Dựa vào quy tắc BE FAST – phương pháp phát hiện nhanh các triệu chứng đột quỵ, từ đó giúp việc cứu chữa diễn ra kịp thời hơn. Tìm hiểu cách nhận biết bệnh đột quỵ thông qua quy tắc BE FAST trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Các dấu hiệu điển hình của bệnh đột quỵ
1.1 Cách nhận biết người mắc bệnh đột quỵ thông qua dấu hiệu điển hình
Là bệnh không có triệu chứng cảnh báo kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Chính vì thế , nắm vững những biểu hiện của bệnh dưới đây có thể giúp phát hiện sớm đột quỵ xảy ra ở bản thân và những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.
– Khuôn mặt bị mất cân đối, méo miệng, một bên mặt chảy xệ, cười méo mó
– Khó cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể, khó di chuyển, vận động. Có thể xác định bằng cách để bệnh nhân dơ tay lên qua đầu cùng lúc, nếu không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
– Nhức đầu dữ dội, chóng mặt đột ngột, bệnh nhân không thể ngồi dậy hay đi, đứng lên như người bình thường được dù chân không bị yếu.
– Giảm thị lực đột ngột, mắt trở nên mờ, nhìn không rõ.
– Giọng nói bị thay đổi, nói không rõ chữ, dính chữ, nói ngọng…
1.2 Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ thông qua quy tắc BE FAST
Những biểu hiện của bệnh đột quỵ xảy ra được liệt kê phía trên, bạn có thể chưa ghi nhớ cùng lúc toàn bộ, thì dựa vào quy tắc BE FAST sau đây sẽ giúp bạn ghi nhớ dễ dàng hơn các dấu hiệu sớm của bệnh đột quỵ theo từng cơ quan và chức năng trên cơ thể.
Quy tắc BE FAST tiền thân là FAST là cụm từ viết tắt, và là cách nhận biết bệnh đột quỵ được Hội tim mạch Mỹ cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng để giúp bệnh nhân và người thân dễ dàng ghi nhớ các triệu chứng của đột quỵ, từ đó có thể nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời.
BE FAST là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, đại diện cho từng đặc điểm, sử dụng để mô tả dấu hiệu nhận biết đột quỵ sớm.
– B (Balance – Thăng bằng): Mô tả triệu chứng bệnh nhân mất cân thăng bằng đột ngột, đau đầu, chóng mặt dữ dội, mất khả năng phối hợp vận động của các chi.
– E (Eyesight – Mắt): Là dấu hiệu đột quỵ xảy ra ở mắt, bệnh nhân bị mờ mắt, giảm thị lực, thậm chí mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
– F (Face – Mặt): Miêu tả dấu hiệu đột quỵ xảy ra ở trên mặt bao gồm những biến đổi của khuôn mặt. Bệnh nhân có thể bị liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch…
– A (Arm – Tay): Mô tả những dấu hiệu xảy ra ở tay. Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tay chân không cử động được bình thường, tê liệt một bên cơ thể…
– S (Speech – Giọng nói): Là những dấu hiệu đột quỵ thể hiện qua lời nói, giọng nói. Bệnh nhân nói khó, phát âm không rõ chữ, dính chữ.
– T (Time – Thời gian nhận sự giúp đỡ): Là một trong những cảnh báo đặc biệt cần lưu ý là khi xuất hiện các triệu chứng trên thể hiện qua sự thăng bằng – mắt – mặt – tay chân – giọng nói thì nên nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
2. Nên làm gì khi nhận thấy những dấu hiệu của đột quỵ
2.1 Thời gian vàng cứu người bệnh đột quỵ
Người bị đột quỵ có thể có một vài hoặc tất cả các dấu hiệu như đã liệt kê phía trên. Do đó, ngay khi nhận thấy những biểu hiện của người bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu kịp thời để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian vàng để cấp cứu là từ 3 đến 6 tiếng, càng cấp cứu sớm người bệnh càng giảm những di chứng nặng nề gây ra bởi tình trạng tế bào não chết dẫn đi. Cấp cứu kịp thời ở thời gian vàng, khi đó não bộ được tái tưới máu trở lại, các tế bào não vẫn chưa hoại tử hoàn toàn, và các triệu chứng xảy ra bởi đột quỵ có thể phục hồi trở lại.
2.2 Xử lý đúng cách khi gặp người bị đột quỵ
– Đỡ hoặc dìu người đột quỵ, tránh để người bệnh ngã
– Để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, thoáng khí, nằm nghiêng một bên người nếu bệnh nhân có tình trạng nôn.
– Móc hết đờm của bệnh nhân để tránh gây ngạt.
– Không cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay, xoa dầu nóng hoặc cho uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ.
– Gọi xe cấp cứu, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất, càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời, đồng thời giảm các di chứng của đột quỵ để lại.
3. Dấu hiệu hoặc triệu chứng đột quỵ bắt đầu khi nào?
Các dấu hiệu sắp bị đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ, thậm chí trước thời điểm diễn ra đột quỵ chỉ trong vài phút. Một vài trường hợp các triệu chứng cảnh báo đột quỵ sẽ diễn ra trước vài giờ.
Một số bệnh nhân trước khi đi ngủ vẫn bình thường nhưng khi sáng thức dậy thì đột ngột méo miệng, hôn mê hay liệt, yếu tay chân, nửa người.
Một số trường hợp gặp tình trạng cơn đột quỵ thoáng qua khiến các mô bị tổn thương nhẹ, thậm chí người bệnh không thể nhận biết trong vài giờ hoặc vài ngày. Điều này có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, có thể gây liệt nửa người, không thể vận động hay rơi vào hôn mê.
Do đó có thể thấy khó có thể xác định được thời điểm chính xác xảy ra đột quỵ. Vậy nên, cách tốt nhất là nên chủ động phòng tránh căn bệnh này. Thực hiện khám tầm soát nguy cơ đột quỵ là giải pháp giúp phát hiện các bệnh lý nền – yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Từ đó sẽ kiểm soát hoặc điều trị theo tư vấn của bác sĩ để đưa các yếu tố nguy cơ này trở về ngưỡng an toàn, ngăn chặn chuyển biến thành đột quỵ.