“Bỏ túi” 3 cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh đột quỵ lên tới 50%. Cùng với đó là nhiều di chứng nặng nề nếu không được kịp thời cứu chữa. Vì vậy, việc phòng ngừa đột quỵ xảy ra là vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ 3 cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ hiệu quả.

1. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Đột quỵ là căn bệnh cấp tính nguy hiểm, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên đây thường là hậu quả của quá trình tích tụ lâu dài của những nguy cơ gây bệnh mà không có các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát kịp thời.

Các yếu tố nguy cơ phổ biến gây đột quỵ gồm:

– Tuổi tác: Đột quỵ thường xảy ra ở những người trên 65 tuổi, tuy nhiên bệnh ngày càng trẻ hóa.

– Giới tính: Ở Việt Nam, nam giới có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp 1,5 lần nữ giới. Điều này hoàn toàn trái ngược với nước ngoài.

– Tiền sử đột quỵ: Nếu gia đình có ông bà, bố mẹ từng bị đột quỵ thì khả năng con cháu mắc bệnh này sẽ cao hơn người bình thường.

– Các bệnh lý: Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, bệnh mạch vành, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não, dị dạng mạch máu,… sẽ rất dễ bị đột quỵ.

– Thói quen thiếu khoa học: Gồm hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thường xuyên căng thẳng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, thịt đỏ, mỡ động vật…

– Thừa cân, béo phì: Những người có cân nặng quá khổ cũng dễ bị đột quỵ.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.

2. Chia sẻ 3 cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ hiệu quả

Nếu không kiểm soát kịp thời các yếu tố trên thì nguy cơ đột quỵ sẽ luôn “bủa vây” con người. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính, di truyền, bạn có thể tác động vào các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi bằng các cách sau:

2.1 Thay đổi lối sống – Cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ đơn giản nhưng hiệu quả

Thay đổi lối sống bao gồm các biện pháp thay đổi về chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, vận động sao cho khoa học, lành mạnh và tốt cho sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo các biện pháp thay đổi tích cực giúp phòng tránh đột quỵ não gồm:

– Chú ý chế độ dinh dưỡng

Các chuyên gia Nội thần kinh và Dinh dưỡng khuyên mỗi người nên hạn chế muối, đồ ăn nhiều chất béo, đường,…trong khẩu phần ăn hàng ngày để ngăn nguy cơ tích tụ cholesterol trong máu, ngăn tình trạng tăng huyết áp, từ đó giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Đồng thời, nên bổ sung rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ cho cơ thể.

– Hoạt động thể chất phù hợp

Tăng cường các hoạt động thể chất lành mạnh, vừa sức giúp nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, giảm cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý dẫn đến đột quỵ.

– Giải tỏa căng thẳng

Để làm được điều này, bạn cần cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Việc tham gia các hoạt động thể thao, giải tri hàng ngày sẽ giúp giải tỏa stress, căng thẳng trong công việc, cuộc sống.

– Kiểm soát cân nặng

Kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm cân nếu cần thiết, tránh tình trạng thừa cân béo phì. Lưu ý, nên giảm cân khoa học bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý thay vì các phương pháp giảm cân cấp tốc vì các phương pháp thiếu khoa học có thể gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe.

– Kiêng chất kích thích

Cần hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lào,… để tránh gây tăng huyết áp – yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy, việc giảm lượng bia rượu tiêu thụ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.

– Đảm bảo giấc ngủ

Đảm bảo giấc ngủ là rất yếu tố quan trọng để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai và đầy năng lượng. Các chuyên gia khuyên bạn nên đi ngủ sớm và tránh những yếu tố làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm như ánh sáng, nhiệt độ phòng, không gian phòng ngủ, ga giường,… không thích hợp.

Thay đổi lối sống là cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ xảy ra

Tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán là cách ngăn đột quỵ hiệu quả.

2.2 Cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ nhờ kiểm soát các bệnh lý nguy cơ

Nếu đang mắc các bệnh lý nguy cơ đột quỵ như tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, thiếu máu não,… và đang điều trị thì bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc của bác sĩ, tránh tự ý giảm liều khi cảm thấy đỡ, tránh thay đổi loại thuốc khi cảm thấy không phù hợp. Thay vào đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đi khám để được điều chỉnh đơn thuốc phù hợp.

Người bệnh cũng nên tái khám theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra các chỉ số và hiệu quả của việc điều trị.

Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống cũng rất quan trọng để ngăn bệnh tiến triển xấu và biến chứng đột quỵ.

2.3 Tầm soát nguy cơ đột quỵ để ngăn đột quỵ khởi phát và gây hậu quả nghiêm trọng

Đột quỵ là một tình huống cấp tính nhưng các yếu tố gây ra đột quỵ thường không phải khi đó mới xuất hiện. Đa phần các trường hợp đột quỵ xảy ra là do các yếu tố nguy cơ không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Bởi vậy, việc tầm soát để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ dẫn đến nguy cơ đột quỵ là điều vô cùng quan trọng.

Tầm soát nguy cơ đột quỵ có nghĩa là tìm kiếm các dấu hiệu bất ổn trong trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, dấu hiệu của các bệnh lý nguy cơ như tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, các bệnh lý gan thận, dị dạng mạch máu,…

Thăm khám để dự phòng đột quỵ sớm và chính xác

Tầm soát nguy cơ đột quỵ với chuyên gia giỏi và hệ thống thiết bị hiện đại.

Nếu có nhu cầu thăm khám, người bệnh vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital