Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi tiêm vaccine bạn có thể gặp các triệu chứng, hay còn gọi là các phản ứng phụ không mong muốn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về các triệu chứng khi tiêm vaccine và cách xử lý chúng. Cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Vaccine là gì?
Vaccine là một chế phẩm đặc biệt chứa kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh, hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên tương tự sinh vật gây bệnh. Chúng đã được bào chế để đáp ứng yêu cầu an toàn với cơ thể, đồng thời vẫn có khả năng kích thích cơ thể tự tạo ra miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
Khi cơ thể được tiêm vaccine, hệ miễn dịch sẽ nhận diện vaccine là “vật lạ” và phản ứng bằng cách tiêu diệt và ghi nhớ chúng. Khi tác nhân gây bệnh thực sự xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ tấn công nhanh chóng để bảo vệ cơ thể.
Nhờ có vaccine, hàng triệu người trên thế giới không bị chết do các dịch bệnh truyền nhiễm.
Vaccine được phân loại thành nhiều loại như vacxin giải độc tố, vacxin bất hoạt (chết), vacxin sống giảm độc lực, vacxin tách chiết và vacxin tái tổ hợp. Mỗi loại đều mang lại những đặc điểm và ưu điểm riêng, đồng thời người tiêm đối mặt với những thách thức và yêu cầu đặc biệt. Nhưng nhìn chung tất cả các loại vắc xin đều an toàn với con người.
Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng và hiệu quả để giúp con người tránh khỏi các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mọi đối tượng bao gồm cả trẻ em và người lớn đều nên chủ động đi tiêm phòng các loại vaccine cần thiết để bảo vệ sức khỏe cá nhân, đồng thời tạo miễn dịch cộng đồng, xây dựng một thế giới khỏe mạnh, phát triển.
2. Các triệu chứng khi tiêm vaccine thường gặp
Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng vaccine là một sản phẩm an toàn, hầu hết các phản ứng sau tiêm chủng đều nhẹ và tự giảm sau một thời gian ngắn nên bạn không cần quá lo lắng. Dưới đây là một số triệu trứng thường gặp sau tiêm vaccine phòng bệnh:
Triệu chứng tại chỗ:
– Ngứa, đau, sưng, hoặc đỏ tại vùng vừa tiêm, nhưng điều này thường tự giảm trong vài ngày.
Triệu chứng toàn thân:
– Sốt dưới 39 độ C, đi kèm với khó chịu, mệt mỏi, và chán ăn, nhưng thường chỉ là tình trạng tạm thời.
Khi xuất hiện những triệu chứng trên, có thể thực hiện các biện pháp để cải thiện như:
– Sử dụng các biện pháp giảm nhiệt như chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, uống nhiều nước để giảm sốt.
– Uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ nếu có sốt nhẹ.
– Triệu chứng đỏ và sưng tại vùng tiêm thường tự giảm trong khoảng vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau và không thoải mái.
– Không bôi hoặc đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm để tránh nhiễm trùng, khiến vết tiêm trở lên sưng, đỏ, lan rộng.
Lưu ý rằng những biện pháp này thường chỉ áp dụng để giảm nhẹ và quản lý các triệu chứng tạm thời sau tiêm chủng. Nếu có bất kỳ vấn đề nào nghiêm trọng hay bạn cảm thấy lo lắng về phản ứng phụ của mình, hãy thảo luận với bác sĩ để đảm bảo sự an toàn trong tiêm chủng.
3. Các triệu chứng khi tiêm vaccine cần đến viện ngay
Bên cạnh các phản ứng thường gặp, mặc dù rất hiếm khi xảy ra, nhưng người tiêm có thể gặp phải các phản ứng nghiêm trọng, cần xử trí ngay lập tức. Nếu như người tiêm chủng gặp các triệu chứng dưới đây, cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ và đến viện để được hỗ trợ.
– Sốc phản vệ sau tiêm chủng:
Với trẻ em, sốc phản vệ sau tiêm chủng là một phản ứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời. Các biểu hiện của sốc phản vệ bao gồm tụt huyết áp hoặc kẹt, mệt nhiều, lừ đừ, lạnh tay chân, thanh quản có biểu hiện phù nề, khó thở cấp tính, co thắt thanh quản, co rút cơ thành bụng, tiêu chảy, da xanh.
– Sốt cao:
Sốt cao trên 38,5 độ C có thể xuất hiện sau khi tiêm mọi loại vaccine. Nếu trẻ sốt trên mức này, cần sử dụng thuốc hạ sốt chứa Paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu sốt không hạ sau 1 giờ, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
– Co giật:
Thường là cơn co giật toàn thân, không đi kèm với các dấu hiệu tại chỗ, có thể đi kèm với sốt hoặc không sốt. Có khoảng 0,6% trẻ em sau khi tiêm phòng ho gà sẽ có biểu hiện sốt cao kèm theo co giật, phần lớn những trẻ này đều có tiền sử co giật, động kinh. Thông thường, những trẻ bị có tiền sử động kinh thường không được tiêm phòng vaccine có chứa thành phần ho gà.
– Trẻ quấy khóc kéo dài:
Khoảng 3% trẻ em từ 3 – 6 tháng tuổi có thể có phản ứng khóc thét kéo dài sau khi tiêm vaccine. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 3 giờ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và sử dụng thuốc cần thiết theo chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do ảnh hưởng của vaccine lên hệ thần kinh của trẻ. Tuy nhiên hầu hết những trường hợp này sẽ không gây biến chứng nguy hiểm nên bố mẹ không cần quá lo lắng.
– Phản ứng quá mẫn cấp tính:
Xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm chủng với các triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng, phù nề ở thanh quản, phát ban, hoặc phù nề toàn thân. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp nặng, cần thêm oxy và xử trí tương tự như sốc phản vệ.
Trong mọi tình huống, việc thảo luận với bác sĩ và đưa trẻ đến cơ sở y tế là quan trọng để đảm bảo an toàn và phản ứng kịp thời đối với bất kỳ vấn đề sức khỏe nào có thể xảy ra sau tiêm chủng.
Tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI, sau tiêm chủng, người tiêm chủng sẽ được hướng dẫn ở lại cơ sở tiêm chủng để theo dõi sức khỏe trong vòng 30 phút sau tiêm, đề phòng có phản ứng phụ nghiêm trọng xảy ra sẽ được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, sau tiêm chủng, bạn sẽ được bác sĩ và nhân viên hướng dẫn về triệu chứng khi tiêm vaccine và các biện pháp đối phó, để đảm bảo tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Nếu như trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, bạn gặp phải bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng nào, hay có bất cứ thắc mắc nào, có thể liên hệ với Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.