Viêm họng là một trong những bệnh lý thường gặp, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người thường nghĩ ngay đến kháng sinh khi bị viêm họng, nhưng không phải trường hợp nào cũng cần thiết. Cùng TCI tìm hiểu về các cách chữa viêm họng không cần dùng kháng sinh hiệu quả, giúp bạn giảm đau và phục hồi nhanh chóng, đồng thời chỉ ra khi nào thực sự cần đến kháng sinh trong điều trị trong bài viết ngay dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh viêm họng
1.1. Nguyên nhân gây viêm họng
Viêm họng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, được phân thành hai nhóm chính: viêm họng do virus và viêm họng do vi khuẩn. Hơn một nửa trường hợp viêm họng là do virus gây ra, bao gồm virus cúm, rhinovirus, adenovirus và coronavirus. Những trường hợp này thường không cần điều trị bằng kháng sinh, vốn không đáp ứng với kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh không cần thiết không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, dị ứng hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Ngược lại, viêm họng do vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes), chiếm khoảng 10-30% trường hợp và có thể cần đến kháng sinh.

Viêm họng có thể hình thành từ nhiều nguồn tác nhân
Ngoài ra, các yếu tố khác như hút thuốc lá, ô nhiễm không khí, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, hay thói quen thường xuyên hò hét, nói to cũng có thể là yếu tố nguy cơ dễ gây viêm họng hoặc làm tình trạng viêm họng trở nên trầm trọng hơn.
1.2. Dấu hiệu nhận biết viêm họng
Để có thể điều trị viêm họng nhanh chóng với những cách chữa đơn giản, bạn cần nhận biết sớm và chính xác các dấu hiệu của bệnh:
– Đau rát họng, cảm giác khô hoặc ngứa họng
– Khó khăn khi nuốt
– Vùng họng sưng đỏ
– Ho, sổ mũi
– Sốt nhẹ hoặc cao (thường gặp trong viêm họng do vi khuẩn)
– Hạch bạch huyết ở cổ sưng to
– Mệt mỏi, đau đầu
– Giọng khàn
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của mỗi người.
2. Cách chữa viêm họng không cần kháng sinh
2.1. Liệu pháp nghỉ ngơi và uống nhiều nước
Một trong những cách đối phó với viêm họng nhẹ khá hiệu quả và đơn giản là cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi để tự phục hồi. Hệ miễn dịch của chúng ta có khả năng chống lại nhiều loại virus và vi khuẩn nếu được hỗ trợ đúng cách. Nghỉ ngơi đầy đủ giúp tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời giảm stress – yếu tố có thể làm suy yếu khả năng chống bệnh của cơ thể.
Bên cạnh đó, việc uống đủ nước (khoảng 2-3 lít mỗi ngày) không chỉ giúp giữ cho cổ họng ẩm, giảm đau rát mà còn hỗ trợ cơ thể đào thải độc tố và tăng đề kháng. Bạn có thể uống nước ấm hoặc thêm một chút mật ong, chanh để tăng tác dụng kháng khuẩn và làm dịu cổ họng. Với thể viêm họng mới hình thành, triệu chứng nhẹ thì những cách đơn giản này nên được áp dụng sớm để hạn chế sự tiến triển của bệnh.
2.2. Các cách chữa viêm họng tại nhà bằng phương pháp đơn giản
Nhiều phương pháp đơn giản tại nhà đã được sử dụng từ lâu và chứng minh hiệu quả trong việc giảm triệu chứng viêm họng với những trường hợp viêm họng nhẹ:
– Súc họng với nước muối ấm là một cách chữa viêm họng đơn giản nhưng hiệu quả. Nhiều người thường hòa một nửa thìa cà phê muối trong một cốc nước ấm, súc họng 4-5 lần mỗi ngày để giúp giảm viêm, tiêu diệt một số vi khuẩn và làm sạch niêm mạc họng. Tuy nhiên, tỷ lệ muối pha và chất lượng muối là điều cần hết sức chú ý, do đó, bạn nên đến các hiệu thuốc và mua nước muối được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín để sử dụng sẽ tốt hơn.
– Trà gừng mật ong cũng là một phương pháp tuyệt vời. Gừng có tính kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên, trong khi mật ong có đặc tính kháng khuẩn và làm dịu. Kết hợp hai thành phần này trong nước ấm tạo thành một loại đồ uống không chỉ dễ chịu mà còn giúp giảm đau họng hiệu quả.
