Khi tia sáng không thể hội tụ ở đúng trên võng mạc là nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ của mắt. Việc này khiến mắt bị mờ đi khi quan sát những vật ở thế giới bên ngoài, gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống. Vậy các tật khúc xạ của mắt có nguy hiểm không, cách điều trị tật khúc xạ là gì. Tất cả sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới, bạn hãy theo dõi nhé.
Menu xem nhanh:
1. Các tật khúc xạ của mắt có nguy hiểm không?
Tật khúc xạ là tình trạng mắt không thể điều tiết hoặc điều tiết kém khiến mắt bị mờ. Tình trạng này xảy ra là do một số bộ phận của mắt gặp bất thường như giác mạc quá xẹp hay phồng, trục nhãn cầu quá ngắn hoặc dài,… khiến ánh sáng khi đi vào mắt không thể hội tụ đúng trên võng mạc mà lại hội tụ ở phía trước gây cận thị, phía sau gây viễn thị, hoặc tại nhiều điểm gây loạn thị.
Tật khúc xạ ở mức độ nhẹ thường chỉ khiến tầm nhìn bị mờ, nếu chỉnh kính tầm nhìn sẽ được cải thiện mà không đe dọa đến sức khỏe thị lực. Tuy nhiên, nếu ở mức độ nặng thì tật khúc xạ sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm dẫn đến mắc các bệnh về mắt như nhược thị, lác, bong võng mạc và xuất huyết dịch kính.
1.1. Nhược thị
Xảy ra ở người cận thị, loạn thị và viễn thị nặng. Nhược thị khiến não bị mất tín hiệu một phần hay hoàn toàn từ mắt, nếu được phát hiện trước 6 tuổi có thể điều chỉnh và cải thiện thị lực và trên 6 tuổi sẽ rất khó để cải thiện thị lực kể cả có thực hiện chỉnh kính.
1.2. Lác
Xảy ra ở người cận và viễn thị nặng. Lác khiến cho sự phối hợp tập trung điều tiết của các cơ kém đi gây mất thẩm mỹ và giảm thị lực, nếu lác nặng bắt buộc phải cần đến sự can thiệp của phẫu thuật mới có thể lấy lại thị lực.
1.3. Bong võng mạc và xuất huyết dịch kính
Xảy ra ở người cận thị nặng. Ở mắt người cận thị nặng trục nhãn cầu thường bị kéo dài hơn so với bình thường, dễ xảy ra co kéo võng mạc làm cho vùng chu biên của võng mạc mỏng dần. Lâu ngày có thể gây bong võng mạc và xuất huyết dịch kính, khả năng phục hồi thị lực rất kém và có thể dẫn tới mù lòa.
2. Nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ?
Ở một số người, các tật khúc xạ được sinh ra do di truyền, bẩm sinh, gặp các chấn thương ở mắt, mắc bệnh đái tháo đường và huyết áp, hoặc được hình thành do sự thay đổi hormone thai kỳ.
Bên cạnh đó, tật khúc xạ cũng được hình thành do các thói quen xấu như:
– Để mắt làm việc quá nhiều: tập trung nhìn gần trong thời gian dài là yếu tố gây mắc tật khúc xạ khá cao.
– Thói quen sinh hoạt không đúng cách: tư thế ngồi khi học tập và làm việc sai, thường xuyên để mắt làm việc trong điều kiện ánh sáng yếu, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng,… khiến sức khỏe thị lực ngày càng xuống dốc.
– Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử trong công việc và giải trí như máy tính, điện thoại thông minh,… Các ánh sáng năng lượng cao do các thiết bị điện tử phát ra tác động sâu vào đáy mắt gây tổn thương võng mạc, tạo áp lực lên mắt khiến mắt phải điều tiết liên tục gây giảm thị lực.
3. Triệu chứng của tật khúc xạ
Triệu chứng của các tật khúc xạ khá phức tạp, tùy thuộc vào từng dạng tật khác nhau. Tuy nhiên, mờ mắt là triệu chứng phổ biến và dễ phát hiện nhất. Bên cạnh đó, còn có một số triệu chứng thường gặp khác như là:
– Tầm nhìn bị mờ nhòe, không rõ ràng khi nhìn các vật thể ở thế giới bên ngoài.
– Khi nhìn cần phải nheo mắt lại mới thấy rõ.
– Nhức đầu, mỏi mắt, mắt bị khô và hay chảy nước mắt.
– Nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng xung quanh ánh đèn.
– Nhìn 1 thành 2
Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác nữa. Vì thế nếu bạn phát hiện các bất thường ở mắt nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được thăm khám kịp thời.
4. Điều trị tật khúc xạ bằng cách nào?
4.1. Điều chỉnh bằng kính thuốc
Những trường hợp tật khúc xạ nặng cần được chẩn đoán sớm và điều trị bằng kính để tránh nhược thị. Đặc biệt là đối với trẻ em, việc đeo kính sớm và đúng còn giúp thị giác phát triển. Đeo kính là một phương pháp điều trị tật khúc xạ an toàn và dễ thực hiện nhất, giúp mắt nhìn rõ, đỡ mệt mỏi và nhức đầu. Với phương pháp này người bệnh có thể sử dụng kính có gọng hoặc kính áp tròng mềm.
Tuy nhiên việc đeo kính gọng cũng gây một số bất tiện nhất định như là bất tiện khi đi trời tối, trời mưa, tham gia các hoạt động thể thao, bơi lội…
4.2. Điều chỉnh bằng Ortho-K
Ortho-K là kính tròng cứng, được dùng để định hình giác mạc khi ngủ. Đeo mỗi đêm khoảng 6 – 8 giờ, giúp điều chỉnh lại tạm thời hình dạng của giác mạc. Sau mỗi sáng thức dậy, kính Ortho-K được tháo ra thì mắt tật khúc xạ có thể nhìn rõ mọi vật mà không cần sử dụng đến bất kỳ loại kính nào khác.
Trong trường hợp người mắc tật cận thị chưa đủ tuổi phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật, sử dụng kính áp tròng Ortho-K sẽ hạn chế được sự tăng độ cận, thậm chí có thể làm giảm được độ cận.
Mặc dù các tật khúc xạ của mắt có thể không gây biến chứng nguy hiểm ngay lập tức tới tính mạng. Tuy nhiên, tật khúc xạ có thể diễn tiến nặng thành biến chứng nguy hiểm tới thị lực nếu không được điều trị sớm hoặc điều trị sai cách. Vì vậy, nếu phát hiện các triệu chứng về tật khúc xạ hay các biểu hiện lạ ở mắt, hãy tìm đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất.