Tai là 1 trong 3 bộ phận thông nối trực tiếp bên trong cơ thể với môi trường bên ngoài gồm tai, mũi, họng nên rất dễ bị bệnh, phổ biến nhất là bệnh viêm tai. Nhóm bệnh lý này chia thành 3 loại chính theo cấu tạo tai, bao gồm viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm tai trong với những biểu hiện khác nhau. Phân biệt và nhận biết đúng loại bệnh từ những biểu hiện ban đầu sẽ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả và giảm nguy cơ chuyển biến xấu.
Menu xem nhanh:
1. Viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài là bệnh ít đem đến biến chứng nguy hiểm và biểu hiện ít nghiêm trọng nhất trong 3 loại. Đây là loại bệnh xảy ra do nhiễm trùng lớp da mỏng khoang tai, tác nhân gây ra thường là vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp có thể là nấm, nhưng khá hiếm gặp.
Viêm nhiễm ở tai ngoài có 2 thể là cấp tính và mạn tính, đồng thời cũng có đa dạng bệnh lý như: viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai, nấm ống tai, viêm sụn vành tai, viêm vành tai ngoài,…
1.1 Biểu hiện
Những triệu chứng xuất hiện khi tai ngoài bị viêm khá rõ ràng, đặc biệt là ở thể bệnh cấp tính, bao gồm những tình trạng sau:
– Đau ở tai, đau tăng khi kéo nhẹ dái tai hoặc khi ấn vào tai.
– Ngứa bên trong tai.
– Viêm tai có mủ chảy ra từ trong tai, có thể có thể là dịch trong suốt hoặc vàng.
– Sốt nhẹ.
– Mất thính lực tạm thời.
Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể có u hoặc nhọt trong khoang tai khiến người bệnh đau dữ dội, tự ý tác động có thể làm mụn vỡ ra gây chảy máu, mủ,…
1.2 Nguyên nhân
Bệnh thường do các tác nhân bên ngoài môi trường tác động, gây tổn thương vùng da tại đây, dẫn đến viêm nhiễm. Các nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng viêm nhiễm ở tai ngoài gồm có: bơi lội ở vùng nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh, có dị vật hoặc côn trùng mắc kẹt trong tai, sử dụng bông ngoáy tai không đúng cách gây tổn thương da ống tai, đeo tai nghe không sạch,…
Đối với bệnh viêm tai ngoài mạn tính có thể nguyên nhân là do dị ứng với dị vật nằm trong tai hoặc xảy ra ở người có làn da nhạy cảm, người mắc bệnh da liễu mạn tính như chàm, vảy nến,…
Vì những nguyên nhân này nên bất cứ ai cũng có thể bị bệnh, tuy nhiên trẻ em, người thường xuyên đi bơi và những người có làn da nhạy cảm là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
1.3 Điều trị
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể thông qua phương pháp soi kiểm tra tai, trường hợp nghiêm trọng thì sẽ cần lấy mẫu mủ trong tai để xét nghiệm ra loại vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh đều có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh nhỏ tai theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó thuốc kháng sinh dạng uống, các thuốc giảm ngứa, giảm viêm, thuốc giảm đau,… cũng có thể được bác sĩ kê đơn tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể.
2. Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là một trong số những bệnh lý phổ biến với những biểu hiện và biến chứng nặng nề hơn so với bệnh viêm nhiễm ở tai ngoài. Đây là tình trạng phần tai giữa bị tổn thương và viêm nhiễm do vi khuẩn sinh sôi và phát triển hoặc do ảnh hưởng từ tác nhân môi trường bên ngoài. Đối tượng có thể bị bệnh phủ ở mọi độ tuổi, tuy nhiên tỉ lệ trẻ em chiếm đa số do khu vực này chưa phát triển hoàn thiện.
Tai giữa là phần ở phía sau của màng nhĩ có chức năng truyền tải âm thanh từ bên ngoài. Vì vậy nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến thính lực, thậm chí gây khiếm thính, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển, học tập của trẻ nhỏ.
Có 3 thể bệnh với những nguyên nhân gây bệnh khác nhau:
– Viêm tai giữa cấp tính: là tình trạng tai giữa bị virus, vi khuẩn tấn công, gây viêm. Bệnh lý này thường là biến chứng của đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.
– Viêm tai giữa mạn tính: là tình trạng viêm tai có mủ, tai chảy mủ dai dẳng trên > 6 tuần, thường bắt nguồn do thể cấp tính kéo dài. Bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc nước xâm nhập vào tai giữa trong khi tắm hoặc bơi.
– Viêm tai giữa ứ dịch: là tình trạng có dịch ở tai giữa do không điều trị sớm khi mắc thể cấp tính hoặc do tắc nghẽn vòi eustachian không nhiễm trùng.
2.1 Biểu hiện và biến chứng viêm tai giữa
Đây là bệnh lý về tai có thể mắc ở cả người lớn và trẻ em với những biểu hiện khác nhau và có đặc trưng cụ thể.
Đối với trẻ em khi mắc bệnh sẽ thường có các triệu chứng như:
– Quấy khóc
– Sốt cao 39 – 40 độ C, có thể đi kèm co giật
– Nôn trớ, ăn kém,…
– Đau bên trong tai khiến trẻ lắc đầu liên tục,…
– Rối loạn tiêu hóa, khó giữ thăng bằng, trằn trọc khó ngủ.
Hiện tượng viêm tai giữa có thể tiến triển nặng chỉ sau 2 – 3 ngày, khi bệnh ở mức độ nặng, màng tai bị thủng, dịch mủ sẽ chảy ra ngoài qua lỗ tai. Nếu cha mẹ không phát hiện và đưa trẻ đi khám kịp thời, bệnh có thể nhanh chóng chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đối với người lớn bệnh lý này thường có triệu chứng điển hình như:
– Đau bên trong tai, cảm giác nhói và giật ở tai, cơn đau có thể kéo lên vùng đầu hoặc khiến tai tê cứng.
– Chức năng nghe ảnh hưởng, người bệnh nghe không rõ
– Có cảm giác ù tai
– Cảm thấy trong tai ừ, ọc ọc như chứa nước,…
Ở thể cấp tính, bệnh có thể tiến triển thành viêm tai giữa mủ, viêm tai giữa thanh dịch.
Khi xuất hiện mủ, tổn thương tai giữa và màng nhĩ rất dễ xảy ra, nếu kéo dài có thể làm chảy dịch liên tục qua lỗ thủng màng nhĩ, thủng màng nhĩ, liệt mặt, mất thính lực. Ở trẻ em có thể gặp các biến chứng: viêm tai xương chũm, thậm chí là viêm màng não, áp xe não, ảnh hưởng đến khả năng nghe – nói của trẻ.
2.2 Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến bệnh này chủ yếu ở cả người lớn và trẻ nhỏ là do vi trùng hoặc siêu vi xâm nhập từ môi trường gây nhiễm trùng mũi họng. Ngoài ra còn có một số lý do khác như do tắc vòi nhĩ, u ở vòm họng, viêm mũi xoang mủ, biến chứng bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, trào ngược dạ dày,….
Bên cạnh đó cũng có các yếu tố kết hợp, góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh, cấu trúc tai bất thường,…
Tai giữa bị viêm có thể gặp phải ở nhiều đối tượng, tuy nhiên tập trung ở trẻ em nhiều nhất và tiến triển bệnh cũng thường trở nặng do:
– Cấu trúc tai trẻ phát triển chưa hoàn thiện
– Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu
– Thường hay mắc các bệnh về đường hô hấp, gây nên biến chứng này.
2.3 Điều trị viêm tai giữa
Điều trị viêm ở tai giữa kịp thời là điều vô cùng quan trọng đối với người bệnh để tránh rủi ro ảnh hưởng đến thính lực và sức khỏe. Khi kéo dài, bệnh có thể tiến triển thành bệnh mạn tính khó phục hồi như: viêm tai dính, xẹp nhĩ, xơ nhĩ,…
Việc điều trị bệnh sẽ tùy theo tình trạng viêm và tổn thương ở từng đối tượng, thông thường giai đoạn đầu chủ yếu bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh dạng nhỏ và uống, thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm viêm phù hợp.
