Gan nhiễm mỡ là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam, chiếm tới 20 – 30% dân số. Bệnh bắt nguồn từ sự dư thừa mỡ trong gan. Vậy bị gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không và cách kiểm soát bệnh ra sao? Cùng tìm câu trả lời và thu nhận thêm kiến thức bổ ích về bệnh gan nhiễm mỡ qua bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Thông thường gan sẽ dự trữ một phần mỡ để cơ thể sử dụng khi cần. Lượng mỡ này thường chiếm khoảng 2 – 4% trọng lượng lá gan. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, lượng mỡ trong gan có thể cao hơn mức bình thường, gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
2. Bị gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Các yếu tố quyết định
2.1 Bị gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không phụ thuộc vào mức độ diễn tiến của bệnh
Bệnh gan nhiễm mỡ thường được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn đầu, lượng mỡ dư thừa chưa nhiều, các chức năng của gan chưa bị ảnh hưởng đáng kể nên người bệnh thường không hoặc ít biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, càng ở các cấp độ sau, bệnh càng biểu hiện rõ và trở nên nguy hiểm. Cụ thể:
Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn đầu tiên và nhẹ nhất của bệnh gan nhiễm mỡ. Lúc này, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm khoảng 5 – 10% tổng trọng lượng lá gan. Như đã nói ở trên, bệnh ở giai đoạn 1 ít gây nguy hiểm. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn này thì thường có thể chữa khỏi. Tuy nhiên triệu chứng ở giai đoạn đầu thường rất mờ nhạt khiến việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn.
Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, lượng mỡ trong gan dần tăng lên, chiếm 10 – 20% tổng trọng lượng lá gan nên được coi là giai đoạn tích tụ, nuôi bệnh. Lúc này người bệnh bắt đầu xuất hiện những biểu hiện như chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, mệt mỏi toàn thân… Tuy nhiên các triệu chứng này khá dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường nên bệnh nhân thường chủ quan, không thăm khám kịp thời. Điều này khiến bệnh có cơ hội phát triển và chuyển biến sang giai đoạn nặng hơn.
Giai đoạn 3
Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe. Lượng mỡ trong gan ở giai đoạn này đã chiếm tới 20 – 30% tổng trọng lượng lá gan, gây tổn thương gan, làm suy giảm chức năng gan. Các triệu chứng điển hình của bệnh gan như đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, nổi mẩn trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng… dần biểu hiện một cách rõ nét. Rối loạn nội tiết tố, phát triển tuyến vú, cương dương ở nam; rong kinh, rối loạn kinh nguyệt ở nữ là những vấn đề mà bệnh nhân gan nhiễm mỡ giai đoạn 3 có thể gặp phải.
Bệnh ở giai đoạn cuối hầu như không thể chữa khỏi được và rất dễ dẫn đến viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Các biện pháp điều trị chỉ nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và phòng tránh biến chứng.
Như vậy, mỗi giai đoạn của bệnh đều tiềm ẩn những nguy hiểm khác nhau đối với sức khỏe. Vì vậy dù bị gan nhiễm mỡ ở giai đoạn nào, bạn cũng nên điều trị sớm và theo dõi bệnh thường xuyên.
2.2 Nguyên nhân gây bệnh quyết định việc bị gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không
Dựa vào nguyên nhân chính gây bệnh, gan nhiễm mỡ được chia thành 2 loại:
– Gan nhiễm mỡ do rượu (NASH): Uống rượu quá nhiều hoặc trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan, dẫn đến suy giảm chức năng chuyển hóa mỡ. Điều này khiến gan không chuyển hóa chất được hết các chất độc tích tụ trong gan, gây nhiễm mỡ gan. Từ bỏ rượu giúp giảm tình trạng nhiễm mỡ ở gan. Ngược lại nếu sử dụng rượu quá nhiều hoặc liên tục trong thời gian dài thì bệnh gan nhiễm mỡ có nguy cơ cao tiến triển thành xơ gan.
– Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): Rối loạn chuyển hóa mỡ ở gan có thể dẫn đến dư thừa mỡ trong các mô gây suy giảm chức năng gan. Gan nhiễm mỡ không do rượu thường xảy ra ở những người bị tiểu đường, mỡ máu, béo phì…
Gan nhiễm mỡ không do rượu thường phức tạp và khó nhận biết hơn. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 20% người bị NAFLD có thể chuyển thành NASH.
3. Các biến chứng khó lường của bệnh gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng như tăng men gan, xơ gan, ung thư gan.
– Tăng men gan: Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng men gan hiện nay. Tỷ lệ bệnh NAFLD ở châu Âu chiếm khoảng 35% dân số. Ở châu Á, tỷ lệ này khoảng 25%.
– Viêm gan nhiễm mỡ: Mỡ “xâm chiếm” các tế bào gan càng nhiều, chức năng gan càng suy giảm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các độc tố, virus, vi khuẩn, kí sinh trùng xâm nhập và gây bệnh viêm gan. Người bệnh có thể suy kiệt nhanh chóng, thậm chí tử vong. Khoảng 15 – 30% dân số mắc bệnh NAFLD và trong nhóm này có đến 12 – 40% sẽ diễn tiến tới viêm gan nhiễm mỡ do rượu (NASH).
– Xơ gan: Quá trình tổn thương gan làm xuất hiện các xơ sẹo, gây xơ gan. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 15 – 25% bệnh nhân NASH sẽ diễn tiến đến xơ gan.
– Ung thư gan: Khoảng 75% trong nhóm bệnh nhân xơ gan sẽ tiến triển tới ung thư gan, gây những tác hại to lớn đối với sức khỏe.
4. Cách kiểm soát hiệu quả bệnh gan nhiễm mỡ
Việc điều trị gan nhiễm mỡ phụ thuộc vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh thường chỉ cần thay đổi lối sống để cải thiện bệnh.
– Giảm cân: Mục đích của việc này là làm giảm tổn thương gan, cải thiện đề kháng insulin. Tuy nhiên, cần tránh các cách giảm cân cấp tốc bởi giảm cân quá mức sẽ khiến bệnh gan nhiễm mỡ trầm trọng hơn.
– Chế độ ăn uống: Nên ăn nhiều rau củ quả, dầu thực vật, trứng, sữa, thịt, các loại đậu,…với lượng vừa phải. Hạn chế tiêu thụ chất béo, mỡ động vật, thực phẩm giàu cholesterol, chất kích thích, gia vị cay nóng,…
Nếu bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc:
– Vitamin E: Dùng cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ không bị đái tháo đường. Chống chỉ định với những bệnh nhân nam có tiền sử hoặc gia đình bị ung thư tiền liệt tuyến.
– Thuốc kiểm soát rối loạn lipid máu: Sử dụng các statin không chuyển hoá giúp cải thiện rối loạn lipid máu, giảm gan nhiễm mỡ.
– Tiêm phòng virus: Giúp phòng tránh virus gây tổn thương gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ không quá nguy hiểm và có thể chữa được nếu như được phát hiện sớm. Những đối tượng có nguy cơ cao cần kiểm tra chức năng gan định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần để sớm phát hiện bất thường. Nếu có bệnh, hãy điều trị sớm và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao.