Bệnh Parkinson gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động của người bệnh, bên cạnh đó là những thay đổi của cơ thể gây khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Vì thế bệnh cần được nhận diện sớm ở giai đoạn đầu để có biện pháp điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu các triệu chứng Parkinson ở giai đoạn sớm qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin chung về bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một trong những bệnh về thần kinh – vận động. Bệnh thường xảy ra do sự thoái hóa của nhóm tế bào não khiến người bệnh không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp. Những người mắc bệnh này thường gặp khó khăn trong việc đi lại, cử động chậm chạp, gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý.
Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần, nếu không điều trị kịp thời còn có thể dẫn đến các biến chứng sau:
– Héo mòn, suy kiệt do chức năng đường ruột kém, bệnh nhân run nhiều gây mất năng lượng.
– Dễ bị loãng xương do ít vận động và thiếu vitamin D.
– Dễ bị ngã do mất thăng bằng, kết hợp với loãng xương, nguy cơ gãy xương cao, nhất là gãy cổ xương đùi.
– Viêm phổi nhất, thường xảy ra ở giai đoạn nặng do bệnh nhân suy mòn kết hợp co cứng cơ dẫn đến mất khả năng ho khạc.
Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sớm có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn bệnh tiến triển.
2. Triệu chứng Parkinson ở giai đoạn sớm
Các biểu hiện sớm của bệnh nhân bị bệnh Parkinson có thể kể đến như:
2.1 Tính cách thay đổi – Một trong các triệu chứng Parkinson cần lưu ý
Não bộ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát suy nghĩ, hành động, nhận thức và phản ứng của con người. Vì thế bất kỳ thay đổi nào trong tính cách của một người cũng có thể cảnh báo những thay đổi của não bộ, trong đó có sự thoái hóa các tế bào não – nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson.
2.2 Chậm chạp hơn khi phối hợp vận động
Phối hợp các hoạt động chậm chạp là một trong những triệu chứng Parkinson ở giai đoạn đầu. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi thay đổi tư thế như quay đầu, quay người, cài khuy, buộc dây giày… khiến các động tác được làm với tốc độ chậm, không rõ ràng.
2.3 Giảm độ nhạy về mùi
Bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu thường ảnh hưởng đến khứu giác. Vì thế bệnh nhân không có khả năng phân biệt mùi của thực phẩm. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể ngày càng nặng hơn.
2.4 Tiêu hóa
Vấn đề tiêu hóa điển hình nhất của người bệnh Parkinson là táo bón. Bên cạnh đó là các vấn đề phổ biến khác như rối loạn tiêu hóa, chán ăn… Bất thường ở hệ tiêu hóa thường đặc biệt dễ xảy ra với người lớn tuổi mắc bệnh này.
2.5 Đau vai
Một số người bệnh Parkinson có thể có biểu hiện đau vai. Đặc biệt nếu tình trạng đau kéo dài, đã dùng thuốc hoặc các can thiệp y tế khác mà vẫn không thuyên giảm thì đó có thể là một dấu hiệu của bệnh Parkinson.
2.6 Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng Parkinson thường đi kèm với các biểu hiện khác
Biểu hiện mệt mỏi thường xuyên kèm với một trong các triệu chứng trên cho thấy bạn có nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson.
Khi bệnh đã tiến triển, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
– Run nhẹ
– Di chuyển khó khăn
– Liệt cơ mặt
– Ngất xỉu
– Mất cân bằng, dễ choáng ngất
3. Các giai đoạn tiến triển của bệnh Parkinson
Thông thường bệnh Parkinson tiến triển qua 5 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Các dấu hiệu xuất hiện ở 1 bên cơ thể nhưng bệnh nhân vẫn tự chủ trong các sinh hoạt.
– Giai đoạn 2: Các dấu hiệu xảy ra ở 2 bên nhưng không gây mất thăng bằng.
– Giai đoạn 3: Triệu chứng xuất hiện ở cả 2 bên cơ thể, bệnh nhân mất thăng bằng, có bị hạn chế vận động nhưng vẫn tự chủ được trong hoạt động hàng ngày.
– Giai đoạn 4: Bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng chức năng, cần hỗ trợ một phần nhưng vẫn có thể đi đứng được.
– Giai đoạn 5: Ở giai đoạn này, bệnh nhân không còn tự chủ được hoạt động của mình, phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường.
4. Điều trị các triệu chứng Parkinson
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có một phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson. Người bệnh chỉ có thể áp dụng các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn sự tiến triển của bệnh bằng các phương pháp:
4.1 Điều trị bằng thuốc
Có nhiều nhóm thuốc điều trị Parkinson thường được sử dụng là:
– Nhóm ức chế cholin
– Nhóm thuốc kích thích các thụ thể dopamin
– Nhóm thuốc thay thế dopamin giúp bổ sung dopamin kịp thời và đúng cơ chế bệnh sinh
– Nhóm thuốc ức chế hủy dopamin, tuy nhiên hiện này nhóm này hiện nay ít có trên thị trường Việt Nam.
Khi dùng các loại thuốc này, cần khởi đầu bằng liều thấp, sau đó tăng dần và duy trì liều. Nếu muốn thay thế loại thuốc khác cần thay thế dần dần, không dừng đột ngột.
Cần uống thuốc theo đơn để tránh các tác dụng phụ như: khô mắt, khô miệng, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, dị ứng, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, táo bón, lú lẫn, ảo giác, kích động…
Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm nhóm thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh để chống gốc tự do và chăm sóc hệ thần kinh.
4.2 Các phương pháp điều trị khác
Cho đến nay, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp ưu tiên trong điều trị bệnh Parkinson. Các phương pháp khác chỉ áp dụng khi điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc kém hiệu quả. Các biện pháp điều trị bằng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền cũng góp phần hạn chế những ảnh hưởng của bệnh tuy nhiên cần lựa chọn cơ sở uy tín và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Khi thấy các triệu chứng Parkinson, cần đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó có hướng điều trị phù hợp.