Lác mắt là vấn đề thường gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ sơ sinh và trẻ trỏ. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ không được phát hiện bệnh sớm, khiến thị lực bị ảnh hưởng nặng nề. Dưới đây là những biểu hiện của trẻ bị lác mắt để cha mẹ có thể kịp thời phát hiện và điều trị sớm cho con.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh lác mắt ở trẻ
1.1. Lác mắt là bệnh gì?
Lác mắt là vấn đề về thị giác khi cả hai mắt không nhìn vào cùng một điểm mà sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau.
Thông thường, các cơ gắn với mỗi mắt hoạt động cùng nhau để di chuyển cả hai mắt theo một hướng cùng một lúc. Tuy nhiên, khi các cơ mắt không hoạt động bình thường, mắt có thể bị lệch và não không thể hợp nhất những gì mắt này nhìn thấy với những gì mắt kia nhìn thấy. Lác mắt ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều bất tiện cho cuộc sống của trẻ, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, thậm chí mất thị lực.
1.2. Các loại mắt lác phổ biến
Lác mắt có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, có 4 loại lác mắt phổ biến nhất.
– Mắt lệch về phía mũi (hay còn gọi là lác trong).
– Mắt lệch về thái dương (hay còn gọi là lác ngoài).
– Mắt lệch về phía trên (hay còn gọi là lác trên).
– Mắt lệch về phía dưới (hay còn gọi là lác dưới).
1.3. Nguyên nhân gây lác mắt ở trẻ
Nguyên nhân gây ra lác mắt ở trẻ em không rõ ràng. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp mà các chuyên gia đưa ra:
– Các cơ ở hai não không hoạt động thống nhất.
– Hệ thần kinh của trẻ phát triển chậm.
– Trẻ mắc phải các tật khúc xạ như: Viễn thị, cận thị, loạn thị.
– Biến chứng sau khi bị sốt cao, co giật.
– Các cơ ở vùng nhãn cầu xuất hiện những bất thường.
– Mắt trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc gặp các vấn đề như sụp mi, nhược thị thực thể, chấn thương,…
– Yếu tố huyết thống trong gia đình.
– Một số bất thường khi sinh: sinh non, sinh thiếu cân, bại não, hội chứng Down, não úng thủy, u não…
2. Các biểu hiện của trẻ bị lác mắt
Lác mắt ở trẻ có thể có những dấu hiệu khác nhau, tùy thuộc vào mức độ bệnh của trẻ. Tuy nhiên, dưới đây là những biểu hiện đặc trưng và dễ dàng nhận biết nhất ở trẻ bị lác mắt:
– Khó nhìn cùng một hướng: Trẻ có khó khăn trong việc nhìn thẳng với cả hai mắt. Thay vì nhìn thẳng vào một vật, mắt của trẻ có thể chệch theo hai hướng hoặc chuyển động độc lập.
– Khó tập trung: Trẻ bị lác mắt có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào các hoạt động gắn liền với thị giác như đọc sách, xem TV và chơi các trò chơi thiên về quan sát. Việc mắt không hoạt động đồng thời và chính xác có thể làm giảm khả năng tập trung ở trẻ.
– Có thói quen nghiêng hoặc xoay đầu để nhìn: trẻ thường phải nghiêng đều để hai mắt có thể nhìn được đúng vị trí và hình dáng hình vật.
– Hay đau mắt hoặc mệt mỏi khi sử dụng mắt trong thời gian dài. Bởi mắt không hoạt động một cách bình thường và trẻ phải nỗ lực nhiều hơn để nhìn đúng sự vật.
– Song thị: nghĩa là hai bên mắt do không tập trung nên đưa ra hai hình ảnh không cùng vị trí và không giống nhau. Khi não tiếp nhận đồng thời tín hiệu khác nhau từ hai mắt sẽ khiến trẻ thấy như 2 lớp hình ảnh song song lệch nhau.
– Hậu đậu, đi hay vấp, làm việc không chính xác do lác mắt khiến tầm nhìn của trẻ bị ảnh hưởng.
3. Phát hiện và điều trị bệnh lác mắt ở trẻ
3.1. Phát hiện bệnh qua biểu hiện của trẻ bị lác mắt
Đối với bệnh lác mắt có biểu hiện rõ ràng, cha mẹ có thể phát hiện thông qua quá trình quan sát các cử chỉ, hành động của con hàng ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp lác nhẹ, lác không thường xuyên hoặc lác ẩn khó phát hiện hơn. Thêm vào đó, nhiều trẻ có thói quen nhìn nghiêng đầu từ nhỏ nên cha mẹ dễ bỏ qua.
Chính vì vậy, để xác định chính xác nhất, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở chuyên khoa để khám. Một số phương pháp phát hiện mắt lác mà các bác sĩ có thể sử dụng như:
– Xét nghiệm phản xạ ánh sáng giác mạc để kiểm tra mắt lác.
– Làm bài kiểm tra thị lực để xác định trẻ có nhìn xa được không.
– Bài kiểm tra che một mắt để đo chuyển động và độ lệch của mắt.
– Kiểm tra võng mạc để kiểm tra đáy mắt.
– Khám não và hệ thần kinh.
Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Bởi càng phát hiện sớm thì khả năng chữa trị thành công càng cao. Tốt nhất hãy sàng lọc bệnh ngay từ khi mang thai và quan sát tình trạng mắt của trẻ ngay từ khi bé mới sinh ra.
3.2. Điều trị cho biểu hiện của trẻ bị lác mắt
Lác mắt thường được điều trị bằng sự kết hợp của việc kính đeo mắt, liệu pháp thị lực và phẫu thuật. Phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ và nguyên nhân gây ra lác. Dưới đây là những phương pháp điều trị được sử dụng nhiều nhất với căn bệnh này.
– Đeo kính mắt hoặc kính áp tròng: giúp nhìn thẳng nếu trẻ có tật khúc xạ
– Sử dụng thuốc: thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc tiêm botulinum toxin. Phương pháp tiêm thuốc có thể được sử dụng cùng hoặc thay thế cho phẫu thuật, tùy thuộc tình trạng của mắt.
– Tập luyện các bài tập hỗ trợ chức năng của các cơ vận nhãn. Hầu như phương pháp này chỉ dùng cho hội chứng suy giảm hội tụ
– Phẫu thuật cơ mắt (phẫu thuật lác): Phẫu thuật thay đổi chiều dài hoặc vị trí của cơ mắt để mắt thẳng hàng. Điều này được thực hiện dưới gây mê toàn thân với các mũi khâu có thể hòa tan.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh lác mắt cũng như dấu hiệu của trẻ bị lác mắt. Những bậc cha mẹ nên quan tâm đến vấn đề thị giác của con từ những năm đầu đời. Cho con đi khám mắt định kỳ là cách hiệu quả để phát hiện kịp thời và tăng khả năng chữa trị.