Trĩ bao gồm bệnh trĩ nội, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp. Đây là bệnh lý phổ biến tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và suy giảm chất lượng đời sống của người bệnh. Mỗi loại trĩ sẽ có biểu hiện và hướng điều trị khác nhau. Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ sớm sẽ giúp thoát trĩ nhanh chóng và an toàn.
Menu xem nhanh:
1. Trĩ là gì? Gồm những loại nào?
Trĩ là bệnh lý được hình thành do sự giãn ra quá mức ở các đám rối tĩnh mạch nằm quanh vùng hậu môn gây ra tình trạng viêm nhiễm, sưng phồng mô cùng cảm giác đau rát và khó chịu vô cùng.
Dựa theo vị trí của búi trĩ, trĩ chia thành trĩ nội và trĩ ngoại.
– Trĩ nội: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn, khi bệnh trở nặng sẽ tự trồi ra bên ngoài.
– Trĩ ngoại: Búi trĩ nằm ngoài rìa hậu môn, khi bệnh trở nặng thì búi trĩ sẽ tăng kích thước và lan rộng ra xung quanh gây viêm nhiễm.
– Trĩ hỗn hợp: Trường hợp mắc đồng thời cùng lúc cả trĩ nội và trĩ ngoại.
2. Phân cấp độ của bệnh trĩ nội và trĩ ngoại
Chắc hẳn các bạn từng nghe đến những khái niệm về trĩ độ 1, trĩ độ 2,… Đây là cách gọi của các cấp độ dựa trên diễn biến của bệnh từ khi bắt đầu tới lúc trở nặng. Việc phân cấp sẽ có sự khác nhau giữa trĩ nội và trĩ ngoại. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với bệnh trĩ nội
– Cấp độ 1
Giai đoạn đầu hình thành búi trĩ, búi trĩ nằm bên trong hậu môn nên khó quan sát trực tiếp. Khi nội soi thấy các nốt sần màu đỏ, mềm với nhiều kích thước hình thành ở niêm mạc trực tràng. Người bệnh thường sẽ cảm thấy ngứa ngáy ở hậu môn, khó khăn khi đi đại tiện hoặc một số ít trường hợp đi đại tiện ra máu.
– Cấp độ 2
Tình trạng chảy máu do trĩ bắt đầu trầm trọng hơn, kích thước búi trĩ to dần nên có thể lòi ra ngoài hậu môn, sau đó vẫn tự co vào trong được. Khi nội soi thấy niêm mạc hậu môn dày hơn, búi trĩ có màu đỏ tím và bắt đầu tiết dịch.
– Cấp độ 3
Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, đau rát và khó chịu vô cùng. Kích thước búi trĩ tăng thêm nên niêm mạc hậu môn cũng dày hơn, chỉ cần vận động nhẹ búi trĩ cũng đã có thể lòi ra ngoài mà lần này không thể tự co lại vào trong.
– Cấp độ 4
Đây là cấp độ bệnh trĩ nội nặng. Giai đoạn này, búi trĩ đã sưng phồng, lòi ra ngoài, cản trở lưu thông máu nên không có hiện tượng chảy máu nữa mà thay vào đó dịch nhầy tiết ra nhiều gây ẩm ướt gây viêm loét và thậm chí là hoại tử búi trĩ.
2.2. Đối với bệnh trĩ ngoại
Trĩ ngoại không chia cấp độ như trĩ nội, bệnh chia thành 4 thời kỳ:
– Thời kỳ thứ nhất
Do bệnh mới hình thành nên chưa thấy rõ triệu chứng, khó nhận biết. Đôi khi, người bệnh chỉ cảm thấy hơi cộm và ngứa rát ở hậu môn.
– Thời kỳ thứ hai
Xuất hiện các búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo vì chúng đã bị lồi ra khỏi hậu môn. Lúc đi đại tiện, người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu; trường hợp không được vệ sinh sạch sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm.
– Thời kỳ thứ ba
Xuất hiện máu khi đại tiện vì búi trĩ bị tắc nghẹt. Vì thế người bệnh thường xuyên cảm thấy đau đớn nhiều hơn, trường hợp nặng còn có thể bị thiếu máu, nứt kẽ ở hậu môn.
– Thời kỳ thứ tư
Kích thước búi trĩ tăng lên trông thấy ở giai đoạn bệnh trở nặng, sưng to gây ngứa ngáy và khó chịu vô cùng. Nhiều trường hợp còn bị nhiễm trùng gây nhiều đau đớn, ảnh hưởng tới mọi hoạt động của người bệnh.
