Chữa viêm họng: Phương pháp thực hiện và những lưu ý cần thiết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Phạm Thanh Thúy

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Chữa viêm họng sớm là việc cần thiết để bảo vệ, duy trì sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, dù là bệnh lý rất phổ biến và dễ tái phát, nhưng việc điều trị viêm họng lại thường bị người bệnh bỏ bê, thậm chí là thực hiện sai cách. Cùng TCI tham khảo bài viết dưới đây để có cho mình cách xử trí phù hợp và những lưu ý cần thiết khi chữa bệnh viêm họng.

1. Hiểu đúng về bệnh viêm họng

Viêm họng được hiểu là tình trạng xảy ra viêm nhiễm tại niêm mạc họng. Bệnh thường đi kèm tình trạng viêm amidan, viêm VA và dễ gặp trong chuyên khoa tai mũi họng. Viêm họng hình thành chủ yếu từ tình trạng viêm nhiễm virus (chiếm đến 60-80% – Thông tin từ Bộ Y tế), khiến hệ đề kháng bị suy yếu, tạo điều kiện cho bội nhiễm vi trùng lây lan. Bệnh cũng có thể bắt nguồn do vấn đề lây nhiễm trong gia đình, cộng đồng xung quanh do tiếp xúc nước bọt, giọt bắn khi ho, hắt hơi,…

Cách chữa viêm họng

Viêm họng phổ biến, dễ bắt gặp và báo hiệu vấn đề sức khỏe

1.1. Nhận biết triệu chứng để chữa viêm họng

Viêm họng thường có những triệu chứng khá điển hình của bệnh tai mũi họng. Khi bị viêm họng, trong thời gian đầu, người bệnh thường xuất hiện tình trạng: sổ mũi, hắt hơi, đau nhức họng và đầu, mỏi người, sốt, cảm giác ớn lạnh, ho,… Tình trạng viêm họng do virus thường có những biểu hiện đặc trưng như: chảy mũi, ho, ban, viêm kết mạc, có thể tiêu chảy.

Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý bệnh khi viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A gây ra. Đây là thể bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Bệnh khi đó có những dấu hiệu như: họng đỏ, amidan sưng, sốt cao, sưng đau hạch cổ, xuất hiện chất xuất tiết trắng ở khu vực họng.

Nhìn chung, chúng ta thường nhầm lẫn viêm họng với nhiều bệnh lý khác, nhất là các bệnh viêm nhiễm hô hấp do các triệu chứng của bệnh khá chung. Chính vì thế, việc đến các cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh là điều hết sức cần thiết.

1.2. Nguy hiểm từ viêm họng – điều bạn chưa biết hết

Thông thường viêm họng do virus được điều trị sớm có thể giảm dần triệu chứng và khỏi nhanh sau 3-5 ngày. Viêm họng do bội nhiễm thường cần điều trị lây hơn. Tuy nhiên, tùy theo nguyên nhân và thể trạng, viêm họng có thể để lại nhiều biến chứng nếu không có phương pháp và lộ trình điều trị phù hợp.

– Biến chứng tại chỗ: Bệnh viêm họng có thể gây viêm tấy, áp xe thành sau – thành bên họng, áp xe quanh amidan, viêm nhiễm vùng mũi xoang,… Đặc biệt, tình trạng viêm tấy hoại thư vùng cổ họng với nhiều tiên lượng nặng cũng có thể là kết quả sau khi viêm họng kéo dài hoặc không điều trị phù hợp.

– Biến chứng gần: Viêm nhiễm tại họng có thể lan rộng, nhiễm trùng các cơ quan lân cận và hình thành các bệnh lý như: viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phổi, viêm phế quản,…

– Biến chứng xa: viêm họng có thể là nguyên nhân hình thành các bệnh lý nguy hiểm như: viêm khớp, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu,…

Trước rất nhiều biến chứng nguy hiểm và không ngờ đến này, công tác phòng bệnh và điều trị phù hợp càng cần thiết được chú ý. Do đó, khi có dấu hiệu viêm họng, cần sớm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng nguyên nhân, tình trạng và phù hợp thể trạng người bệnh để an tâm chữa bệnh, phòng tránh biến chứng.

