thiếu máu não, rối loạn tiền đình, bệnh tim mạch, hen suyễn, huyết áp cao, tiểu đường, trầm cảm, ung thư…
2.5. Người trẻ tuổi có chế độ sinh hoạt bất hợp lý
Bệnh mất ngủ đêm có thể xảy ra đối với người trẻ tuổi do chế độ ăn uống, ngủ nghỉ không theo giờ giấc khoa học. Bên cạnh đó, áp lực công việc, học tập hay thói quen sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài hoặc trước khi ngủ cũng khiến người trẻ tuổi dễ mắc bệnh mất ngủ đêm.
3. Cách trị bệnh mất ngủ về đêm bạn cần biết
Cách trị bệnh mất ngủ hiệu quả đó là bạn cần kết hợp nhiều phương pháp với nhau, vừa thăm khám, điều trị bằng thuốc, vừa tích cực thay đổi lối sống, sinh hoạt phù hợp đúng khoa học.
3.1. Thay đổi chế độ sinh hoạt
Một số giải pháp mà bạn nên thử đó là: Ăn uống điều độ, đủ chất; đi ngủ đúng giờ; không làm việc quá khuya; không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê quá nhiều trong ngày hoặc vào buổi tối; không sử dụng các thiết bị điện tử trước lúc đi ngủ; thường xuyên vận động thể dục thể thao; duy trì tinh thần thoải mái, vui vẻ, suy nghĩ tích cực…
3.2. Sử dụng một số loại thuốc
Đối với các trường hợp mất ngủ nặng, mất ngủ kéo dài người bệnh nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả. Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê để giúp người bênh thư giãn và dễ ngủ hơn như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm… Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về liều lượng mà bác sĩ đưa ra.
Đối với những người bệnh đang mắc phải các bệnh lý khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc điều trị mất ngủ để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
3.3. Phương pháp điều trị tâm lý
Với phương pháp điều trị tâm lý, người bệnh sẽ được trao đổi, trò chuyện, chia sẻ trực tiếp cùng bác sĩ chuyên gia tâm lý để tìm ra nguyên nhân ẩn bên trong gây ra tình trạng mất ngủ về đêm, từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất.
3.4. Bổ sung nội tiết tố ở phụ nữ
Phương pháp bổ sung nội tiết tố là cách trị bệnh mất ngủ về đêm mà phụ nữ bước vào độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh nên áp dụng. Các bạn nên sử dụng các tiền chất của nội tiết tố để chuyển hóa thành estrogen và progesterone nội sinh nhằm cân bằng nội tiết tố.
Mất ngủ là bệnh thường gặp nhưng có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Khi có biểu hiện mất ngủ, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám và tư vấn điều trị.