Parkinson là rối loạn thần kinh vận động gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của cơ thể, gây cảm giác khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy bệnh Parkinson có chữa được không và kiểm soát bằng cách nào?
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu bệnh Parkinson có chữa được không?
1.1 Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để biết bệnh Parkinson có chữa được không?
Parkinson là bệnh lý rối loạn thần kinh vận động đặc trưng bởi run tĩnh trạng, tăng trương lực cơ, giảm vận động và vận động chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống và công việc thường ngày của người bệnh. Bệnh thường xảy ra do 4 nhóm nguyên nhân chính sau:
– Parkinson vô căn: Phần lớn các trường hợp mắc bệnh Parkinson không thể xác định rõ được nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng điển hình của bệnh gồm: cứng khớp, di chuyển chậm, run rẩy.
– Parkinson do thoái hóa hệ thống: Xảy ra do quá trình thoái hóa hệ thống gồm thoái hóa thần kinh… Sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamine được coi là một yếu tố quan trọng gây bệnh Parkinson ở thể này.
– Parkinson mạch máu: Nhóm bệnh xảy ra do tình trạng giảm cung cấp máu lên não, thường gặp ở người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường, thiếu máu não. Các biểu hiện của người bệnh thuộc nhóm này gồm: giảm trí nhớ, tiểu thiếu tự chủ, đi lại khó.
– Parkinson do thuốc: Một số người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson sau khi sử dụng một số loại thuốc điều trị đặc biệt, trong đó phổ biến nhất là thuốc điều trị tâm thần phân liệt và dopamine.
Parkinson là bệnh lý mãn tính, có tính chất diễn tiến dần dần trong nhiều năm liền. Do vậy, bệnh thường được phát hiện muộn và rất khó điều trị.
1.2 Bệnh Parkinson có chữa được không nếu phát hiện sớm?
Kể cả đối với những trường hợp mắc bệnh Parkinson ở giai đoạn nhẹ thì cho đến nay giới y khoa vẫn chưa tìm ra được biện pháp điều trị khỏi. Tuy nhiên nếu được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh vẫn có thể được kiểm soát tốt. Thực tế cho thấy hầu hết bệnh nhân Parkinson đã duy trì được cuộc sống và công việc trong thời gian dài với việc dùng thuốc làm giảm triệu chứng của bệnh.
2. Các phương pháp điều trị Parkinson phổ biến hiện nay
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà sẽ có những cách điều trị bệnh Parkinson khác nhau. Các phương pháp được lựa chọn trong từng trường hợp cụ thể gồm:
2.1 Sử dụng thuốc
Dùng thuốc là cách điều trị Parkinson phổ biến nhất hiện nay. Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị Parkinson bao gồm các loại thuốc thay thế, kích thích hoặc ngăn chặn sự phân hủy của dopamine như Levodopa, dopamine agonist, Monoamine oxidase-B (MAO-B).
Ngoài ra, các chất ức chế Catechol O-methyltransferase (COMT), thuốc kháng cholinergic… có thể được sử dụng để giảm triệu chứng run ở người bệnh.
Nhìn chung, các loại thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng của Parkinson, nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như hạ huyết áp, đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi và rối loạn tâm thần… Vì vậy, người bệnh cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ để đem lại hiệu quả tốt và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
2.2 Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được áp dụng để điều trị Parkinson khi việc chữa bệnh bằng thuốc không đem lại hiệu quả hoặc những trường hợp gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về vận động. Tuy giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson, nhưng phẫu thuật cũng có thể gây ra một số biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng, tổn thương não.
2.3 Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng phương pháp mà ở đó người bệnh Parkinson tập trung vào việc học cách thích ứng với các triệu chứng của bệnh, duy trì khả năng vận động và các chức năng hàng ngày, bao gồm các biện pháp:
– Tập thể dục để cải thiện sức mạnh, sự cân bằng và khả năng vận động
– Bài tập ngôn ngôn ngữ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của người bệnh
– Liệu pháp vật lý trị liệu giúp cải thiện khả năng vận động
– Liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân đối phó với các triệu chứng và tác dụng phụ của bệnh
3. Triệu chứng bệnh nhân Parkinson thường gặp
3.1 Các triệu chứng ở giai đoạn sớm
Ở giai đoạn sớm, người bệnh Parkinson có thể có các dấu hiệu gồm:
– Mệt mỏi, đau cơ
– Thực hiện các động tác đơn giản (đi tất, đi giày, tra chìa khóa…) một cách vụng về
– Rối loạn chữ viết (thường chữ viết nhỏ dần)
– Táo bón
– Trầm cảm
– Kéo lê chân hoặc giảm hoạt động của tay khi vận động
– Run khi nghỉ xảy ra kín đáo, không liên tục
3.2 Các triệu chứng điển hình
Bệnh nhân mắc bệnh Parkinson thường có 3 triệu chứng cơ bản là:
– Run: Tình trạng run thấy rõ ở ngọn chi, môi, lưỡi của người bệnh. Trong nhiều năm đầu, run thường khu trú ở một bên cơ thể. Triệu chứng này có thể tạm mất khi vận động, nhưng sau đó lại tái diễn. Bệnh nhân hết run khi ngủ, xúc động tăng run. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không run.
– Cứng đơ: Đây là một trong các triệu chứng quan trọng nhất của người bệnh Parkinson, biểu hiện cụ thể là cứng ở tất cả các nhóm cơ chân tay, khiến người bệnh đi lại khó, thấy chắc, cứng khi sờ nắn các cơ.
– Giảm vận động: Bệnh nhân thường mất các động tác tự nhiên của nét mặt, chân tay, nhất là khi cử động. Họ không còn khả năng biểu lộ tình cảm, ít chớp mắt.
3.3 Các triệu chứng khác
Bên cạnh các triệu chứng điển hình, người bệnh thường có thể có các biểu hiện:
– Loạn cảm đau
– Cảm giác bồn chồn, đứng ngồi không yên
– Nóng bức, tăng tiết mồ hôi
– Phù, tím tái ngọn chi
– Rối loạn cương
– Hạ huyết áp tư thế
– Trầm cảm lo âu (chiếm khoảng 35 đến 40% các trường hợp)
– Ảo thị, hoang tưởng
– Sa sút trí tuệ khi bước vào giai đoạn nặng
Bệnh Parkinson phát triển qua 5 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, các triệu chứng và mức độ biểu hiện có thể khác nhau. Đặc biệt ở những giai đoạn cuối, người bệnh có thể bị suy giảm chức năng nặng, phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường, không còn tự chủ được.
Hi vọng qua bài viết trên đây bạn đã có thể lý giải phần nào thắc mắc “Parkinson có chữa được không?”. Hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh Parkinson. Việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh cần được thực hiện bởi các chuyên gia Nội thần kinh cùng thiết bị hỗ trợ hiện đại. Khi thấy các triệu chứng của bệnh, bạn cần thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.