Bệnh nhân viêm amidan thường có biểu hiện như nuốt đau, nuốt vướng, khô rát, nóng ở cổ họng. Trường hợp amidan sưng viêm sẽ gây sốt và mệt mỏi. Để làm giảm bớt sự khó chịu và các cơn đau do amidan, hãy chú ý tìm hiểu bệnh, các biện pháp điều trị và giảm đau amidan.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân, triệu chứng mắc bệnh viêm amidan
Amidan là tổ chức bạch huyết nằm phía sau hầu họng, đây là nơi giao thoa của đường ăn uống và hô hấp. Amidan có chức năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập và tiết kháng thể chống lại nhiễm khuẩn do các tác nhân gây bệnh. Do đó, đây là bộ phận rất dễ gặp viêm nhiễm và bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Không chỉ vậy, do amidan có cấu trúc giải phẫu gồm nhiều khe, hốc tạo điều kiện, môi trường thích hợp cho vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi. Ngoài ra, amidan có thể bị viêm do các nguyên nhân như:
– Thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm, không khí nhiều khói bụi (di chuyển trên đường, môi trường làm việc)
– Có thói quen ăn uống đồ lạnh, kem, nước đá, đồ ăn quá nóng, đồ ăn cay thường xuyên
– Thói quen vệ sinh cá nhân kém
– Thay đổi thời tiết đột ngột, đặc biệt là khi vào mùa lạnh
– Do các virus: Adenoviruses, Enteroviruses, virus cúm,…
– Tiền sử người bệnh từng mắc hoặc đang bị mắc các bệnh đường hô hấp gia tăng nguy cơ viêm amidan
Viêm amidan đem lại những triệu chứng khó chịu và đặc trưng như:
– Amidan khẩu cái xung huyết, có triệu chứng sưng to, đỏ
– Tại vùng viêm nhiễm có các nốt trắng, vàng
– Viêm amidan gây sốt, mệt mỏi
– Nổi hạch bạch huyết ở cổ, hàm,…
– Nuốt đau, nuốt khó
– Ho khan
– Hơi thở hôi
– Trẻ em thì có dấu hiệu quấy khóc, bỏ ăn
2. Điều trị và giảm đau amidan
Người bị viêm amidan cần được thăm khám bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng để có phác đồ điều trị chính xác, đúng bệnh đúng thuốc để chấm dứt tình trạng viêm amidan. Dưới đây là một số phương pháp khi điều trị và giảm đau viêm amidan.
2.1. Điều trị tại chỗ
Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc bằng các dung dịch kiềm loãng như bicarbonate, nước muối 0,9%, …. giúp loại bỏ vi khuẩn tại ổ viêm nhiễm tốt hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân một số loại thuốc như: thuốc kháng viêm, sát khuẩn tại chỗ như betadine, oropivalone,… Để hạn chế cơn đau nhức, khó chịu, bệnh nhân có thể chú ý vệ sinh cá nhân bằng nước ấm thay vì nước lạnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên hạn chế uống nước lạnh, ăn đồ cay nóng, nên lựa chọn thực phẩm nguội, lỏng.
2.2. Điều trị nội khoa bằng thuốc
Bệnh nhân có thể được kê đơn sử dụng một số loại thuốc điều trị nội khoa như:
– Thuốc kháng sinh giúp diệt khuẩn, tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Chú ý, sử dụng kháng sinh chống liên cầu với trường hợp viêm amidan hốc mủ do liên cầu Beta tan huyết nhóm A.
– Thuốc hạ sốt, giảm đau amidan
– Các loại thuốc giúp giảm xung huyết, phù nề
– Thuốc giảm ho
2.3. Cắt amidan
Vốn dĩ amidan có chức năng sản sinh kháng thể, bảo vệ vòm họng trước nên không phải bất cứ trường hợp nào cũng được chỉ định cắt. Tuy nhiên, amidan lại dễ bị viêm tái đi tái lại nhiều lần đem đến đau đớn và khó chịu. Các trường hợp dưới đây sẽ được chỉ định cắt amidan:
– Viêm amidan hốc mủ tái đi tái lại nhiều lần (trên 5 lần/năm và trong 2 năm liên tiếp) không cho đáp ứng với điều trị nội khoa
– Bệnh tái phát kéo theo viêm hạch cổ
– Có xuất hiện ổ áp xe amidan
– Bệnh chuyển nặng làm tắc nghẽn đường hô hấp trên, khiến bệnh nhân ngủ ngáy, khó ngủ, khó khăn ăn uống,…
– Có biến chứng viêm tai, viêm thanh quản, viêm xoang
– Amidan gây sưng hạch cổ
– Trường hợp khối u amidan là ác tính
Tuy trì hoãn điều trị, cắt amidan đem đến nhiều biến chứng nhưng nếu tùy tiện cắt amidan cũng sẽ để lại những hậu quả:
– Mất đi hệ thống miễn dịch tự nhiên, giảm đề kháng
– Dễ xuất huyết khi cắt đối với người lớn tuổi, có nguy cơ tử vong do chảy máu quá nhiều
– Kéo theo nguy cơ bị viêm họng hạt mãn tính, viêm thanh quản
Tóm lại, để điều trị viêm amidan, thường ưu tiên điều trị nội khoa bằng các loại thuốc. Trong trường hợp không thể điều trị bằng thuốc và có các biến chứng nguy hiểm mới có thể được chỉ định cắt amidan. Trong suốt quá trình điều trị amidan, nên có chế độ ăn hợp lý, bổ sung trái cây và uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước do các cơn sốt.
3. Biến chứng amidan
Khi không điều trị hoặc được áp dụng bất cứ biện pháp giảm đau amidan nào, amidan sưng viêm tiến triển nặng có thể để lại những hậu quả khôn lường như:
– Sưng tấy, hình thành ổ áp xe amidan
– Amidan tái phát nhiều lần gây đau đớn, ảnh hưởng ăn uống và chất lượng cuộc sống
– Đau tai, họng sưng to
– Gây viêm nhiễm các bộ phận khác: viêm tai, viêm xoang,…
– Áp xe thành bên họng
– Biến chứng bệnh viêm cầu thận, viêm khớp cấp,
– Trẻ nhỏ dễ mắc hội chứng ngưng thở
Khi amidan đem lại những biến chứng nguy hiểm cũng là lúc bạn nên đến gặp bác sĩ, xin ý kiến về việc tiến hành cắt amidan.
4. Phòng bệnh viêm amidan
Thay vì tìm các biện pháp giúp giảm đau amidan tức thì và loay hoay tìm cách chữa trị amidan thì hãy chú ý đến các biện pháp phòng bệnh, hạn chế viêm nhiễm, bảo vệ sức khỏe:
– Tránh bị lạnh, giữ ấm cơ thể
– Hạn chế đồ các loại đồ uống lạnh
– Giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng tốt hơn bằng cách sử dụng nước súc miệng hoặc súc miệng bằng nước ấm
– Chú ý đeo khẩu trang, bảo vệ mũi họng khỏi khói bụi, ô nhiễm
– Rèn luyện thể dục thể thao
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý
– Khám sức khỏe và chú ý điều trị triệt để các bệnh lý đường hô hấp
Trên đây là những kiến thức cần chú ý về viêm amidan, cách làm giảm đau amidan, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Viêm amidan là bệnh lý thường gặp nhưng biến chứng của nó thì cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà bằng các bài thuốc hay mẹo dân gian, hãy tới bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán xác định nguyên nhân và tư vấn hướng điều trị phù hợp. Liên hệ và đặt lịch khám tại Khoa Tai Mũi Họng Thu Cúc TCI để được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc.