Ngoài chuyện làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, bệnh suy thận còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục, sức khỏe sinh sản, gây vô sinh – hiếm muộn.
-Chào bác sĩ! Xin hỏi bác sĩ, bệnh suy thận là bệnh gì? (Minh Trang – Hà Nội)
Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể, chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra và sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc – môn do thận sản xuất.
-Triệu chứng lâm sàng của bệnh suy thận là gì?(Hoàng Biên – Hải Dương)
Người bệnh bị suy thận có các triệu chứng,như: Đau đầu do cao huyết áp, phù do ứ nước trong cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, đắng miệng, buồn nôn, mờ mắt, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, da xanh, móng tay chân và niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu… Ngoài ra, người suy thận còn có dấu hiệu môi thâm, răng xỉn, đau xương, đau răng và chảy máu chân răng.
-Xin hỏi bác sĩ có các dạng suy thận nào? (Nguyễn Lan – Hà Nội)
Có hai dạng suy thận chính là: Suy thận mạn tính và suy thận cấp tính.
Suy thận mạn diễn ra từ từ, trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm. Thận dần dần ngừng làm việc và dẫn tới giai đoạn cuối. Bệnh tiến triển chậm và thường không xuất hiện triệu chứng cho tới khi đã ở tình trạng nguy hiểm gây hại cho người bệnh.
Suy thận cấp tính xảy ra trong thời gian ngắn, trước đó chưa từng xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng chữa khỏi được. Suy thận cấp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
-Nguyên nhân gây bệnh suy thận là gì, thưa bác sĩ? (Phương Dương – Thái Nguyên)
Có hai nguyên nhân chính gây bệnh suy thận là viêm cầu thận cấp và cao huyết áp. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác là biến chứng của bệnh tiểu đường.
-Xin hỏi bác sĩ, bệnh suy thận có nguy hiểm không?(Tiến Đạt – Hà Nam)
Ngoài chuyện làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, bệnh suy thận còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục, sức khỏe sinh sản, gây vô sinh – hiếm muộn… Với những trường hợp bị suy thận nặng, người bệnh cần phải lọc máu suốt đời để duy trì cuộc sông.
-Điều trị bệnh suy thận như thế nào?
Nếu bệnh nhẹ, người bệnh phải uống thuốc và ăn kiêng nghiêm ngặt. Chế độ ăn kiêng rất phức tạp vừa phải đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng vừa phải đủ (thậm chí gọi là ít) chất đạm và muối (K, Na).
Trường hợp bệnh nặng (chức năng thận giảm xuống còn dưới 50%) thì ngoài uống thuốc và ăn kiêng cần phải được lọc máu suốt đời để duy trì cuộc sống.
Phương pháp lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) hoặc phẫu thuật ghép thận cũng là một trong những phương pháp điều trị bệnh suy thận phổ biến hiện nay.
-Xin bác sĩ cho biết, người bệnh suy thận cần có chế độ ăn kiêng như thế nào?
Những người mắc bệnh thận nói chung và suy thận nói riêng nên tránh ăn hải sản, thực phẩm chứa nhiều gia vị, các loại thức ăn gây cảm ứng và các chất gây kích thích như rượu bia, nước có ga, cà phê… Nên tránh tất cả các loại thực phẩm làm tăng nhiệt bên trong cơ thể (đồ ăn cay, nóng, có tính nhiệt cao).
Người bệnh thận nên giảm ăn muối đặc biệt là các trường hợp đã bị phù nề. Những người suy thận, tăng kali huyết cần tránh xa thực phẩm có hàm lượng kali cao. Bệnh nhân tiểu tiện máu và axit uric cao nên tránh ăn phủ tạng động vật.
-Cách phòng ngừa bệnh suy thận như thế nào, thưa bác sĩ?
Cần điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh. Nếu có bệnh tiểu đường, cần điều trị tốt đường máu và thường xuyên kiểm tra chất đạm trong nước tiểu. Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu…
Không hút thuốc lá, không uống nhiều rượu bia, cà phê và các chất kích thích khác.
Giảm muối trong khẩu phần ăn, ăn đồ ăn ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Uống đủ nước 2 – 3 lít/ngày. Thể dục đều đặn. Không tự ý dùng thuốc bừa bãi mà gây ảnh hưởng lớn đến chức năng thải độc của thận.
Khám bác sĩ chuyên khoa thận định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần để phát hiện bệnh sớm nhất và có biện pháp đối phó kịp thời.
Suy thận là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, gây biến chứng lớn nên chúng ta cần hiểu rõ về nó và có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.