2. Điều trị viêm họng

2.1. Kiểm tra và xét nghiệm cần thiết trước điều trị

Trước khi đưa ra cách điều trị phù hợp cho người bệnh, các bác sĩ cần khai thác bệnh sử, kiểm tra dịch tễ, khám thực thể bằng nội soi tai mũi họng. Trong trường hợp bệnh có xu hướng nặng, nguy cơ để lại biến chứng, các bác sĩ sẽ cân nhắc các xét nghiệm vi trùng làm kháng sinh đồ. Trong trường hợp nghi ngờ các bệnh nguy hiểm, người bệnh cần được tiến hành xét nghiệm phòng dịch cũng như các xét nghiệm khác nhằm thể hiện chỉ số công thức bạch cầu xác định nguyên nhân bệnh, thực hiện phản ứng ASLO tìm kháng thể trong nhiễm liên cầu beta.

Chữa viêm họng cho bé

Thăm khám, kiểm tra phù hợp để đưa ra phác đồ chữa viêm họng hiệu quả

2.2. Nguyên tắc và lưu ý khi chữa viêm họng

2.2.1 Nguyên tắc

Với tình trạng chưa có kết quả xét nghiệm phân loại tác nhân viêm họng, việc điều trị viêm họng đỏ cấp, có chấm mủ, bựa trắng trên bề mặt amidan đều điều trị như viêm họng đỏ cấp do liên cầu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ TCI, việc phân loại nguồn bệnh để điều trị phù hợp ảnh hưởng đến hệ đề kháng và sức khỏe nói chung. Vì thế, thăm khám, phân loại điều trị là điều cần thiết với bệnh viêm họng.

2.2.2. Cách điều trị

– Điều trị viêm họng sẽ tập trung giải quyết nguyên nhân và điều trị triệu chứng.

Với tình trạng viêm họng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh với liệu trình từ khoảng 5 -10 ngày tùy trường hợp bệnh lý, cân nặng, độ tuổi và thể trạng. Peniciline V: dùng 50-100 UI/kg với trẻ nhỏ, 3 triệu UI cho người lớn, chia 3 lần trong ngày và uống khoảng 10 ngày. Với Peniciline chậm loại Benzathin-Peniciline G: dùng 600.000UI cho trẻ < 30kg; 1,2 triệu UI cho trẻ > 30kg; 2,4 triệu UI cho người lớn. Đơn thuốc kết hợp Cephalosporine thế hệ 1, hoặc Peniciline A (Amoxicilline). Trong trường hợp bệnh nhân dị ứng Peniciline, bác sĩ cần điều chỉnh đơn thuốc với các nhóm thay thế Macrolide.

Để loại bỏ triệu chứng bệnh viêm họng, bác sĩ chỉ định các thuốc phù hợp theo thể trạng, bao gồm: hạ sốt, giảm đau, chống viêm, sát trùng mũi họng,… Cần lưu ý rằng, hầu như các thuốc giảm đau hạ sốt đều liên quan đến nguy cơ chảy máu dạ dày và đường tiêu hóa. Vì thế, tiền sử viêm dạ dày tá tràng của người bệnh cần được khai thác để chống chỉ định phù hợp.

– Mọi thuốc điều trị cần được theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc hay sử dụng thuốc không đủ liệu trình khi điều trị.

2.3. Các biện pháp hỗ trợ

Bên cạnh sự cần thiết của việc chữa viêm họng đúng nguyên nhân, thực hiện đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:
– Có chế độ bổ sung dinh dưỡng phù hợp nhằm tăng cường đề kháng và thể trạng. Nên ăn đồ mềm, bổ sung nước đủ lượng để tăng cường thể trạng. Đặc biệt, cần hấp thụ nhiều hơn các loại vitamin A, B1, C để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau viêm họng.
– Tập thể dục phù hợp
– Vệ sinh mũi họng
– Tránh việc lạm dụng xịt họng bởi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến niêm mạc họng và khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn
– Giữ ấm cơ thể, nhất là các vùng tai mũi họng, cổ, bàn chân.
– Nghỉ ngơi, thư giãn cũng là cách cần thiết giúp điều trị viêm họng hiệu quả.

kết hợp khi Chữa viêm họng

Cần nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng và luyện tập vừa sức trong quá trình điều trị viêm họng

Nhận định chung:

Viêm họng không chỉ đưa đến sự khó chịu, mà còn báo hiệu vấn đề sức khỏe và nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bệnh cũng có xu hướng dễ dàng tái phát nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa. Do đó, cần nghiêm túc và cẩn trọng trong việc chữa viêm họng, thăm khám xác định đúng nguyên nhân và điều trị theo phác đồ phù hợp, tránh tình trạng tự ý chữa viêm họng, thực hiện điều trị không được theo dõi hoặc không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc tự ý chữa bệnh có thể khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ lớn với sức khỏe trong tương lai.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital