Đau nửa đầu nói chung và đau nửa đầu phía sau là một chứng bệnh mà rất nhiều người gặp phải, gây nên nhiều khó chịu và bất tiện đối với sinh hoạt thường ngày và sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, đau nửa đầu sau nên uống thuốc gì là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu các loại thuốc chữa bệnh đau nửa đầu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây đau nửa đầu sau
Đau nửa đầu (hay migraine) là một dạng đau đầu khá phổ biến, chiếm khoảng 15% những trường hợp mắc chứng đau đầu. Tỷ lệ mắc bệnh này ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.
Đau nửa đầu sau đặc trưng bởi những cơn đau nhói hoặc âm ỉ ở nửa đầu trái hay phải phía sau, có thể lan xuống cả cổ, gáy, vai.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này chưa được giải thích rõ ràng, tuy nhiên có một số giải thuyết về cơ chế bệnh sinh được đưa ra như:
– Sự co giãn của các mạch máu ở đầu
– Các chất trung gian hóa học
– Sự tích tụ bất thường canxi bên trong tế bào thần kinh
– Sự thay đổi hormone, thường xảy ra ở các bé gái đầu tuổi dậy thì, trước hành kinh, phụ nữ mãn kinh hoặc dùng thuốc tránh thai.
– Di truyền: Yếu tố gia đình chiếm 70 – 90% số trường hợp mắc bệnh này.
– Căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi quá mức, mất ngủ triền miên…cũng có thể là các trạng thái thần kinh khiến bệnh khởi phát hoặc nặng thêm.
– Rượu và một số chất trong thực phẩm có thể là nguyên nhân gây bệnh.
2. Khi nào cần dùng thuốc và dùng như thế nào?
Hiện nay, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp chủ yếu để điều trị chứng đau nửa đầu sau. Tuy chưa có thuốc điều trị dứt điểm chứng đau nửa đầu nhưng vẫn có các loại thuốc nhằm cắt cơn và phòng ngừa cơn đau tái phát. Tùy vào từng trừng hợp mà các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc phù hợp. Đôi khi, cần phải phối hợp giữa điều trị cắt cơn với điều trị dự phòng để giảm tần số, cường độ, thời gian diễn ra các cơn đau và các triệu chứng kèm theo.
2.1 Thuốc điều trị cắt cơn
Đối với các trường hợp đau nhẹ, cơn đau ít xảy ra, thời gian mỗi cơn đau ngắn, bệnh nhân chỉ đau nhẹ hoặc vừa phải thì có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường không steroid như aspirin, indometacin, diclofenac … Đối với những người bị bệnh dạ dày thì nên dùng paracetamol.
Những thể nặng có thể dùng một trong các loại thuốc sau:
– Naproxen
Đây là dẫn xuất của acid propionic có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp các prostaglandin. Nhờ đó có khả năng hạ nhiệt, giảm đau. Thuốc có tác dụng tốt giảm nhanh cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, chống chỉ định với trẻ em dưới 15 tuổi, người bị loét dạ dày, hen suyễn, phụ nữ có thai, cho con bú,.
– Ergotamin
Ergotamin là một ancaloid được chiết xuất từ nấm cựa gà, chỉ dùng khi các thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng và dùng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau.
Thuốc có tác dụng gây co mạch, chống mất trương lực động mạch, nhờ vậy làm giảm hiện tượng đau nửa đầu. Tuy nhiên, không được dùng Ergotamin quá 7 ngày. Trong nhiều trường hợp cần phải nghỉ vài ngày mới được dùng tiếp.
Nếu người bệnh không dùng thuốc được theo đường uống, có thể thay thế bằng thuốc dạng viên đạn đặt qua trực tràng.
Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, người bệnh tim, xơ vữa động mạch, suy tuần hoàn ngoại vi, suy gan thận nặng.
2.2 Thuốc điều trị dự phòng
Thuốc điều trị dự phòng thường được dùng cho những người có cơn đau dày, thể nặng nhằm ngăn cơn đau nửa đầu sau tái phát. Có thể kể đến một trong các thuốc sau:
– Dihydroergotamin
Đây là loại thuốc được dùng nhiều hơn cả. Thuốc có tác dụng duy trì thế cân bằng vận mạch ở não và kháng serotonin, giúp ổn định tính tăng phản ứng ở các mạch máu, đặc biệt là ở hệ thống động mạch cảnh ngoài.
Chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang cho con bú, người suy gan thận nặng …
– Pizotifen
Thuốc có tác dụng chống lại sự tăng cường chất trung gian hóa học, đa phần liên quan đến serotonin. Nhờ vậy, có thể điều trị cơ bản chứng đau nửa đầu, nhức đầu vận mạch hoặc sau chấn thương. Dùng thuốc với liều tăng dần, không dùng cho phụ nữ có thai, nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh tăng nhãn áp (glaucome)…
– Flunarizin
Đây là loại thuốc giúp ngăn chặn sự tích tụ ion canxi trong tế bào thần kinh. Do vậy, thuốc này có khả năng chống chóng mặt do rối loạn ở trung ương thần kinh, phòng bệnh đau nửa đầu.
Ngoài ra, còn có thể dùng các thuốc dự phòng khác như:
– Atenolol
– Propranolol
– Amitriptylin
Hiện nay, việc nghiên cứu tìm kiếm thuốc mới, hoặc thiết bị điều trị chứng đau nửa đầu vẫn đang diễn ra, mang lại nhiều hi vọng cho người bệnh trong việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả các cơn đau.
Các loại thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, không có tác dụng tuyệt đối. Để lựa chọn thuốc thích hợp, bạn cần phải đến gặp bác sĩ, những người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm điều trị phong phú. Các bác sĩ sẽ dựa theo thể trạng, khả năng dung nạp thuốc của bạn, hiệu quả của thuốc và tác dụng phụ của thuốc để tư vấn và chỉ định cho bạn loại thuốc phù hợp nhất.
3. Những lưu ý giúp phòng ngừa cơn đau tái phát
Nhiều nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố thường gặp như căng thẳng, lối sống không lành mạnh, sử dụng các chất kích thích,… có thể làm tăng nguy cơ đau nửa đầu.
Để phòng ngừa các cơn đau tái phát, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý những điều sai:
– Giữ tâm lý thoải mái, tránh mọi lo âu, stress.
– Tránh làm việc trí óc hoặc lao động thể lực quá sức.
– Không ngồi quá lâu trước máy vi tính hay nghe nhạc quá to.
– Ngủ đủ giấc, người trưởng thành nên ngủ 7 – 8 giờ mỗi ngày.
– Xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục vừa sức và đều đặn để giảm căng thẳng thần kinh, tăng khả năng tuần hoàn, giảm các cơn đau nửa đầu do vận mạch.
– Có chế độ ăn uống thích hợp, tránh các thức ăn có chứa nhiều chất tyramin (một chất có nhiều trong sữa, trứng, fomat, sôcôla …); không được dùng các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, thuốc lào …
Hi vọng một số thông tin trên đây đã giúp bạn giải đáp được phần nào thắc mắc đau nửa đầu sau nên uống thuốc gì và các biện pháp phòng ngừa. Tốt nhất khi có biểu hiện đau đầu, bạn nên đi khám để được xác định nguyên nhân và tư vấn điều trị bởi bác sĩ.