Trĩ là căn bệnh thầm kín khó chia sẻ, bởi vậy có không ít người băn khoăn, lo lắng về cách xử trí khi mắc phải căn bệnh này. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về trĩ, cũng như cần xử trí thế nào khi bị bệnh trĩ.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh trĩ biểu hiện với các triệu chứng ra sao?
1.1. Trĩ được hiểu như thế nào?
“Thập nhân cửu trĩ” – bệnh trĩ phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu trĩ là gì, hình thành do đâu. Bệnh trĩ có đặc trưng là các búi trĩ – các khối thừa ở khu vực hậu môn gây ngứa ngáy, khó chịu, vướng víu thậm chí đau rát cho người mắc. Các búi này thực chất hình thành do sự giãn nở quá mức của đám rối tĩnh mạch hậu môn – trực tràng gây nên. Sự giãn nở này là hệ quả của những tình trạng như ứ trệ máu tại tĩnh mạch hậu môn, tăng áp lực ổ bụng,…
Bệnh trĩ được các chuyên gia phân chia thành hai dạng chính là trĩ nội (nằm hoàn toàn trong ống hậu môn sau đó sa ra ngoài theo cấp độ nặng) và trĩ ngoại (nằm bên ngoài hậu môn ngay từ đầu và tăng kích thước gây khó chịu theo độ nặng). Ngoài ra, bệnh trĩ hỗn hợp là tình trạng kết hợp của hai loại bệnh trĩ trên.
Bên cạnh đó, mỗi loại bệnh trĩ đều được chia thành 4 cấp độ, trong đó cấp độ 1 – giai đoạn khởi điểm của bệnh, búi trĩ thường nhỏ và các triệu chứng còn nhẹ. Cấp độ 2, 3 thường là giai đoạn bệnh tiến triển, các biểu hiện dần tăng nặng lên. Ở cấp độ 4 – cấp độ nặng, bệnh nhân thường đối mặt với nguy hiểm và đau đớn cực đại do trĩ nằm hoàn toàn ngoài hậu môn hoặc viêm nhiễm, nhiễm trùng,..
1.2. Những biểu hiện cho thấy bạn bị bệnh trĩ
Bệnh trĩ thường biểu hiện thông qua những triệu chứng bạn có thể nhận biết như sau:
– Hậu môn xuất hiện những khối thừa gây ngứa ngáy, khó chịu, vướng víu và đau rát. Càng ngày các khối càng to lên hoặc sa ra ngoài gây đau đớn, chảy máu.
– Hậu môn nhớp nháp, chảy dịch gây khó chịu và mặc cảm, tự ti
– Ở bệnh nhân trĩ nội, lượng máu chảy sẽ nhiều hơn, lượng máu có thể tăng dần đến mức độ chảy thành tia máu. Máu chảy thường không lẫn vào phân, có đặc tính là giàu oxy nên có màu đỏ tươi.
– Ở bệnh nhân trĩ ngoại, mặc dù ít chảy máu hơn nhưng độ đau đớn thường cao hơn rất nhiều. Điều này rất dễ hiểu do búi trĩ nằm bên ngoài hậu môn thường cọ xát với trang phục, bề mặt phẳng gây đau rát.
Mặc dù đây là căn bệnh lành tính nhưng người bị bệnh trĩ thường gặp nhiều khó khăn khi đại tiện, chất lượng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
2. Người bệnh cần làm gì khi mắc bệnh trĩ?
2.1. Thăm khám càng sớm càng tốt khi bị bệnh trĩ
Bệnh trĩ là căn bệnh lành tính nhưng lại không thể tự khỏi và cũng không thể khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân không điều trị đúng hướng. Cách tốt hơn cả khi nhận thấy các dấu hiệu bị bệnh trĩ là thăm khám bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín.
Thông thường, khi thăm khám vào giai đoạn 1, bệnh mới chớm, các bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân điều trị nội khoa. Các loại thuốc sẽ được kê đơn nhằm mục đích giảm đau, giảm triệu chứng bệnh, ngoài ra sẽ hỗ trợ nhuận tràng và tăng độ bền tĩnh mạch. Hầu hết các triệu chứng sẽ giảm dần sau thời gian dùng thuốc chỉ định. Và thời điểm này thường là giai đoạn vàng bởi điều trị rất đơn giản và nhẹ nhàng.
Khi bệnh đang ở giai đoạn tiến triển – búi trĩ thập thò gây vướng víu, khó chịu nhưng việc điều trị bằng thuốc không còn đảm bảo được tính nhanh chóng, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân một số phương pháp ngoại khoa không xâm lấn. Đặc biệt trong đó, công nghệ Laser Diode – mổ trĩ không dao kéo được áp dụng giúp bệnh nhân nhẹ nhàng thoát trĩ.
2.2. Tuân thủ các chỉ định trong điều trị bệnh trĩ từ bác sĩ chuyên khoa
Bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng thuốc, thời gian sử dụng, cách dùng từng loại thuốc được chỉ định từ bác sĩ. Ngoài ra, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng khác ngoài chỉ định hay bất kỳ loại thuốc dân gian nào, cần tham vấn bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng để hạn chế những rủi ro không mong muốn.
Khi búi trĩ đã phát triển lớn, bệnh nhân chú ý nên tuân thủ các chỉ định ngoại khoa, nếu cần mổ thì nên mổ sớm, tránh để bệnh nặng thêm thì việc điều trị bệnh sẽ khó khăn, tốn kém thời gian và tiền bạc hơn.
2.3. Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh, đặc biệt là trong chế độ ăn uống và vận động chính là điều không chỉ người bị bệnh trĩ cần xây dựng – duy trì mà cả người bình thường cũng nên thực hiện để phòng bệnh trĩ. Cần chú ý những điều sau:
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để đại tiện dễ dàng, tránh trĩ sa ra nặng hơn
Cần ăn nhiều rau xanh, quả chín – những nguồn chất xơ dồi dào hạn chế táo bón và giúp bệnh nhân có thể đi đại tiện dễ dàng hơn.
Cần uống đủ nước và bổ sung thực phẩm có tác dụng nhuận tràng
Hạn chế uống rượu bia, không sử dụng chất kích thích, ngoài ra tránh lạm dụng thực phẩm khó tiêu, nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,..
Bổ sung các thực phẩm có chứa sắt giúp tạo máu, khắc phục tình trạng thiếu máu, mất máu do bệnh trĩ gây nên
Chế độ vận động hợp lý, tránh ngồi/ đứng quá lâu
Bệnh nhân bị bệnh trĩ nên có một chế độ vận động hợp lý với các bài tập thể dục, yoga nhẹ nhàng. Những bài tập này giúp bệnh nhân tăng tuần hoàn máu, giảm ứ trệ máu tại tĩnh mạch hậu môn gây trĩ. Ngoài ra, những bài tập này còn tránh cho bệnh nhân ngồi quá lâu khiến bệnh trĩ nặng thêm.
Tập thói quen đại tiện lành mạnh
Bệnh nhân cần có thói quen đại tiện lành mạnh, không ngồi đại tiện quá lâu, không rặn quá mạnh. Ngoài ra nếu có thể, hãy tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định trong một ngày.
Trên đây là những kiến thức hữu ích về bệnh trĩ giúp bạn hiểu hơn về bệnh, cũng như nắm được cách xử trí khi bị bệnh trĩ. Bệnh trĩ là căn bệnh lành tính và hoàn toàn có thể khỏi nếu bệnh nhân đảm bảo được tiêu chí thời gian và phương pháp hợp lý trong việc điều trị.