– Nước chanh ấm với mật ong cung cấp vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tuy nhiên, nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản, hãy thận trọng với phương pháp này vì chanh có thể làm tăng acid dạ dày.
Tuy nhiên, đây chỉ là những cách hỗ trợ giúp giảm triệu chứng đau họng và nên áp dụng khi viêm họng nhẹ, chưa hình thành các dấu hiệu rõ rằng, hoặc sử dụng đồng thời kết hợp các loại thuốc điều trị.

Mẹo chữa viêm họng tại nhà thường dùng để kết hợp với các phương pháp khác nhằm hỗ trợ quá trình điều trị
2.3. Sử dụng thuốc không kê đơn trong cách chữa viêm họng
Để giảm đau và khó chịu khi bị viêm họng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn:
– Thuốc giảm đau như acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau họng và hạ sốt nếu có. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng khuyến cáo và tránh sử dụng kéo dài.
– Viên ngậm họng có chứa benzocaine hoặc menthol có tác dụng gây tê cục bộ, giúp giảm đau tạm thời. Một số loại viên ngậm có thành phần thảo dược như bạc hà, cam thảo cũng có thể làm dịu cổ họng hiệu quả.
– Xịt họng chứa phenol hoặc các chất kháng khuẩn nhẹ giúp làm giảm đau và kháng khuẩn tại chỗ, là một trong những cách chữa viêm họng được nhiều người ưa chuộng do tính tiện lợi và hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng bởi có nguy cơ khiến họng khô hơn.
Cần nhớ rằng, trong nhiều trường hợp, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm họng là tối cần thiết. Do đó, không nên tự ý sử dụng các phương pháp trên đây mà bỏ qua việc thăm khám để kê thuốc điều trị phù hợp.
3. Khi nào trị viêm họng cần kháng sinh
3.1. Dấu hiệu nhận biết viêm họng cần dùng kháng sinh
Mặc dù có nhiều cách chữa viêm họng không cần kháng sinh, nhưng trong một số trường hợp, kháng sinh là cần thiết, đặc biệt khi viêm họng do vi khuẩn, điển hình là liên cầu khuẩn nhóm A. Các dấu hiệu gợi ý cần dùng kháng sinh bao gồm:
– Sốt cao trên 38°C kéo dài
– Đau họng dữ dội xuất hiện đột ngột
– Amidan sưng đỏ có mủ hoặc đốm trắng
– Hạch bạch huyết vùng cổ sưng to, đau
– Không có triệu chứng ho hoặc chảy nước mũi (thường gặp trong viêm họng do virus)
– Các triệu chứng không cải thiện sau 3-5 ngày điều trị không dùng kháng sinh
– Có tiền sử tiếp xúc với người bị viêm họng do liên cầu khuẩn
Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm nhanh phát hiện liên cầu khuẩn hoặc nuôi cấy dịch họng để xác định chính xác nguyên nhân viêm họng trước khi kê đơn kháng sinh.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được xem xét cẩn thận và có chỉ định từ bác sĩ
3.2. Những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách
Viêm họng do liên cầu khuẩn nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:
– Sốt thấp khớp, một biến chứng ảnh hưởng đến tim, khớp, não và da, có thể xuất hiện 2-3 tuần sau khi nhiễm liên cầu khuẩn không được điều trị đúng cách.
– Viêm cầu thận cấp có thể xảy ra sau khi nhiễm một số chủng liên cầu khuẩn, gây tổn thương thận và có thể dẫn đến suy thận nếu không được điều trị kịp thời.
– Áp-xe quanh amidan, một tình trạng mủ tích tụ giữa amidan và thành họng, gây đau dữ dội, khó nuốt và cần can thiệp y tế khẩn cấp.
– Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng lan rộng vào các mô sâu hơn của cổ, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Nhìn chung, viêm họng là bệnh lý phổ biến và có nhiều cách chữa viêm họng hiệu quả mà không cần sử dụng kháng sinh, đặc biệt với các trường hợp viêm họng do virus. Súc họng nước muối, uống đủ nước, sử dụng các cách ăn uống và thuốc giảm đau không kê đơn có thể dùng để kiểm soát triệu chứng và giúp cơ thể tự hồi phục. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận biết được khi nào cần đến sự can thiệp của kháng sinh để tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu viêm họng kéo dài trên 5 ngày, sốt cao không giảm hoặc có các triệu chứng nặng, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám và điều trị đúng cách.