Nếu bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, kéo theo màng nhĩ bị thủng thì bệnh nhân cần điều trị tại cơ sở y tế để được theo dõi sát sao tình trạng thủng lỗ màng nhĩ. Nếu các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng, một số trường hợp biến chứng người bệnh có thể cần mổ viêm tai xương chũm, mổ viêm tai giữa để đặt ống thông nhĩ Diablo hoặc nạo viêm amidan.
Chi phí mổ viêm tai xương chũm, mổ viêm tai giữa bao nhiêu tiền luôn là điều mà các bệnh nhân quan tâm khi điều trị. Thông thường mổ đặt ống thông nhĩ ở bệnh nhân viêm ở vùng tai giữa sẽ thấp hơn so với mổ viêm tai xương chũm. Vì đây là 2 loại phẫu thuật cần sự tỉ mỉ, yêu cầu độ chính xác cao nên người bệnh cần chọn cơ sở điều trị có trang thiết bị uy tín và bác sĩ tay nghề cao để thực hiện.
3. Viêm tai trong
Viêm tai trong là loại bệnh hiếm gặp nhất trong 3 loại, tuy nhiên nó lại nguy hiểm hơn hẳn. Khác với 2 loại trên, tai trong bị viêm có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cân bằng và thính giác của người mắc.
Bệnh lý này được chia thành 2 loại theo 2 nhóm tác nhân chính gây bệnh là:
– Do virus
– Do vi khuẩn
3.1 Biểu hiện
Các triệu chứng viêm tai trong có thể xuất hiện đột ngột, có trường hợp các triệu chứng có thể kéo dài trong một vài tuần nhưng sau đó tự biến mất. Ở một số trường hợp khác, các triệu chứng có thể kéo dài hoặc tái phát khi di chuyển đầu đột ngột.
Các triệu chứng khi tai trong bị viêm thường gặp gồm:
– Choáng, chóng mặt
– Ù tai, giảm thính giác
– Buồn nôn, nôn
– Mất thăng bằng
– Tai tiết dịch mủ
– Rung giật nhãn cầu
Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng việc xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng kéo dài. Ở những trường hợp nặng có thể gây nên tổn thương khó hồi phục cho hệ thống tiền đình. Do đó ngay khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đi khám ngay để được xác định nguyên nhân do virus hay vi khuẩn, từ đó bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị thích hợp. giảm thiểu biến chứng sau này.
3.2 Nguyên nhân
Bệnh viêm tai trong có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi do nguyên nhân gây bệnh rất dễ gặp, bao gồm:
– Các bệnh viêm đường hô hấp
– Nhiễm virus ở tai trong
– Nhiễm virus dạ dày
– Nhiễm virus herpes
– Nhiễm khuẩn từ tai giữa do không điều trị sớm
– Nhiễm sinh vật gây bệnh, ví dụ như bệnh Lyme
Bên cạnh đó cũng có các tác nhân khiến cho nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:
– Hút thuốc lá
– Uống nhiều rượu
– Có tiền sử dị ứng
– Thường xuyên mệt mỏi
– Đang bị căng thẳng cực độ
– Dùng thuốc không kê đơn
3.3 Điều trị
Do bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe tổng thể nên việc điều trị đóng vai trò hết sức quan trọng.
Để điều trị, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc kháng sinh và thuốc giúp thuyên giảm triệu chứng bệnh như:
– Thuốc kháng sinh, giảm viêm không kê đơn và có kê đơn
– Thuốc giảm hiện tượng chóng mặt, buồn nôn
– Thuốc an thần theo kê đơn
Viêm tai nói chung là bệnh lý phổ biến và rất dễ điều trị nếu phát hiện và điều trị sớm. Việc điều trị sớm và đúng cách có thể giảm đáng kể nguy cơ tổn thương tai và thính lực kéo dài cho người bệnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc thăm khám khi có biểu hiện bệnh, thăm khám định kỳ tai mũi họng cũng nên được thực hiện đều đặn để chúng ta có thể chủ động kiểm soát sức khỏe.
Chuyên khoa Tai Mũi Họng TCI với phác đồ điều trị có tâm và tối ưu cho từng trường hợp bệnh nhân. Nếu có dấu hiệu bệnh hoặc thắc mắc về bệnh, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp và tư vấn nhanh chóng.