Một trong những câu hỏi mà Thu Cúc TCI nhận được rất nhiều trong thời gian gần đây là u nang buồng trứng có chữa được không? Để hiểu hơn về căn bệnh này cũng như cách phòng tránh u nang buồng trứng, mời chị em theo dõi trong bài viết này nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khái quát thông tin về u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ với các khối u hay khối dịch lỏng xuất hiện ở buồng trứng. Chúng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, gồm các chị em đã hoặc chưa quan hệ tình dục, có gia đình hay đang độc thân. Khi nang trứng phát triển không đầy đủ khiến cho khả năng hấp thụ các chất lỏng trong buồng trứng mất đi và dẫn đến u nang. Thông thường u nang buồng trứng là u lành tính, có thể teo nhỏ hoặc tự biến mất khi đến thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp u nang phát triển lớn, nếu kích thước u nang > 5cm, sẽ có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và các biến chứng nghiêm trong cho chị em phụ nữ. U nang buồng trứng cần được phát hiện sớm để kịp thời điều trị hay loại bỏ khối u nhằm ngăn chặn các biến chứng.
Thông thường, u nang buồng trứng được phát hiện khi tiến hành khám phụ khoa hay khi khám sức khỏe tổng quát, bởi những biểu hiện của bệnh bước đầu thường không gây ra các biểu hiện quá nghiêm trọng. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của u nang buồng trứng:
– Đau bụng: Là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của u nang buồng trứng, có thể xảy ra khi u nang lớn hơn hay áp lực lên các cơ quan khác. Đau có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên bụng và tái phát sau vài tháng.
– Rối loạn kinh nguyệt: U nang buồng trứng có thể gây ra sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt hoặc lượng kinh nguyệt của chị em. Khi đó, kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc ít hơn so với bình thường.
– Rối loạn nội tiết tố: U nang buồng trứng có thể gây ra rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ, dẫn đến các triệu chứng như tăng cân, mụn trứng cá, mất ngủ, mệt mỏi, tiểu đêm và giảm ham muốn tình dục.
– Khó thụ thai: Khả năng thụ thai sẽ có thể ảnh hưởng do u nang gây áp lực lên tử cung hoặc làm cho các trứng không được thải ra đúng cách.
– Sự phát triển tóc và lông ở những nơi không bình thường: Một số loại u nang buồng trứng có thể dẫn đến sự phát triển tóc và lông trên cơ thể như: mặt, ngực và cổ.
– Sự thay đổi kích thước của buồng trứng: U nang xuất hiện có thể sẽ kéo theo kích thước của buồng trứng cũng tăng theo.
Ngoài ra, u nang buồng trứng lớn có thể gây ra áp lực lên các cơ quan khác và gây hiện tượng buồn nôn.
2. U nang buồng trứng có điều trị được không?
Bệnh u nang buồng trứng có thể chữa khỏi nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, nếu không sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trong như: xoắn u nang, vỡ u nang, chèn ép các tạng xung quanh… Việc điều trị phụ thuộc vào mỗi loại u nang và nguyên nhân gây ra, có khoảng 90% ca u nang buồng trứng ở nữ giới độ tuổi sinh sản không phải ung thư và ít cần tới các can thiệp đặc biệt. U nang cơ năng thường sẽ không cần điều trị mà chúng sẽ tự biến mất sau khoảng 9 đến 12 tuần. Ngược lại, với u nang thực thể thường không có dấu hiệu rõ ràng, tiến triển chậm. Khi có những biểu hiện bất thường rõ ràng thì u đã to, gây chèn ép các tạng xung quanh nguy cơ cao trước các biến chứng nguy hiểm.
2.1 Các phương pháp chữa u nang buồng trứng
Ba phương pháp điều trị u nang buồng trứng hiện nay là dùng thuốc, phẫu thuật mổ hở và phẫu thuật nội soi. Tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
– Điều trị bằng thuốc (nội khoa): Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nội tiết nhằm giảm kích thước khối u, giảm các triệu chứng gây ra bởi rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt, ví dụ như: thuốc tránh thai, thuốc progesterone…
Tuy nhiên, khi không sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng thì khối u vẫn phát triển từ từ và chị em cũng sẽ gặp phải các tác dụng phụ nếu như sử dụng thuốc trong thời gian dài.
– Phẫu thuật nội soi: thường được chỉ định khi u nang buồng trứng không quá lớn, không quá dính, không nghi ngờ ác tính để đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là ít gây đau, nhanh hồi sức và thời gian lưu viện ngắn.
– Phẫu thuật mổ hở: được chỉ định đối với điều trị những khối u nang kích thước lớn, nghi ngờ ung thư không thể tiến hành mổ nội soi. Cần phải nhập viện trước một vài ngày để thuận tiện cho việc theo dõi và kiểm tra sau đó. Điểm hạn chế của phẫu thuật mổ hở là chị em sẽ cần nhiều thời gian hơn để hồi phục sức khỏe, sẽ phải yêu cầu nhập viện trước vài ngày và lưu viện sau phẫu thuật để theo dõi. Vì vậy mà phương pháp này chỉ được chỉ định trong trường hợp không thể mổ nội soi chữa u nang buồng trứng.
2.2 Phòng ngừa bệnh u nang bằng cách nào?
– Chú ý đến dinh dưỡng bằng cách bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng như: rau củ, trái cây, thực phẩm giàu protein và hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa chất béo. Bên cạnh đó, uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày và tập luyện thể thao đều đặn là những điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ phát triển khối u.
– Điều chỉnh nội tiết tố bằng cách sử dụng phương pháp Đông y nhằm điều hòa khí huyết, loại bỏ sự ứ trệ và cân bằng nội tiết tố. Điều này có thể giúp giảm kích thước hoặc loại bỏ các khối u xơ tử cung, u nang và tránh phẫu thuật cũng như ngăn tái phát.
– Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa sự phát triển của các khối u. Tâm trạng không ổn định, căng thẳng, tức giận hay suy nghĩ, buồn chán kéo dài có thể dẫn đến suy gan, khí huyết trì trệ và làm tăng nguy cơ phát triển khối u.
– Tránh phá thai, vì phá thai có thể gây mất nhiều máu, hao tổn khí huyết, rối loạn chức năng tạng phụ và làm tăng nguy cơ phát triển các khối u xơ tử cung và u nang buồng trứng.
– Sử dụng các loại thảo dược chứa hoạt chất có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các khối u ác tính hoặc các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng được chiết xuất hoàn toàn từ tự nhiên và an toàn cho sức khỏe. Các sản phẩm này có thể giúp giảm kích thước hoặc loại bỏ các khối u một cách hiệu quả và tiện lợi, có thể sử dụng lâu dài mà không gây tác dụng phụ.
Ngoài ra, chị em nên duy trì những thói quen dưới đây để kiểm soát tình trạng của bệnh: Thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh, không tự ý thay đổi thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, quan sát chu kỳ kinh nguyệt để phát hiện các bất thường nếu có.Mặc dù là u lành tính, có thể chữa khỏi nhưng chị em phụ nữ không nên chủ quan với u nang buồng trứng để tránh gặp phải những hệ lụy khi bệnh nghiêm trọng. Như vậy, qua bài viết trên đã phần nào giúp chị em phụ nữ giải đáp được thắc mắc: Bệnh u nang buồng trứng có chữa được không? Nếu chị em cần thêm thông tin về u nang buồng trứng, vui lòng liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh chóng nhé!