3. Dấu hiệu nhận biết và phân biệt bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại
Dấu hiệu triệu chứng điển hình chung của bệnh trĩ:
– Gây chảy máu trực tràng hoặc ở hậu môn, khi đi đại tiện hoặc khi lau chùi vùng hậu môn có thể sẽ thấy máu tươi.
– Tăng tiết dịch nhầy liên tục gây cảm giác ẩm ướt, khó chịu, kích ứng.
– Ngứa rát ở hậu môn thường xuyên, nhất là khi đi vệ sinh.
Bên cạnh những dấu hiệu triệu chứng chung, thì đối với trĩ nội và trĩ ngoại cũng có những dấu hiệu riêng để phân biệt 2 loại này.
3.1. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh trĩ nội
Trĩ nội là tình trạng khi các tĩnh mạch cuối trực tràng bị giãn, tạo thành búi trĩ nổi trên thành niêm mạc nên không thể sờ thấy hoặc nhìn thấy được. Cho đến khi bệnh nặng dần, búi trĩ bị sa ra ngoài lúc đi đại tiện mới có thể cảm nhận rõ, búi trĩ thường có thể tự co lại vị trí cũ sau khi đi vệ sinh hoặc người bệnh có thể dùng tay đẩy ngược búi trĩ vào trong.
So với trĩ ngoại thì trĩ nội thường sẽ không gây đau đớn nghiêm trọng mà thay vào đó là các triệu chứng điển hình hơn như sau:
– Tăng tiết dịch nhầy.
– Có thể ban đầu chưa bị đau ngay cả khi có máu chảy ra ở hậu môn. Nếu khi đi ngoài mà rặn mạnh có thể khiến búi trĩ và ống hậu môn bị xước nhẹ, từ đó gây viêm nhiễm, ngứa ngáy. Tình trạng này càng trầm trọng ở những người có nhiều dịch nhầy hậu môn tiết ra.
– Luôn có cảm giác chưa đi hết phân nhưng không thể đẩy hết.
Trĩ nội khi còn nhẹ sẽ khó phát hiện hơn do không sờ hay nhìn thấy được. Sau một thời gian, búi trĩ nội có thể sa ra ngoài nhất là khi rặn mạnh lúc đại tiện. Người bệnh có thể nhìn thấy phần búi trĩ này với đặc điểm như sau:
– Kích thước to nhỏ tùy mức độ bệnh.
– Khi chạm tay vào thấy mềm, có màu hơi hồng đỏ.
– Búi trĩ sa thường sẽ tự đẩy vào vị trí cũ sau đó.
3.2. Dấu hiệu đặc trưng bệnh trĩ ngoại
Trĩ ngoại hình thành ở ngay bên ngoài hậu môn, nổi rõ lên quanh vùng hậu môn, nên dễ dàng nhìn và sờ thấy được kể cả khi búi trĩ còn nhỏ. Trĩ ngoại gây đau từ sớm và tình trạng đau sẽ nghiêm trọng hơn khi vùng hậu môn bên ngoài bị cọ sát với quần áo hoặc khi ngồi quá lâu.
Các triệu chứng trĩ ngoại đặc trưng gồm:
– Ngứa và sưng xung quanh vùng da hậu môn.
– Nhìn và có thể sờ thấy có một hoặc nhiều cục u nổi quanh hậu môn.
– Chảy máu trong và sau khi đi đại tiện nhưng tình trạng này thường ít hơn so với trĩ nội.
– Thường xuyên cảm thấy đau đớn, khó chịu ở hậu môn.
– Tăng tiết dịch nhầy hoặc còn có thể bị rò rỉ phân.
Hình ảnh của búi trĩ ngoại khá giống như trĩ nội bị sa ra ngoài. Nhiều người bệnh bị đồng thời cả trĩ ngoại và trĩ nội (trĩ hỗn hợp), khi đó các triệu chứng sẽ đa dạng và nhận biết rõ ràng hơn.
Trĩ nói chung và bệnh trĩ nội, bệnh trĩ ngoại nói riêng hầu như không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng gây nên nhiều bất tiện và phiền toái cho người bệnh. Nhận biết bệnh sớm và lựa chọn phương án điều trị phù hợp là cách thoát trĩ hiệu quả nhất. Hiện nay, nhiều phương pháp mổ trĩ không đau ra đời nên người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm điều trị dứt điểm trĩ toàn diện.