Tiêm phòng cúm là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em và người lớn trước virus cúm và những biến chứng nguy hiểm do virus cúm gây ra. Hiện nay ở Việt Nam có nhiều loại vắc xin phòng cúm với lịch tiêm phòng khác nhau. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ chia sẻ cho bạn đầy đủ thông tin về các loại vắc xin phòng cúm đang có ở Việt Nam và phác đồ tiêm phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Các loại vắc xin phòng cúm phổ biến ở Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam đang phổ biến 4 loại vắc-xin phòng cúm chính là vắc xin Influvac (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và vắc xin cúm Vaxigrip tetra (Pháp).
Trong đó, vắc xin Vaxigrip tetra phòng được 4 chủng cúm gồm 2 chủng cúm A là A/H1N1, A/H3N2 và 02 chủng cúm B là Yamagata, Victoria.
Ba vắc xin còn lại phòng được 3 chủng cúm, gồm 2 chủng cúm A là A/H1N1, A/H3N2 và 01 chủng cúm nhóm B (Yamagata hoặc Victoria).
1.1. Vắc xin tứ giá Vaxigrip tetra (Nguồn gốc: Pháp)
Vắc xin tứ giá Vaxigrip tetra được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Sanofi Pasteur (Pháp). Loại vắc xin này được đóng gói 0.5ml/mỗi liều tiêm, chỉ định tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Phác đồ tiêm ở mỗi độ tuổi là khác nhau.
Đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi chưa tiêm mũi vắc xin nào, liều tiêm là 2 mũi, mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ nhất thời gian 1 tháng, tiêm nhắc lại hàng năm.
Đối với trẻ em từ 9 tuổi trở lên và người lớn, lịch tiêm vắc xin cúm Vaxigrip tetra chỉ gồm 1 mũi và tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần.
1.2. Vắc xin tam giá Influvac (Nguồn gốc: Hà Lan)
Vắc xin tam giá Influvac được nghiên cứu và sản xuất bởi hãng Abbott (Hà Lan). Vắc xin Influvac được đóng gói 0.5ml/ mỗi liều tiêm, chỉ định tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Phác đồ tiêm ở mỗi độ tuổi là khác nhau.
Đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi chưa tiêm mũi vắc xin nào, liều tiêm là 2 mũi, mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ nhất thời gian ít nhất 4 tuần, tiêm nhắc lại hàng năm.
Đối với trẻ em từ 9 tuổi trở lên và người lớn, lịch tiêm vắc xin cúm Influvac chỉ gồm 1 mũi và tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần.
1.3. Vắc xin tam giá GC Flu (Nguồn gốc: Hàn Quốc)
Vắc xin tam giá GC Flu được nghiên cứu và phát triển bởi Green Cross Corporation (Hàn Quốc), vắc xin này được chỉ định sử dụng rộng rãi cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên và người lớn. Phác đồ tiêm ở mỗi độ tuổi là khác nhau.
Đối với trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 9 tuổi chưa tiêm mũi vắc xin nào, liều tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
Đối với trẻ trên 9 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin, liều tiêm gồm 1 mũi và sau đó tiêm nhắc lại hằng năm.
1.4. Vắc xin tam giá Ivacflu-S (Nguồn gốc: Việt Nam)
Vắc xin tam giá Ivacflu-S được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế IVAC của Việt Nam. Vắc xin Influvac được đóng gói 0.5ml/ mỗi liều tiêm, chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Liều tiêm 1 mũi và tiêm nhắc lại mỗi năm 01 lần.
2. Nên tiêm vắc xin phòng cúm nào?
Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, quan trọng nhất là tất cả người dân bao gồm cả người lớn và trẻ em đều được tiêm đầy đủ vắc xin cúm mùa và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần để chủ động bảo vệ sức khỏe.
Người dân có thể tiêm bất cứ loại vắc xin phòng cúm nào đã được cấp phép. Trong các loại vắc xin phòng cúm, không có vắc xin nào được xem là ưu tiên hay được coi là tốt hơn loại vắc xin nào.
Tiêm phòng đầy đủ giúp cơ thể có đầy đủ kháng thể để bảo vệ bạn trước dịch bệnh bao gồm: bảo vệ hệ miễn dịch, giảm tối đa nguy cơ mắc cúm, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm cũng sang cho người khác, giảm tỷ lệ nhập viện do cúm, giảm tỷ lệ tử vong do cúm.
Một lưu ý cần quan tâm khi lựa chọn vắc xin tiêm chủng là cần chọn loại vắc xin phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người tiêm, nhất là đối tượng trẻ em.
4. Lưu ý khi đi tiêm phòng cúm
Để đảm bảo an toàn khi đi tiêm chủng vắc xin cúm mùa, bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.
– Nếu người tiêm chủng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ, người cao tuổi thì trước khi tiêm cần được khám kỹ càng với bác sĩ tiêm chủng. Đồng thời, người tiêm cần chủ động cung cấp cho bác sĩ những thông tin về bệnh sử, tình trạng sức khỏe hiện tại và các vấn đề liên quan khác để bác sĩ có cân nhắc trước khi đưa ra chỉ định tiêm chủng.
– Sau tiêm chủng, những phản ứng phụ thường gặp từ mức độ nhẹ đến trung bình như sốt nhẹ, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, đau cơ, đau khớp, ban đỏ,… hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể tự khỏi sau 1 đến 2 ngày nên bạn không cần quá lo lắng.
– Trường hợp sau tiêm chủng gặp phải những phản ứng nghiêm trọng như nổi mề đay, sốt cao, co giật, khó thở, buồn nôn, phù mạch nhanh, tụt huyết áp, rối loạn ý thức, lờ đờ, ngất,… thì cần được đưa ngay tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời.
– Nếu bị cúm trong giai đoạn mang thai, thai nhi có nguy cơ gặp phải nhiều nguy hiểm về sức khỏe, mắc các dị tật bẩm sinh,… vì thế mẹ nên chủ động tiêm vắc xin phòng cúm trước khi mang thai ít nhất một tháng để có thể có đầy đủ kháng thể bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn cho thai nhi. Khi mẹ tiêm ngừa cúm trước mang thai, kháng thể cũng được truyền cho em bé và bảo vệ bé khỏi virus cúm trong những năm tháng đầu đời, đây là điều rất có lợi cho bé.
Mục đích của tiêm vắc xin cúm chính là tạo hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus cúm, giảm tỷ lệ nhập viện do cúm, chặn nguy cơ mắc những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy vắc xin cúm cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch, tiêm nhắc lại mỗi năm một lần để đảm bảo hệ miễn dịch toàn diện.