Parkinson thuộc nhóm bệnh lý rối loạn thần kinh vận động. Các triệu chứng của bệnh gồm cứng cơ, run, tư thế và dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp… Tuy nhiên mức độ biểu hiện ở mỗi người bệnh mỗi giai đoạn bệnh là khác nhau. Cùng tìm hiểu về một số biểu hiện bệnh Parkinson ở từng giai đoạn qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh parkinson là bệnh gì?
Bệnh Parkinson (Parkinson’s Disease, PD) là một bệnh lý về thần kinh xảy ra khi một nhóm tế bào trong não bị thoái hóa. Khi các tế bào não không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, việc đi lại trở nên khó khăn, cử động chậm, chân, tay run cứng. Khi bệnh nặng, các tế bào thần kinh sẽ bị phá hủy, dẫn đến thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh – chất có vai trò gửi tín hiệu lên não để điều khiển mọi vận động.
2. Nguyên nhân gây bệnh Parkinson
Các nhà khoa học chưa đưa ra lý giải cụ thể về nguyên nhân các tế bào não sản sinh chất dẫn truyền thần kinh bị thoái hóa và chết đi, họ chỉ đưa ra một số yếu tố gây bệnh như:
– Do tuổi tác (lớn tuổi)
– Do di truyền học
– Do yếu tố môi trường
– Do virus
– Ti thể
3. Các giai đoạn tiến triển và biểu hiện bệnh Parkinson qua từng giai đoạn
Bệnh Parkinson thông thường sẽ có 5 giai đoạn. Trong đó, các triệu chứng của bệnh sẽ tiến triển từ nhẹ đến nặng tùy theo từng giai đoạn.
3.1. Giai đoạn 1: Run một bên cơ thể – Biểu hiện bệnh Parkinson chưa rõ ràng
Ở giai đoạn này, biểu hiện của bệnh Parkinson thường không rõ ràng. Nếu có, triệu chứng thường phát triển ở một bên cơ thể, chẳng hạn như run lắc 1 bên chân tay hoặc bị cứng cơ ở một số tư thế.
3.2. Giai đoạn 2: Run cả hai bên cơ thể
Bước sang giai đoạn này, các biểu hiện của bệnh Parkinson có thể xuất hiện ở cả hai bên cơ thể và có dấu hiệu rối loạn vận động. Lúc này, người bệnh thường gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, đi lại hàng ngày. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2 các biểu hiện thường chưa ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân.
3.3. Giai đoạn 3: Gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng
Khi đến giai đoạn này, người bệnh Parkinson sẽ cảm thấy khó khăn khi thực hiện ăn, uống do các cơ bị co cứng. Lúc này, các triệu chứng được biểu hiện rõ hơn và người bệnh thường gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, thường sẽ bị ngã.
3.4. Giai đoạn 4: Cứng cơ, vận động chậm
Đây là giai đoạn gần cuối của bệnh Parkinson. Bệnh tiến triển rất nhanh, các triệu chứng cứng cơ, vận động chậm sẽ biểu hiện rõ ràng và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Lúc này, người bệnh cần người thân giúp đỡ nhiều hơn để thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
3.5. Giai đoạn 5: Biểu hiện bệnh Parkinson giai đoạn cuối
Đây là giai đoạn suy nhược, biểu hiện bệnh Parkinson có thể xuất hiện ở người bệnh như nhức và đau cơ xương khớp, khó nuốt đồ ăn, khó thở và táo bón. Hơn nữa, người bệnh sẽ rất dễ bị ngã, co giật, đi tiểu mất kiểm soát, mất ngủ. Lúc này người bệnh thường phải ngồi xe lăn.
4. Điều trị bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson không thể chữa khỏi hoàn toàn. Sự can thiệp điều trị nội khoa có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng của người bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành làm phẫu thuật.
Hiện nay, việc dùng thuốc để điều trị giảm biểu hiện bệnh Parkinson là phương pháp phổ biến. Dùng thuốc có thể kiểm soát bệnh lên đến 4 hoặc 5 năm kể từ khi phát hiện ra bệnh. Những loại thuốc được kê cho bệnh Parkinson làm tăng nồng độ hoặc thay thế cho dopamine trong não bộ, vì người mắc bệnh Parkinson có nồng độ dopamine nội sinh trong não rất thấp.
Trong quá trình sử dụng thuốc phải theo dõi thường xuyên để điều chỉnh liều lượng phù hợp, tránh cho bệnh nhân sử dụng quá liều vì như vậy có thể gây ảo giác và một số tác dụng phụ khác.
Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Không tự ý dùng thuốc, bỏ thuốc hay tăng liều lượng thuốc. Nếu có biểu hiện bất thường, cần báo với bác sĩ ngay để có phương án điều chỉnh phù hợp.
Thuốc chỉ sử dụng để hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt mà bệnh nhân Parkinson gây ra. Ví dụ khi người bệnh run nhiều dẫn tới không thể ăn uống được thì có thể cho bệnh nhân dùng thuốc trước khi ăn 30 phút.
Trong một số trường hợp bệnh tiến triển nặng hoặc bệnh nhân đáp ứng kém với thuốc, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
5. Những biến chứng hay gặp ở bệnh nhân Parkinson
Bệnh Parkinson là bệnh mãn tính, tiến triển nặng dần, người bệnh dễ gặp phải một số biến chứng sau:
– Do chức năng đường ruột kém dẫn tới run và mất nhiều năng lượng gây táo bón
– Do hạn chế vận động nên người bệnh thiếu vitamin D, dễ gây loãng xương
– Dễ bị ngã do mất thăng bằng, kết hợp với tình trạng loãng xương, vì vậy người bệnh có nguy cơ cao bị gãy xương
– Ở giai đoạn nặng, cơ thể suy mòn, kết hợp co cứng cơ khiến bệnh nhân mất khả năng ho, khạc, dễ dẫn đến viêm phổi
– Hay bị ảo giác và hoang tưởng
– Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là mất ngủ
– Suy giảm trí nhớ và sa sút về trí tuệ
– Suy giảm chức năng tình dục
6. Một số lời khuyên dành cho bệnh nhân Parkinson
– Người bệnh nên thường xuyên tập đi lại, đi chậm, bước dài chân, tập hít thở, tắm nắng.
– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nhất là vitamin D, nên ăn các thực phẩm dễ tiêu.
– Có biện pháp hạn chế nhiễm trùng đường hô hấp như giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ gãy xương.
– Tham gia vào câu lạc bộ những người từng bị bệnh Parkinson, đây là nơi giúp bệnh nhân thoải mái chia sẻ cảm xúc với những người có kinh nghiệm.
– Chủ động gặp bác sĩ và thăm khám thường xuyên khi cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường.
Hy vọng những kiến thức về bệnh Parkinson và biểu hiện bệnh Parkinson theo từng giai đoạn sẽ giúp người nhà và người bệnh tìm ra cách điều trị hợp lý cho bệnh nhân.