Các triệu chứng khi tiêm vắc xin thông thường là các biểu hiện nhẹ và diễn ra trong một thời gian ngắn sau khi trẻ tiêm chủng. Trong bài viết này, hãy cùng phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI tìm hiểu về các phản ứng trẻ có thể gặp phải sau tiêm cũng như giúp bố mẹ có cách xử trí hiệu quả và đúng cách nhé!
Menu xem nhanh:
1. Những điều bố mẹ cần nắm trước khi đưa bé đi tiêm chủng
1.1 Thực hiện khám sàng lọc trước khi trẻ tiêm vắc xin
Khám sàng lọc trước tiêm chủng nhằm đảm bảo rằng trẻ đủ điều kiện sức khỏe, từ đó giảm nguy cơ xảy ra các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Điều này cũng giúp phát hiện sớm các tình trạng bất thường và quyết định liệu có nên tạm hoãn việc tiêm chủng hoặc lựa chọn loại vắc xin thích hợp cho từng trường hợp. Vì vậy, sự hợp tác giữa cha mẹ, người chăm sóc trẻ trực tiếp và bác sĩ là rất quan trọng để đảm bảo tiêm chủng diễn ra đúng thời điểm, hiệu quả và an toàn.
1.2 Thông báo cho bác sĩ các thông tin cần thiết
Để quá trình tiêm chủng cho trẻ được diễn ra an toàn và hiệu quả. Trước khi tiêm, trẻ cần có tình trạng sức khỏe tốt và không có triệu chứng bệnh hoặc sốt (trong vòng 3 ngày gần đây).
Có một số trường hợp mà bố mẹ không nên đưa trẻ đi tiêm phòng:
– Trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn hoặc đang trong quá trình điều trị bệnh khác.
– Trẻ đang mắc bệnh cấp tính, có triệu chứng như mệt mỏi, sổ mũi, tiêu chảy, sốt cao, hoặc các triệu chứng khác.
– Trẻ có tiền sử dị ứng hoặc bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch.
Nếu trẻ thuộc các trường hợp trên thì nên lùi lịch tiêm chủng để đảm bảo sức khỏe và tránh phản ứng bất lợi sau khi tiêm. Nếu bố mẹ không chắc chắn về tình trạng sức khỏe của con, hãy đưa trẻ đến bệnh viện hoặc phòng khám để khám tổng quát, phát hiện các vấn đề sức khỏe kịp thời trước khi tiêm chủng.
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe của bé. Dựa trên thông tin này, bác sĩ sẽ quyết định xem trẻ có nên tiêm phòng vắc xin hay không. Bố mẹ cần lưu ý các hướng dẫn về việc tiêm chủng đúng lịch hoặc lùi lịch nếu cần. Đồng thời cần ghi nhớ kết quả khám tổng quát để bố mẹ biết cách chăm sóc trẻ hiệu quả hơn.
Ngoài ra, có một số trường hợp bạn cần xem xét trước khi tiêm chủng cho bé:
– Nếu trẻ đang trong quá trình điều trị và đang sử dụng thuốc trong vòng 2 tuần gần đây, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi tiêm vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin.
– Bố mẹ cũng cần chia sẻ với bác sĩ nếu trẻ từng có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng mẫn cảm với các thành phần của thuốc, thức ăn hoặc sau lần tiêm gần đây. Qua đó giúp bác sĩ lựa chọn vắc xin phù hợp và hướng dẫn cách theo dõi bé sau khi tiêm chủng để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.
1.3 Cho trẻ ăn gì trước khi tiêm chủng?
Trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng, bố mẹ chỉ nên cho trẻ ăn hoặc bú đủ lượng thức ăn cần thiết. Đừng để con đói trước khi tiêm phòng, vì điều này có thể dẫn đến việc đường huyết của trẻ tụt thấp sau tiêm. Khi tiêm phòng, trẻ có thể cảm thấy đau và nhiều trẻ sẽ khóc mạnh, vì vậy việc cung cấp đủ lượng thức ăn trước tiêm phòng sẽ giúp tránh tình trạng trẻ nôn mửa sau khi tiêm vì đã ăn quá nhiều. Điều này sẽ giúp quá trình tiêm phòng được thuận lợi và thoải mái hơn cho trẻ.
2. Chăm sóc trẻ hiệu quả sau khi tiêm vắc xin
2.1 Các triệu chứng khi tiêm vắc xin có thể xảy ra
– Sốt nhẹ là phản ứng phổ biến sau khi tiêm phòng xảy ra ở trẻ. Là khi cơ thể trẻ phản ứng với vắc xin, và thường tự khỏi sau 1-2 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể phát sốt cao trên 39 độ C. Trong trường hợp này, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
– Vết tiêm sưng đỏ và đau: Đây là triệu chứng bình thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày mà bố mẹ không cần phải lo lắng. Bố mẹ có thể sử dụng phương pháp chườm lạnh tại vùng tiêm để giúp giảm đau cho trẻ.
– Dị ứng: Một số trẻ có thể phản ứng dị ứng sau khi tiêm phòng, có thể xuất hiện các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân. Các triệu chứng này cũng sẽ biến mất sau vài ngày.
– Phản ứng hiếm gặp: Một số trẻ có thể trải qua các phản ứng nghiêm trọng như tai biến thần kinh, viêm hạch, hoặc viêm não. Đây là các phản ứng nặng và có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Nếu trẻ gặp phải, hãy ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được xem xét và điều trị kịp thời.
2.2 Những lưu ý quan trọng sau khi trẻ tiêm vắc xin
– Theo dõi sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng: Trẻ sau khi tiêm vắc xin cần được theo dõi tình trạng sức khỏe trong khoảng 30 phút. Nhân viên y tế sẽ tiến hành kiểm tra các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng, bao gồm việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trên da trước khi cho trẻ ra về.
– Bố mẹ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ tại nhà ít nhất trong vòng 24 giờ đầu. Nên chú ý đến các dấu hiệu như tinh thần, thời gian ăn uống, giấc ngủ, hình thức thở, và vùng da có nổi phát ban hoặc có triệu chứng gì đặc biệt tại vị trí tiêm chủng.
– Đảm bảo rằng trẻ được ăn/ bú đủ bữa
– Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ vào ban đêm
– Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc (nếu có).
– Nếu trẻ có triệu chứng sốt, nên đo nhiệt độ, chườm mát cơ thể và sử dụng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ (nếu cần).
– Không nên đắp bất kỳ chất gì vào vị trí tiêm như lá cây, chanh, hoặc khoai tây.
Nếu có bất kỳ phản ứng nào bất thường, cần đưa trẻ đến ngay bác sĩ để kiểm tra lại khi:
– Trẻ có biểu hiện co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, hoặc bỏ bú.
– Trẻ bị khó thở, cơ thể tím tái, nổi mề đay trên da toàn thân, có dấu hiệu chân tay lạnh, hoặc nổi vân tím.
– Nhiệt độ cơ thể của trẻ duy trì ở mức cao trên 39 độ C liên tục và không hạ sốt bằng các biện pháp thông thường sau 3 ngày.
Trên đây là những thông tin liên quan đến các triệu chứng khi tiêm vắc xin, hy vọng hữu ích với bố mẹ. Nếu như còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến việc chăm sóc trẻ trước và sau tiêm chủng, vui lòng liên hệ ngay đến phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được hỗ trợ và giải đáp nhanh chóng.