Bệnh viêm xoang mạn tính khi tiến triển nặng có thể gây ra nhiều biến chứng về hô hấp, hen phế quản, viêm màng não,… Chính vì thế, điều trị sớm và đúng cách là việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết viêm xoang mạn tính
Tình trạng viêm nhiễm tại các hốc xoang, gây tiết dịch, làm tắc nghẽn lỗ thông xoang, gây đau nhức, khó chịu được gọi là viêm xoang. Trong tình trạng viêm xoang với các triệu chứng bệnh kéo dài trên 12 tuần được xác định là thể viêm xoang mạn tính – thường do viêm xoang cấp không được điều trị đúng cách, không hiệu quả tiến triển thành. Bệnh cũng có thể do vấn đề viêm mũi xoang dị ứng, sự bất thường cấu trúc mũi xoang, hay hội chứng trào ngược gây nên.
Viêm xoang mạn tính có những triệu chứng điển hình khá tương đồng với viêm xoang cấp tính, nhưng thường nhẹ hơn và kéo dài hơn:
– Ngạt mũi, tắc mũi
– Dịch nhầy vùng mũi, mủ đặc
– Đau đầu, đau tại các xoang
– Cảm giác áp lực ở vùng mũi, trán
– Giảm khứu giác
– Một số dấu hiệu khác có thể kèm theo bệnh viêm xoang mạn như: ho, hơi thở có mùi hôi, mệt mỏi,…
Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ nội soi mũi họng, CT Scan để chẩn đoán chính xác và có phương án phù hợp để điều trị cho người bệnh.
2. Cẩn trọng biến chứng bệnh
Những triệu chứng khó chịu của viêm xoang có thể ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống của người bệnh. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, viêm xoang mạn tính còn gây nhiều biến chứng nguy cơ lân cận khác mà chúng ta cần đề phòng.
2.1. Biến chứng hô hấp
Tình trạng viêm nhiễm kéo dài tại các ổ xoang khi viêm xoang mạn tính kéo dài khiến viêm nhiễm có thể lây lan sang các khu vực lân cận, đặc biệt là khu vực tai mũi họng. Do lây nhiễm, người bị viêm xoang mạn tính có thể bị các vấn đề như: viêm tai giữa, viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm thanh quản, giãn phế quản,…
2.2. Bệnh về mắt
Nhiễm khuẩn có thể khiến khu vực mắt chịu tổn thương nhất định, bao gồm: viêm phần trước ổ mắt, viêm dây thần kinh hậu nhãn cầu, dễ bị ảnh hưởng thị lực.
2.3. Biến chứng nội sọ
Một nguy nguy cơ nguy hiểm từ viêm xoang mạn biến chứng xa, đó là các biến chứng nội sọ. Viêm xoang mạn có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang,…
3. Điều trị đúng cách và phù hợp cho người bị viêm xoang mạn
Các bác sĩ tai mũi họng TCI cũng cho biết, viêm xoang mạn tính thường kéo dài, dễ tái phát. Trong khi đó, hiện nay, rất nhiều người vẫn chủ quan với bệnh lý này. Nhiều người bệnh thường dùng lại các đơn thuốc cũ của bản thân, hoặc sử dụng thuốc không theo giám sát của bác sĩ, hoặc uống thuốc tùy triệu chứng và để mặc cho tình trạng viêm xoang liên tục, không khỏi hẳn. Không chỉ không chấm dứt được bệnh, những cách xử trí này không những không giải quyết được viêm xoang mạn, mà còn kéo các biến chứng của bệnh gần hơn.
Dựa trên kết quả thăm khám và nhận định về tình trạng, biến chứng của bệnh viêm xoang mạn, các bác sĩ tai mũi họng sẽ cân nhắc, đưa ra chỉ định điều trị và phác đồ phù hợp với người bệnh, nhằm đảm bảo việc dẫn lưu tốt, chống phù nề niêm mạc, giải quyết nguyên nhân bệnh, kết hợp điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ.
3.1. Điều trị nội khoa bệnh viêm xoang mạn tính
Với tình trạng niêm mạc xoang chưa thoái hóa quá nhiều, không có dị hình cấu trúc mũi xoang, các lỗ thông xoang chưa hoàn toàn bị bít tắc, các bác sĩ thường chỉ định điều trị nội khoa cho người bệnh. Các thuốc thường được kê dùng điều trị viêm xoang mạn bao gồm::
– Thuốc kháng sinh: như Amoxicilin, Cefadroxil,… Kháng sinh cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng nhờn thuốc cũng như các vấn đề sức khỏe lâu dài của người bệnh.
– Thuốc dị ứng: dùng trong trường hợp viêm xoang mạn do dị ứng nhằm làm nhẹ phản ứng và viêm nhiễm tại chỗ.
– Thuốc corticosteroid đường uống và đường xịt
– Thuốc co mạch
– Làm thuốc mũi
– Thuốc rửa mũi
Một số thuốc và xịt chỉ sử dụng ngắn ngày, vì thế, cần chú ý thực hiện uống thuốc theo đơn thuốc và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng quá kích phản ứng hoặc khiến niêm mạc mũi họng khô.
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bị viêm xoang mạn cần kết hợp các biện pháp chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng, bồi bổ thể trạng và nghỉ ngơi đúng cách.
3.2. Phẫu thuật chữa bệnh viêm xoang mạn tính
Phẫu thuật viêm xoang mạn được chỉ định với các trường hợp:
– Viêm xoang liên tục, lặp lại trên 5 lần trong năm
– Người bệnh điều trị nội khoa nhưng không khỏi.
– Vấn đề dị hình giải phẫu: vẹo/lệch vách ngăn, phì đại cuốn mũi, bóng hơi cuốn giữa,…
– Polyp mũi xoang
– Tắc nghẽn lỗ thông xoang và biến chứng
Hiện nay, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong phẫu thuật nội soi mũi xoang đang ngày càng phổ biến, giúp việc điều trị nhanh chóng, an toàn và hiệu quả hơn, đồng thời, hạn chế các biến chứng thường thấy trong các phương pháp phẫu thuật truyền thông, giúp quá trình phục hồi cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh phương pháp phẫu thuật điều trị xoang, người bệnh cần thực hiện chăm sóc và điều trị sau mổ đúng cách:
– Điều trị toàn thân bằng các thuốc kháng sinh, corticosteroid dạng uống và dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thể trạng.
– Điều trị tại chỗ bằng cách: bỏ merocel mũi sau 24h, rửa mũi, làm thuốc mũi, dùng thuốc co mạch, corticosteroid dạng xịt,…
– Tránh những sinh hoạt hoặc ăn uống ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
4. Tổng quát
Nhìn chung, bệnh viêm xoang mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Việc điều trị đúng cách là điều cần thiết nhằm ngăn chặn những hậu quả lây lan do nhiễm trùng cũng như các nguy cơ lâu dài. Do đó, khi có dấu hiệu bệnh, cần sớm đến các các cơ sở tai mũi họng để thăm khám và có chỉ định điều trị phù hợp.