Bệnh parkinson thường gặp ở người già. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp, người bệnh sẽ có nguy cơ bị tàn phế sau khoảng 5-7 năm từ khi bệnh khởi phát. Cùng tìm hiểu bệnh parkinson là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và cách cải thiện căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu: bệnh parkinson là gì?
Bệnh Parkinson là một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh gây ra, biểu hiện bởi đặc trưng bằng các cử động bị chậm chạp, cứng đờ, run và rối loạn về thăng bằng.
Bác sĩ người Anh tên James Parkinson là người đầu tiên mô tả về căn bệnh này vào năm 1817.
Hầu hết những người mắc bệnh parkinson đều trên 55 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ thấp khoảng 5 – 10% bệnh khởi phát ở những người trẻ tuổi, trước 45 tuổi.
Người ta bị bệnh Parkinson là do bị mất các tế bào não có khả năng sản sinh chất dopamine. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh, có tác dụng hóa học trong quá trình dẫn truyền tín hiệu giữa các sợi thần kinh trong một số bộ phận trong não. Dopamine giúp làm cho các cử động của cơ thể chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Nếu thiếu dopamine sẽ làm cho các cử ñộng của cơ thể bị chậm lại, còn gọi là chứng chậm vận động. Chứng chậm vận động là một trong các triệu chứng chính của bệnh Parkinson.
Mặc dù bệnh Parkinson có thể là một bệnh phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống của chúng ta, nhưng bệnh vẫn có thể điều trị tốt được, nhờ dùng thuốc đúng đắn, vật lý trị liệu, và các phương pháp trợ giúp khác.
Bệnh Parkinson không thể điều trị khỏi hẳn được, bởi vì nguyên nhân gây bệnh cho đến hiện nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Tuy nhiên, người bệnh có thể chung sống với bệnh parkinson trong nhiều năm.
2. Những giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh Parkinson
Người ta vẫn chưa biết được căn nguyên chính xác gây ra bệnh Parkinson. Hiện tại, hầu hết các chuyên gia vẫn tin rằng Parkinson là do tương tác giữa các yếu tố của môi trường bên ngoài với tính mẫn cảm di truyền của cơ thể.
Người ta đã phát hiện ra được rất nhiều các khiếm khuyết về gen gây ra bệnh Parkinson, ñiều này giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về bệnh Parkinson.
Tuy nhiên, đại đa số các trường hợp bị Parkinson vẫn chỉ là xảy ra lác đác, không có tính di truyền. Nhưng đối với những bệnh nhân bị thể bệnh Parkinson xuất hiện kiểu ngẫu nhiên như vậy, thì những người bà con trực tiếp của bệnh nhân cũng sẽ có nguy cơ cũng bị bệnh tương đối cao hơn so với người ở gia đình bình thường.
3. Các triệu chứng của bệnh Parkinson là gì?
Các triệu chứng chính của bệnh Parkinson bao gồm: run bàn tay, cánh tay hoặc chân, thường khởi phát ở một bên người, run xuất hiện ở tư thế nghỉ, khi thực hiện các công việc thường ngày thì cử động bị chậm chạp, bước chân đi bị chậm và kéo lê bước, rối loạn về thăng bằng, và cứng đờ các cơ bắp.
Ngoài ra, người bệnh parkinson còn có thể có một số triệu chứng khác nữa.
Chẳng hạn như khi bệnh tiến triển thì về sau sẽ có các triệu chứng như: giảm biểu cảm của nét mặt, chảy nước miếng, khó xoay trở người, tư thế người như đông cứng dáng đi, dáng đứng còng xuống, mệt mỏi, chữ viết bị nhỏ lại, táo bón, rối loạn về giấc ngủ, giọng nói thều thào, rối loạn về nuốt, rối loạn trí nhớ và rối loạn chức năng tư duy, trầm cảm, lo sợ, đau, rối loạn cảm giác, tiểu không kìm được, rối loạn tình dục, da khô, chóng mặt khi đứng và dễ bị té ngã. Các triệu chứng này có thể sẽ trở nên nổi trội hơn khi bệnh càng tiến về giai đoạn nặng.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson
4.1 Phương pháp chẩn đoán bệnh parkinson là gì?
Chẩn đoán bệnh parkinson do bác sĩ thực hiện, dựa vào lời kể của người bệnh và dựa vào việc khám bệnh (chẩn đoán lâm sàng là chủ yếu).
Cho tới hiện nay, chưa có một xét nghiệm nào có thể dùng để chẩn đoán khẳng định một người bị parkinson. Một bác sĩ thần kinh chuyên sâu về bệnh Parkinson cũng có khi phải theo dõi tiến triển bệnh ở người bệnh đó một thời gian, rồi mới chắc chắn được về các triệu chứng của bệnh.
4.2 Phương pháp điều trị bệnh Parkinson là gì?
Điều trị bệnh parkinson căn bản phải dựa vào thuốc và tập luyện phục hồi. Cũng có thể phải phẫu thuật não cho một vài trường hợp đã được chọn lọc. Khi bệnh nặng dần, thì phải điều chỉnh lại số lượng thuốc và số lần uống thuốc. Các thuốc cũng có thể có các tác dụng phụ nhưng việc sử dụng chúng trong điều trị bệnh parkinson vẫn được khuyến cáo vì giúp làm giảm quá trình tiến triển của bệnh
Các phương pháp điều trị phục hồi chức năng, bao gồm cả vật lý trị liệu, sẽ giúp bạn tăng khả năng vận động và giảm các rối loạn thăng bằng.
Phương pháp trị liệu ngôn ngữ sẽ giúp giảm các rối loạn về nói và nuốt. Điều trị bằng lao động sẽ làm nhẹ bớt các khó khăn trong hoạt động hàng ngày. Các bài tập kiểu như yoga hay thái cực quyền cũng có thể rất có ích.
5. Hỗ trợ điều trị bệnh parkinson
Điều rất quan trọng là bạn phải có hiểu biết đúng về bệnh của mình và cần khám bác sĩ thần kinh đều đặn.
Tùy theo người bệnh, các bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp. Bạn cũng cần tuân thủ theo dõi những biến đổi trong các triệu chứng của mình. Việc tự theo dõi như vậy sẽ giúp cho biết liệu quá trình điều trị của bạn có cần phải điều chỉnh lại hay không.
Mỗi một bệnh nhân có một kiểu tiến triển của bệnh Parkinson khác nhau và do vậy mỗi người có cách điều trị bệnh khác nhau. Việc tập luyện và giữ thăng bằng tốt là rất quan trọng. Tập ñi bộ là cách tập đơn giản và bạn có thể tập hàng ngày được. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ giúp bạn tập sao cho đúng. Trong chế độ ăn nên có nhiều chất xơ và nước để chống táo bón vì Parkinson thường có táo bón.
Bệnh Parkinson là một bệnh gây tàn phế, nhưng bạn có thể tự điều chỉnh hoạt động tùy theo khả năng của mình. Bệnh Parkinson không phải là tuổi già thì phải thế. Nó là một tình trạng bệnh cần được bác sĩ điều trị. Có một số ít trường hợp Parkinson có bản chất là do di truyền. Parkinson là một bệnh có thể điều trị được và bạn có thể tự giúp thêm cho việc điều trị của mình bằng cách uống thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc và giữ vững tinh thần lạc quan.