Bệnh thoái hóa võng mạc là tên gọi chung của tất cả các tổn thương tế bào võng mạc mắt. Bởi võng mạc là bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp nhận ánh sáng từ môi trường bên ngoài, sau khi ánh sáng qua giác mạc và thủy tinh thể nên thoái hóa võng mạc rất nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm thoái hóa võng mạc
Như đã chia sẻ phía trên, võng mạc nằm tại đáy mắt, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể, mã hóa chúng thành tín hiệu thần kinh rồi gửi lên não. Thoái hóa võng mạc là một nhóm các bệnh lý nhãn khoa liên quan đến các tổn thương tế bào võng mạc. Tất cả các bệnh lý thoái hóa võng mạc đều tiềm ẩn nguy cơ gây suy giảm thị lực, thậm chí là mất thị lực hoàn toàn ở người bệnh.
2. Nguyên nhân thoái hóa võng mạc
Võng mạc được nuôi dưỡng bởi hệ thống mao mạch phân nhánh động mạch võng mạc trung tâm. Mọi tác nhân gây tổn thương hệ thống mao mạch đó, tức làm ảnh hưởng đến việc võng mạc được nuôi dưỡng đều được xem là nguyên nhân thoái hóa võng mạc. Theo đó, có thể chia những nguyên nhân ấy thành hai nhóm theo diễn tiến bệnh như sau:
2.1. Dạng 1 – Bệnh thoái hóa võng mạc không tăng sinh
Thoái hóa võng mạc không tăng sinh có thể khởi phát do sự bất thường của lưu lượng máu đến võng mạc hoặc sự tái tạo của hệ thống mao mạch nuôi dưỡng võng mạc. Có 3 cơ chế tổn thương chính trong thoái hóa võng mạc không tăng sinh: Phá hủy mao mạch, tổn thương võng mạc trực tiếp và tắc nghẽn mạch máu.
Về nguyên nhân tạo ra sự bất thường của lưu lượng máu đến võng mạc và sự tái tạo của hệ thống mao mạch nuôi dưỡng võng mạc, chúng ta có rất nhiều như sau:
– Tăng huyết áp: Áp lực cao trong mao mạch hệ thống làm thành động mạch, bao gồm cả động mạch nuôi dưỡng võng mạc, dày lên, làm giảm hiệu quả lưu lượng máu đến võng mạc. Sự giảm lưu lượng máu đến võng mạc này gây thiếu máu cục bộ, làm võng mạc tổn thương, gây thoái hóa võng mạc tăng huyết áp.
– Xơ vữa động mạch: Cũng gây hẹp lòng động mạch và giảm lưu lượng máu đến võng mạc.
– Sinh non
– Phóng xạ
– Bệnh hồng cầu hình liềm: Ở người bệnh hồng cầu hình liềm xuất hiện tình trạng tăng sinh tế bào máu. Tình trạng tăng sinh tế bào máu làm tăng độ quánh máu, khiến tốc độ dòng chảy chậm lại, đặc biệt là trong các động mạch nhỏ như động mạch võng mạc. Tốc độ dòng chảy chậm lại đồng nghĩa với việc lưu lượng máu đến võng mạc giảm.
2.2. Dạng 2 – Bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh
Là dạng thoái hóa võng mạc liên quan đến sự tăng trưởng bất thường của hệ thống mao mạch. Thông thường, sự tăng sinh là một kết quả không thể tránh khỏi của quá trình hình thành và phát triển mô. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng sinh cao bất thường, hệ thống mao mạch phát triển quá mức thì được gọi là tân mạch. Tân mạch thường yếu, tưới máu không hiệu quả cho các tế bào võng mạc, dẫn đến thoái hóa võng mạc tăng sinh. Được biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tân mạch là bệnh lý đái tháo đường.
Ngoài các nguyên nhân trên, thoái hóa võng mạc còn có thể là do đột biến gen, lão hóa, tác động của môi trường ô nhiễm, chế độ ăn thiếu lành mạch. Tuy nhiên, tỷ lệ thoái hóa võng mạc do những nguyên nhân này không cao.
3. Triệu chứng thoái hóa võng mạc
Bệnh thoái hóa võng mạc ở giai đoạn sớm thường không biểu hiện triệu chứng. Hầu hết bệnh nhân chỉ thăm khám và phát hiện ở giai đoạn muộn, khi thấy các dấu hiệu như: Suy giảm thị lực, xuất hiện điểm mù hoặc mất thị lực hoàn toàn, mất thị lực thường chỉ xảy ra ở một mắt, bệnh nhân khó nhận biết vì mắt lành có thể nhìn rõ ràng; xuất huyết thủy tinh thể.
4. Chẩn đoán thoái hóa võng mạc
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khoảng 5% bệnh nhân mù lòa là do thoái hóa võng mạc. Như vậy, có thể thấy đây là một bệnh lý vừa phổ biến vừa nguy hiểm. Chính vì vậy, chúng ta nên thăm khám định kỳ với chuyên gia nhãn khoa để được phát hiện sớm bệnh lý này. Nếu không thể thăm khám định kỳ, hãy đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa Mắt uy tín gần nhất khi các dấu hiệu bệnh đã được liệt kê phía trên xuất hiện.
Tại các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt, chẩn đoán thoái hóa võng mạc sẽ được thực hiện bởi chuyên gia nhãn khoa thông qua các biện pháp đo thị lực và soi đáy mắt.
5. Điều trị thoái hóa võng mạc
Bao gồm điều trị nguyên nhân bệnh và triệu chứng bệnh. Theo đó, một số phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc có thể kể đến là:
– Liệu pháp quang đông laser: Là phương pháp điều trị tiêu chuẩn của nhiều thể thoái hóa võng mạc. Thực tế cho thấy liệu pháp laser an toàn và cải thiện hiệu quả các triệu chứng thị giác ở thoái hóa võng mạc liên quan đến bệnh lý hồng cầu hình liềm và bệnh lý tiểu đường.
– Thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF): Những năm gần đây, kiểm soát tăng sinh tân mạch là phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc đầy hứa hẹn. Theo đó, các thuốc đã chứng minh khả năng hạn chế tăng sinh tân mạch hiệu quả có thể kể đến là Bevacizumab hoặc Pegaptanib.
– Tế bào gốc đa năng: Sử dụng tế bào gốc thay thế tế bào võng mạc đã tổn thương không phục hồi. Tế bào gốc này thường được lấy từ tế bào da của bệnh nhân để đảm bảo tương thích miễn dịch. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa võng mạc.
Phía trên là toàn bộ thông tin bạn cần biết về bệnh thoái hóa võng mạc, bao gồm: Khái niệm, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và điều trị. Nếu còn thắc mắc, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết mọi băn khoăn một cách nhanh chóng, bạn nhé!